Nông dân vào vụ trồng cúc tết

NHƯ TRANG 25/11/2019 11:20

Ngay sau khi những cây cúc giống được đưa vào chậu, nông dân khối phố 5 và khối phố Quảng Lăng A (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) lại tất bật chăm hoa để bán dịp Tết Canh Tý sắp đến gần.

Nông dân kiểm tra sâu bệnh cho những chậu cúc kiểng. Ảnh: N.T
Nông dân kiểm tra sâu bệnh cho những chậu cúc kiểng. Ảnh: N.T

 Ông Lê Đình Bê - Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Trung cho biết, tại địa phương hiện nay, có hơn 300 hộ dân trồng hoa cúc, tập trung nhiều nhất tại khối phố 5 và khối phố Quảng Lăng A. Ngày thường, các hộ nông dân này thường trồng cúc đất ngắn ngày, nhưng đến cận kề tết thì chuyển sang trồng cúc pha lê chưng kiểng. Sau giai đoạn cấy giống vào chậu, thời điểm tháng 11 là khoảng thời gian tất cả nông dân trồng cúc bắt đầu tất bật với công đoạn phun thuốc phòng bệnh, cắt tỉa để cây cúc đẻ nhánh, có dáng đẹp và ra hoa kịp bán dịp tết.

Theo kinh nghiệm hàng chục năm trồng hoa, muốn cúc sinh trưởng tốt đòi hỏi đất vào chậu phải sạch, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm và đặc biệt có kỹ thuật bấm tỉa khéo léo. Để hoa cúc được thu hoạch đúng vụ, người trồng không chỉ dày công chăm sóc mà còn chong điện xuyên đêm trên vườn cúc nhằm cho cây phát triển nhánh. Hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ mỗi bóng cách nhau 2 mét, có người lắp dày hơn. Theo đó, hơi nóng bóng điện giúp cho cây cúc “thức” để đẻ nhánh. Canh đến vụ thu hoạch từ 50 đến 70 ngày, chủ vườn sẽ bắt đầu cắt điện để cúc “ngủ” nhằm đóng búp, tạo hoa.

Nhu cầu chưng hoa kiểng ngày tết ngày càng tăng lên, vì thế năm nay hầu hết nông dân trồng hoa cúc tại phường Điện Nam Trung tập trung phát triển số lượng, thuê đất trồng thêm hoa. Mọi năm trước, ông Võ Cư (ở khối phố Quảng Lăng A) chỉ trồng từ 300 - 600 chậu cúc pha lê, nhưng năm nay ông mạnh dạn đầu tư 1.500 chậu. Ông Cư chia sẻ: “Trồng nhiều năm thì kinh nghiệm của tôi càng cao, xác suất thất bại không nhiều, hơn nữa rất nhiều mối khách ở Đà Nẵng tìm đến đặt hàng. Tôi quyết định huy động nguồn vốn và đầu tư nhân công trồng số lượng lớn”. Cùng xóm với ông Cư, vườn cúc nhà ông Đặng Diệp với số lượng 1.000 chậu cũng đang được cắt tỉa, phun thuốc phòng bệnh. Ông Diệp cho biết: “Năm nay, ngoài cúc pha lê truyền thống, tôi trồng thử nghiệm cúc đại đóa vì loài này ra hoa rất đẹp lại lâu tàn. Tôi đang cật lực đầu tư mọi thời gian cho khu vườn, hy vọng sẽ có một năm bội thu”.

Ở khối phố 5 trước kia chỉ toàn những cồn cát trắng bỏ không, nay lại ngập tràn sắc hoa cúc vàng. Ngoài loại hoa cúc bán hằng ngày, nông dân đầu tư vào vụ trồng hoa cúc kiểng một cách có hiệu quả. Ông Huỳnh Tấn Ri (ở đội 9, khối phố 5) cho biết: “Tôi có kinh nghiệm trồng cúc hơn 10 năm rồi, bình quân mỗi năm tôi trồng cúc trên 15 sào đất cát, vừa bán cúc thường, vừa bán cúc chưng kiểng. Trồng lâu thì có kinh nghiệm, tuy nhiên thời tiết mỗi năm mỗi khác, phải biết cách chăm mới hiệu quả”. Một số nông dân trồng cúc kiểng cũng chia sẻ, trồng cúc cũng như chăm sóc con mọn, phải thường xuyên túc trực ngoài vườn để điều tiết nước tưới, xem ánh sáng có hợp lý hay chưa, phải biết vận dụng cách bón phân, tỉa cành cho ra khóm cúc đẹp. Thời điểm này, người trồng cúc còn trông chờ vào diễn biến thời tiết để phun thuốc phòng sâu bệnh và làm sạch cỏ trên từng chậu cúc kiểng. Tất bật với công việc ở vườn hoa, nông dân hy vọng sẽ bội thu trong vụ cúc tết này.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân vào vụ trồng cúc tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO