Hai năm trở lại đây, từ sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và Phòng Kinh tế TP.Hội An, một nhóm hộ dân tại thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An) đã được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng làm du lịch ngay trên chính ruộng rau của mình.
Trải nghiệm trồng rau
Gần đây, vườn rau hữu cơ của nhóm hộ tại thôn Thanh Đông không chỉ được biết đến bởi thương hiệu rau an toàn, sạch bệnh mà còn là địa chỉ tham quan, du lịch của phố Hội. Từ trung tâm Hội An, du khách có thể đến làng quê sinh thái Cẩm Thanh bằng xe đạp, bơi thuyền thúng tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, ghé các nhà dân để được xem bà con chằm lá dừa nước và làm nhiều sản phẩm từ tre dừa nước... Làng rau hữu cơ Thanh Đông, một địa chỉ du lịch mới vừa được điền tên vào danh sách điểm đến thuộc tour “Tham quan rừng dừa Bảy Mẫu” do một số công ty lữ hành tổ chức, bước đầu đem lại sự mới lạ cho du khách. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nông dân mà còn được trải nghiệm cảm giác trở thành những nông dân thực thụ trên cánh đồng rau. Du khách sẽ học được cách làm đất, gieo vãi hạt giống hay trồng những mầm giống ngay trên chính luống đất mình cất công mới có được dưới sự hướng dẫn của những nông dân bản địa. Lần đầu tiên ghé qua Thanh Đông, trải nghiệm làm nông dân, chị Katherine Chappel (một du khách Mỹ) chia sẻ: “Thật là nặng trên vai và mệt, nhưng rất vui. Lần đầu tiên tôi có thể tự tay trồng cho mình luống rau, thật thú vị. Quê hương các bạn thật tươi đẹp”.
Nông dân làng rau “giảng bài” về rau hữu cơ.Ảnh: H. Liên |
Với những du khách chỉ đến đây để tham quan, thù lao sau chuyến đi mà các công ty lữ hành sẽ chi trả cho những hướng dẫn viên nông dân là 30 nghìn đồng/khách, còn với những khách trải nghiệm làm nông dân, mức đóng sẽ là 50 nghìn đồng/khách. Nguồn lợi từ du lịch này sẽ được nhóm hộ Thanh Đông sung vào quỹ nhóm để phục vụ tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại những làng rau nổi tiếng, mua sắm vật dụng nông nghiệp phục vụ du lịch hay thăm hỏi các thành viên trong nhóm lúc ốm đau… Dù còn khá mới mẻ, chưa được khai thác nhiều, song bên cạnh nguồn thu lợi từ hoạt động sản xuất thường ngày, nông dân làng Thanh Đông bước đầu đã phần nào được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng. Sáu tháng đầu năm 2015, nguồn lợi từ du lịch đem lại cho nhóm hộ là 18 triệu đồng, dù còn khá ít ỏi nhưng cũng đã khích lệ, động viên tinh thần bà con tiếp tục bám nghề, giữ hình thức canh tác truyền thống.
Hướng dẫn du khách trồng rau. |
Ông Phạm Văn Chức - Tổ phó tổ cộng đồng vườn rau hữu cơ Thanh Đông cho biết, do đòi hỏi về kỹ năng đón tiếp khách, trình bày và giải đáp bất kỳ mối quan tâm nào của khách về mô hình và quy trình sản xuất rau hữu cơ nên trước mắt bà con bầu chọn một số nông dân trẻ, am hiểu nghề trực tiếp làm du lịch. Nhờ đào tạo, huấn luyện nhiều, giờ bà con đã quen với việc này rồi. “Hễ có tin báo có khách đến, tổ du lịch chuẩn bị sẵn dụng cụ sản xuất, đất, cây giống, hạt giống để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho khách. Một số cơ sở lưu trú đã hình thành gần đây nên khách sẽ không gặp khó trong việc lưu trú. Nếu khách có nhu cầu, bà con cũng sẽ bán rau đã qua sơ chế với nhãn mác, bao bì được thiết kế sẵn. Còn nếu du khách muốn tổ chức nấu ăn tại chỗ, chúng tôi cũng sẵn sàng” - ông Chức nói.
Mở rộng dịch vụ
Suốt thời gian dài, cánh đồng rau Thanh Đông bỗng nhiên trở thành những lớp học thực tế cho các học sinh cũng như sinh viên thực tập tại Hội An, Huế và TP.Hồ Chí Minh, và “giảng viên” đứng lớp là những nông dân thực thụ. Những khóa học này, “nhà trường” sẽ có thù lao để bồi dưỡng cho các nông dân. Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP. Hội An thông tin, nếu như lúc khởi đầu, dự án rau hữu cơ Thanh Đông kết hợp phát triển du lịch cộng đồng chưa được nông dân đón nhận mặn mà thì nay nhiều người đã thay đổi nhận thức về dự án, một số hộ quyết tâm làm du lịch. “Nếu Thanh Đông được định hướng phát triển du lịch theo nhóm hộ thì thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình trồng rau hữu cơ gia đình gắn với du lịch tại khối An Mỹ, phường Cẩm Châu. Mô hình này được định hướng phát triển du lịch theo hướng nhà vườn kết hợp lưu trú, nhằm tạo vệt kết nối du lịch” - bà Vân nói.
Ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Viet Café Management & Investment chia sẻ: “Viet Café là đơn vị lữ hành đồng hành với nông dân Thanh Đông. Chúng tôi đã tổ chức tour đến với Cẩm Thanh nói chung và Thanh Đông nói riêng, tuy nhiên do điểm đến còn khá mới mẻ, lượt khách đến chưa nhiều. Từ đầu năm 2015 tới nay, chỉ khoảng 100 khách nước ngoài được công ty đưa tới đây” - ông Thanh cho biết. Ông Thanh thông tin, thời gian qua, để từng bước nâng chất lượng dịch vụ điểm đến, công ty đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện với nông dân Thanh Đông để hướng dẫn bà con kỹ năng đón tiếp khách, mỗi đợt có tour luôn trả phí dịch vụ để bà con được hưởng lợi và yên tâm làm du lịch bên cạnh sản xuất. Tuy nhiên, do điểm đến còn khá mới mẻ nên khâu quảng bá cần được chú trọng hơn nữa. Cùng với đó là việc đầu tư hạ tầng, từng bước nâng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm cũng là hướng được chính quyền địa phương và ngành du lịch tính đến…
TRIÊU NHAN