Từ đất cằn đá sỏi, xã Tam Hiệp (Núi Thành) giờ là trung tâm của phát triển công nghiệp. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mọc lên hút lao động khắp nơi đổ về khiến nhịp sống nơi đây ngày đêm hối hả.
“Thủ phủ” công nghiệp
Trời còn hơi sương, hay vào giờ tan ca buổi chiều, quốc lộ 1 qua địa bàn xã Tam Hiệp dài 2km đông nghịt người. Hàng nghìn công nhân từ nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, rồi người lao động ở các xưởng may, công trường, nhà máy điện tử, cơ khí thuộc các khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp ùa ra khắp ngả đường. Gần 10 năm trước, khi Nhà nước thu hồi toàn bộ nhà cửa, đất sản xuất, ao hồ nuôi cá nước ngọt, ông Nguyễn Trường Quang (người dân thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp) được bố trí đất tái định cư, rồi xây nhà ở sát khu công nghiệp. “Ra đây mọi nếp sống, sinh hoạt đâu còn quê kiểng nữa. Mở cửa ra là thấy nhà máy sản xuất. Phấn khởi là cháu con mình cũng tìm việc làm ổn định trong khu công nghiệp, giảm nhiều chi phí nếu mưu sinh ở phương Nam” - ông Quang nói. Tôi hỏi: “Khoan vội chê cái giá phải trả của hệ lụy công nghiệp hóa đến chóng mặt, ông thấy dân mình được lợi gì nhất?”. Ông Quang cười sang sảng kể ra, nào làng quê lên phố, đất đai tăng giá, nhà cao tầng san sát, khu dân cư đêm về điện sáng trưng. Con em địa phương dần dà thoát cảnh nông nhàn... Như nhiều nông dân khác bị giải tỏa trắng, ngoài dựng nhà an cư, gia đình ông Quang còn dư chút đỉnh từ tiền nhận bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước đem bỏ ngân hàng lấy lãi, mở rộng thêm kinh doanh, đầu tư sản xuất. “Ở đây mở quán ăn, nước giải khát phục vụ cho công nhân cũng có thể đong gạo qua ngày. Nói chung, người dân được nâng cao dân trí, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống” - ông nói thêm.
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải được xe đưa đón đi về hàng ngày. |
Tôi nhớ, năm 2014, khi nhà máy kính nổi Chu Lai nhả khói bụi lơ lửng trên không trung, hay hệ thống nước thải của Khu công nghiệp Bắc Chu Lai xả thẳng ra môi trường khiến nguồn nước bị ô nhiễm, cá trong ao đồng loạt chết. Nhiều người dân đồng thời cũng là công nhân làm việc trong khu công nghiệp phản ứng gay gắt nhưng rất văn hóa. Họ tụ tập đông người mà không hò hét, đập phá tài sản của doanh nghiệp. Đại diện khu dân cư gõ cửa chính quyền, chủ đầu tư và chủ động mời các cơ quan chức năng giải quyết. Rốt cuộc, sau vài lần đối thoại, doanh nghiệp đã đứng ra công khai xin lỗi dân và lập tức khắc phục sự cố rò rỉ nước thải ra môi trường. Ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho rằng, sở dĩ người dân hành xử đúng mực, dù bức xúc rất thỏa đáng là được sống, lao động trong môi trường công nghiệp có tính kỷ cương, kỷ luật cao.
Giờ lao động của công nhân tại xưởng sản xuất gỗ của Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. |
“Đất lành” phải tạo môi trường thông thoáng chào đón nhà đầu tư. Chủ trương ấy, dường như xuyên suốt hơn mười mấy năm qua ở huyện Núi Thành - một vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh. Trong đó, Tam Hiệp nổi lên bằng lực hút, sức lan tỏa mạnh mẽ, với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đến “chọn mặt gửi vàng”.
Ly nông bất ly hương
Nằm phía đông quốc lộ 1, Tam Hiệp hầu như dành đất ưu tiên phát triển các khu đô thị, dự án công nghiệp. Vựa muối Đại Phú, hay những cánh đồng tôm lấn sông ngày nào giờ đã được san lấp thành mặt bằng sạch. Chung quanh là các tòa nhà cao tầng của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nhà máy Sô đa Chu Lai, khu phức hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, nhà máy chế biến thủy sản Hoa Chen... Từ quốc lộ, chạy xe tầm 10 phút là đến cảng hậu cần Tam Hiệp. Dòng Trường Giang “mềm như dải lụa” hôm nay đã được nạo vét sâu để tàu tải trọng hơn 10 nghìn tấn ra vào. Màn đêm buông xuống, trên bờ, ánh điện từ khu dân cư, các nhà máy, xưởng sản xuất sáng rực; dưới sông, ánh sáng từ các con tàu chờ hàng chầm chậm hắt xuống mặt nước lung linh.
Không còn ruộng sản xuất, nhiều chị em phụ nữ xã Tam Hiệp tìm đến các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở thị trấn Núi Thành làm việc. TRONG ẢNH: Xưởng thủ công của Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ (Núi Thành). Ảnh: H.PHÚC |
Xã Tam Hiệp chỉ có hơn 3.700ha đất tự nhiên, nhưng là nơi đóng chân của hai khu công nghiệp. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, riêng ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai có 20 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, diện tích đất xây dựng nhà máy, công xưởng chiếm gần 144ha, với đa dạng các hình thức sản xuất từ lĩnh vực may mặc, bao bì, chế biến gỗ, dân dụng cơ khí, xây dựng đến lĩnh vực khai khoáng, thiết bị phục vụ nông ngư cụ và linh kiện điện tử. Trong đó, Công ty CCI Việt Nam đã thu hút thường xuyên 2.600 công nhân lao động. Còn ở Khu công nghiệp Tam Hiệp, Công ty CP Ô tô Trường Hải sử dụng trên dưới 6.000 công nhân lao động. Phát huy lợi thế “sân nhà”, những thanh niên Tam Hiệp xin vào làm việc trong các nhà máy công nghiệp, còn những người lớn tuổi, giảm sức lao động thì vào các xí nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ ở các cụm công nghiệp trên địa bàn thị trấn Núi Thành. Chị Trần Thị Dung ở thôn Đại Phú (xã Tam Hiệp) cảm thấy hài lòng khi làm việc tại Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (đóng ở thị trấn Núi Thành, sát với địa bàn xã Tam Hiệp). Chị bảo, tuy thu nhập mỗi tháng gần 3 triệu đồng, nhưng lao động tại xưởng tránh được cảnh dầm mưa dãi nắng, bấp bênh như làm ruộng; chủ luôn chi trả đầy đủ tiền lương và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. “Có lúc không muốn đan đát ở xưởng, tôi có thể nhận hàng về nhà, rảnh đâu làm đó rất tiện. Công việc phổ thông vừa nhẹ nhàng vừa phù hợp với lứa tuổi của mình” - chị Dung bộc bạch. Tại xã Tam Hiệp, có gần 100 trường hợp tương tự như chị Dung xin vào các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp thị trấn Núi Thành.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh, phần lớn người lao động thường vào làm việc tại các nhà máy ở các tỉnh phía Nam, nhưng 5 năm trở lại đây, các khu công nghiệp đóng tại Núi Thành đã “níu kéo” công nhân về lại quê. Nhiều lao động “ly nông bất ly hương”. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai thông tin, cuối năm 2014 thống kê có 22 nghìn người lao động làm việc tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh nhưng hiện nay đa số công nhân đã về các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là làm việc ở Chu Lai. Vùng đất mở đã hút lao động các huyện lân cận đến địa phương làm việc, đóng góp nguồn lực phát triển quê hương. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai chia sẻ, lực lượng lao động tại chỗ vừa dồi dào vừa ổn định, không biến động lớn như các tỉnh, thành phía Nam. Đây là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quyết định làm ăn lâu dài.
Theo Chi cục Thống kê huyện Núi Thành, đến hết cuối năm 2015, các doanh nghiệp trong nước và vốn FDI đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai hơn 1,3 tỷ USD, chủ yếu tập trung ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai và Tam Hiệp. Mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 11 nghìn lao động tại địa phương. Đến nay, có ít nhất 16 nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn. Trong đó, dẫn đầu vốn thực hiện lần lượt là các quốc gia, vùng lãnh thổ như Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Italia, Hồng Kông, Nhật Bản... Là địa bàn trọng điểm của Khu kinh tế mở Chu Lai, Tam Hiệp đang đổi thay từng ngày nhờ dựa vào lợi thế công nghiệp.
Ghi chép của HỮU PHÚC