Những ngày qua, nông dân huyện Đại Lộc nỗ lực khắc phục khó khăn, cải thiện vùng sản xuất, tập trung xuống giống vụ đông xuân 2017 - 2018 đảm bảo theo lịch thời vụ.
Nông dân Bàu Tròn (xã Đại An) chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vào vụ sản xuất mới. Ảnh: N.DUY |
Phục hồi vùng rau màu
Thời điểm này, tại nhiều vùng chuyên canh cây màu của Đại Lộc như Bàu Tròn (xã Đại An) và các xã Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong…, nông dân đang tích cực cải thiện vùng sản xuất, cải tạo đất, xuống giống rau màu các loại. Tại vùng chuyên canh Bàu Tròn, màu xanh đã trở lại trên cánh đồng xơ xác bởi đợt lũ lụt vừa qua. Những luống rau xanh, bắp ngọt, những vồng khổ qua, đậu tây, dưa leo được lên luống phủ bạt cẩn thận, cây giống đã cao chừng gang tay. Những chân ruộng cao ráo chỉ vừa chớm ngập nước, sau lũ, nông dân đã kịp thời dội bùn non, bón phân, chăm sóc cây trồng nên một số ruộng dưa leo, khổ qua, đậu tây thời điểm này đã bò lên choái.
Ông Phan Văn Năm, một nông dân thôn Bàu Tròn đang hì hục lên luống để xuống giống trở lại các loại dưa leo, đậu cô ve, khổ qua… Ông cho biết, nếu thời tiết ổn định thì lứa rau quả vụ đông này sẽ cho giá tốt, không xảy ra cảnh “được mùa mất giá” bởi người dân ở đây không còn xuống giống đại trà cùng một thời điểm. “Khoảng giữa tháng 11 âm lịch vùng này sẽ có rau củ quả để bán ra thị trường trở lại, nếu mưa thuận gió hòa” - ông Năm nói. Cạnh đó, lão nông Lê Văn Dũng (thôn Bàu Tròn) đang lúi húi bên ba sào đất trồng khổ qua và đậu cô ve. Theo ông Dũng, dù lũ lụt gây thiệt hại nặng nhưng giá giống rau, phân bón vẫn ổn định, không đắt đỏ như các năm do các đại lý trong vùng dự trữ đủ nguồn cung. “Vùng này tranh thủ xuống giống sớm vì cao ráo so với các vùng khác, hơn nữa tránh tình trạng sản xuất hàng loạt, không có đầu ra” - ông Dũng nói. Ông Lê Trọng Quốc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An cho biết, hiện HTX đã có lịch giúp nông dân chủ động xuống giống với một số đối tượng cây trồng chủ lực như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve, bí đao… Chỉ những thửa đất cao ráo bà con chủ động xuống giống để phục vụ thị trường rau củ quả vụ đông.
Tại cánh đồng hai thôn Ấp Bắc, Phước Mỹ (xã Đại Minh), sau khi cải tạo lớp đất cát bồi lấp nhẹ, trên nhiều chân ruộng cao ráo, nông dân đã tranh thủ làm đất, xuống giống rau, củ quả. Với những chân ruộng bị bồi lấp tới nửa tấc, việc khôi phục sản xuất khó khăn, bà con đã phải cải tạo sơ lớp cát bề mặt để chuyển sang trồng cây bí đỏ, dưa hấu. Theo chính quyền xã Đại Minh, toàn xã có diện tích đất màu khá lớn với hơn 130ha trồng cây màu, tập trung ở các thôn Ấp Bắc, Ấp Trung, Ấp Nam, Phước Bình. Phần lớn diện tích canh tác được bà con trồng cây ớt, dưa leo, khổ qua, bí đỏ, đậu phụng... Tại các vùng thuận lợi, ngay từ sau lũ, bà con đã tranh thủ xuống giống trở lại nhóm cây thực phẩm rau củ quả và cây ớt, đậu phụng, bắp. Riêng những vùng bị cát bồi, nhẹ thì nông dân chủ động cải tạo tái sản xuất, những vùng bị bồi lấp nặng được chuyển hẳn sang trồng bí đỏ, tuy nhiên năng suất sẽ thấp.
Chuẩn bị xuống đồng
Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc, công tác xuống giống đối với cây lúa đảm bảo theo đúng lịch thời vụ, bắt đầu gieo sạ từ ngày 25.12.2017 và kết thúc vào ngày 10.1.2018. Ngành cũng chỉ đạo các địa phương căn cứ thời gian sinh trưởng của giống để bố trí trà gieo sạ phù hợp, sao cho lúa trổ từ 20.3 tới 5.4.2018, trổ tập trung từ 25.3 tới 30.3, tránh thiệt hại do mưa giai đoạn lúa đang trổ và phải kết thúc vụ hè thu sớm, trước 5.5 để kịp cho vụ sản xuất hè thu. Riêng đối với các xã vùng B, khu vực vùng sản xuất được tưới bởi hồ chứa Khe Tân tại các tuyến kênh N2 (Đại Thạnh), N6 (Đại Tân, Đại Thắng), N10 (Đại Tân, Đại Phong) do phải thực hiện sửa chữa, nâng cấp nên hồ chứa sẽ cắt nước sớm, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương vùng này tổ chức gieo sạ trước lịch chung 7 - 10 ngày.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, về cơ cấu giống, lịch thời vụ, toàn huyện bố trí xuống giống 70% diện tích đối với các giống chủ lực TBR225, BC15, Nhị ưu 838, Thiên ưu 8, TH1, TH3-5; 30% diện tích còn lại bố trí giống thuần nguyên chủng hoặc giống xác nhận: OM 4900, PC6, TH 3-3… Huyện cũng chỉ đạo các HTX vùng B liên kết sản xuất hạt lúa giống cần bố trí lịch thời vụ hợp lý, tránh ảnh hưởng chất lượng giống do việc cắt nước để nâng cấp hệ thống kênh mương. Việc sắp xếp bố trí thời vụ mỗi trà cách nhau khoảng 5 ngày, bố trí vùng sản xuất theo trà, theo từng nhóm giống có cùng thời gian sinh trưởng để thuận lợi cho việc điều tiết nước tưới, quản lý sâu bệnh gây hại và thu hoạch vào cuối vụ. Theo ông Mẫn, trước 15.12, các địa phương phải đảm bảo xong xuống giống vụ đông xuân. Những vùng sản xuất lúa khó khăn về nước tưới trong vụ hè thu cần chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc tiến hành xen canh, luân canh cây trồng như một vụ lúa đông xuân, một vụ đậu xanh xuân hè (hoặc lúa đông xuân, bắp hè thu) hoặc chuyển hẳn sang trồng bắp. Huyện phân bổ cho Trạm Bảo vệ thực vật 100 triệu đồng để mua thuốc diệt chuột, cấp cho HTX và xã viên, phát tờ rơi đến hộ sản xuất tuyên truyền công tác diệt chuột, phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng trước khi xuống giống nhằm bảo vệ cây trồng.
H.LIÊN - N.DUY