Nông dân Tam Xuân 2 “hái ra tiền” từ cây sương sâm

NHƯ QUỲNH - BÙI HUÂN 24/06/2021 21:50

(QNO) - Từng bỏ tiền của đầu tư nhiều loại cây trồng nhưng không hiệu quả, chị Trương Thị Hồng Nhân (thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) chuyển hướng sang trồng cây sương sâm và “ăn chắc” sau một thời gian ngắn chuyển đổi.

Vườn sương sâm của chị Nhân tạo việc làm cho 7 lao động tại thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2. Ảnh: H.Q
Vườn sương sâm của chị Nhân tạo việc làm cho 7 lao động địa phương. Ảnh: H.Q

Chị Trương Thị Hồng Nhân cho biết, trước đây gia đình nhiều lần trồng mít, xoài… nhưng đều không hiệu quả do đất khô cằn, ít dinh dưỡng. Mặt khác do xa nguồn nước tưới thủy lợi, nước trong vườn bị nhiễm phèn nặng nên cây chết dần chết mòn, thiệt hại hơn 20 triệu đồng đầu tư cây giống và công chăm bón.

Năm 2017, chị Nhân mua 10kg củ sương sâm với mức giá 300 nghìn đồng/kg ở tỉnh Tiền Giang về trồng thử nghiệm trên 5 sào đất khô cằn, bạc màu. Sau một thời gian chăm sóc, chị thấy loại cây này phát triển tốt, thích ứng với thời tiết nắng nóng, lượng nước tưới cũng không cần nhiều.

Khoảng 25 ngày, gia đình chị Nhân hái lá sương sâm một lần. Bình quân mỗi sào thu 2 - 3 tạ lá, giá bán dao động 70 - 90 nghìn đồng/kg, có lúc “cháy” hàng lên tới 120 nghìn đồng/kg. Với 5 sào sương sâm hiện có, mỗi tháng thu được 30 - 40 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Vườn sương sâm được chị Nhân đầu tư, bố trí rất bài bản và khoa học. Mỗi gốc sương sâm đều trồng trụ bê tông vững chắc. Hàng sương sâm cách nhau khoảng 0,5m, có rãnh thoát nước chống ngập úng hư hại rễ. Trên các trụ bê tông căng dây theo chiều dọc để sương sâm dễ bu bám.

Về kinh nghiệm trồng sương sâm, chị Nhân cho biết, loại cây này tuy dễ mà khó trồng, ít bị sâu bệnh hại nhưng rất sợ úng, úng sẽ dễ bị bệnh, nhất là bệnh thối rễ gây chết nhanh. Nếu đất không tơi xốp và thoát nước thì bệnh hại có điều kiện phát triển mạnh, gây chết hoàn toàn. Trong trường hợp trồng cây với mật độ dày thì những lá phía dưới gốc hay bị cháy…

“Lá sương sâm vò nát làm thạch xoa xoa, giải nhiệt rất tốt, lại tự nhiên nên được thị trường rất ưa chuộng. Từ khi trồng loại cây này chưa khi nào tôi bị ế hàng vì có nhiều nguồn tiêu thụ. Sau khi có sản phẩm, khách hàng đến tận vườn thu mua lá chứ không phải mất công chở đi bỏ mối xa” - chị Nhân nói.

Hiện nay, gia đình chị Nhân đã mở rộng đầu tư hơn 1ha sương sâm với hơn 7.000 cây, và cũng là hộ duy nhất trồng sương sâm ở xã Tam Xuân 2 nên việc tiêu thụ rất thuận lợi. Để mở rộng thị trường đầu ra, chị dự định đầu tư thêm máy chế biến và đóng gói thành phẩm lá sương sâm để cung cấp cho khách hàng ở miền Nam trong thời gian tới.

Chị Nhân còn san sẻ cây giống cho nhiều hộ dân thôn Phú Nam và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch lá đảm bảo chất lượng, đúng chu kỳ sinh trưởng, mang lại thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 chia sẻ: “Những năm qua nông dân trên địa bàn xã chuyển đổi cây trồng ồ ạt, trong đó có mít thái, dừa, chuối nhưng năng suất đem lại không cao, hơn nữa địa hình thấp nên các loại cây trồng này dễ chết do ngập úng. Trước khó khăn đó, nhiều hộ mạnh dạn tìm hướng đi mới, trong đó hộ chị Trương Thị Hồng Nhân đã thành công với mô hình cây sương sâm”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Tam Xuân 2 “hái ra tiền” từ cây sương sâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO