(QNO) - Nông dân huyện Thăng Bình bắt đầu thu hoạch kiệu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Vụ kiệu tết năm nay, lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình chủ động giảm diện tích trồng.
Mười năm trồng kiệu nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Thêm (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục) cắt giảm một nửa diện tích so với mọi năm. Ông Thêm cho biết, từ tháng 8 âm lịch nông dân trên địa bàn bắt đầu trồng kiệu vụ tết. Năm nay toàn xã trồng khoảng 200ha và hầu như gia đình nào cũng cắt giảm diện tích.
Với khoảng 2.500m2 trồng kiệu vụ này, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nhờ kinh nghiệm trồng lâu năm nên vườn kiệu ông Thêm vẫn đảm bảo đủ sản lượng. “Củ kiệu nhỏ hơn so với mọi năm. Dự tính sản lượng đạt khoảng 8 tạ, trừ chi phí cũng có thu nhập mua sắm ngày tết” - ông Thêm chia sẻ.
Cũng giảm diện tích từ 1.500m2 xuống còn 750m2, bà Trần Thị Liên (thôn Bình Hiệp) cho biết, lời lãi trồng kiệu không chỉ phụ thuộc vào diện tích mà còn phụ thuộc giá cả giống kiệu ban đầu và yếu tố cung cầu thị trường. Hiện nay với giá bán bình quân 28 - 35 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư, người trồng kiệu vẫn thu lãi 3 - 10 triệu đồng/vụ.
“Kiệu sau khi thu hoạch sẽ được phân loại theo kích thước rồi bán cho thương lái vận chuyển đi các chợ trong tỉnh và nhiều vùng khác. Ở miền Nam, người mua thường thích loại kiệu to nhưng ở Đà Nẵng và Huế lại thích loại nhỏ (gọi là kiệu sẻ), kiệu nhỏ thường có mùi thơm đậm hơn” - bà Liên chia sẻ.
Không chỉ trồng 500m2 kiệu, bà Huỳnh Thị Hòa (xã Bình Sa) còn tranh thủ thời gian đi thu mua kiệu của bà con lân cận để bán kiếm thêm thu nhập. Hiện kiệu bước vào mùa thu hoạch nên mỗi ngày bà Hoa thu mua được khoảng 1 - 2 tạ và thu lời 100 - 200 nghìn đồng.
“Năm nay tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại thương lái thu mua kiệu rất nhanh, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, không kỳ kèo làm giá như mọi năm. Vì thế, dù sản lượng có giảm nhưng bà con vẫn phấn khởi cho mùa vụ năm nay” - bà Hòa nói.