"Nông dân Việt Nam xuất sắc" ở xứ Quảng

VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO 23/10/2022 07:32

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa chủ trì phối hợp với các bộ, ban ngành tổ chức lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 cho 100 nông dân điển hình trên địa bàn cả nước. Tại buổi lễ, Quảng Nam có 2 nông dân tiêu biểu vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và trao danh hiệu này. Đó là các ông Đồng Phước Tào (xã Quế Phú, Quế Sơn) và Đặng Xuân Hòa (xã Tam Phước, Phú Ninh).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 cho ông Đồng Phước Tào (xã Quế Phú, Quế Sơn). Ảnh: P.V
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 cho ông Đồng Phước Tào (xã Quế Phú, Quế Sơn). Ảnh: P.V

Làm giàu từ lúa gạo quê nhà

Về thôn Trà Đình 1 thuộc xã Quế Phú của huyện Quế Sơn, hỏi nhà ông Đồng Phước Tào, ai cũng biết. Bởi, vợ chồng ông Tào là tấm gương nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng và luôn tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Hay tin ông Tào ra thủ đô Hà Nội nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022 vừa trở về, chúng tôi liền tìm đến nhà thì nghe nói ông cùng một số nhân công chở hàng đi Đà Nẵng giao cho các đại lý và cơ sở sản xuất lớn. Phải hẹn tới hẹn lui nhiều lần, tôi mới gặp được ông Tào. Trong căn nhà 3 tầng kiên cố, khang trang, người đàn ông 54 tuổi với gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền rót nước mời khách rạng rỡ niềm vui.

Ông Đồng Phước Tào.
Ông Đồng Phước Tào.

Ông Đồng Phước Tào kể, ông sinh năm Mậu Thân - 1968, tại làng Trà Đình của xã Quế Phú. Ngày trước, gia đình ông quá khó khăn nên buổi cắp sách đến trường, buổi ông phải lặn lội lên khu vực Chợ Gò, Núi Đất, Hòa Mỹ... của xã Quế Xuân cũ mót khoai, mót sắn về ghế cơm.

Năm 1987, ông Tào tham gia nghĩa vụ quân sự, làm lính biên phòng đóng ở huyện Giằng (nay là Nam Giang). Đến gần cuối năm 1990, ông xuất ngũ trở về địa phương và 2 năm sau thì lập gia đình với bà Nguyễn Thị Hoàng ở thôn Mộc Bài, cách nhà chừng hơn 1 cây số.

Sau khi nên bề gia thất, vợ chồng ông Tào bám víu với 4 sào ruộng khoán và nuôi mỗi lứa vài con heo nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, không đủ lo cho 3 đứa con (1 gái, 2 trai) ăn học.

Với quyết tâm không để cái nghèo đeo bám dai dẳng, khoảng năm 2000, vợ chồng ông Tào lên chợ Mộc Bài thu mua lúa gạo và nông sản khác rồi bán lại cho các tư thương để kiếm lời. Ban đầu, quy mô kinh doanh khá nhỏ, rồi dần dà ông tích góp vốn đầu tư mở rộng mặt bằng và mua sắm các trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ chế biến nông sản.

Theo ông Đồng Phước Tào, bình quân hằng năm vợ chồng ông thu mua, chế biến và cung ứng ra thị trường không dưới 7.000 tấn nông sản các loại. Trong đó, sản phẩm gạo thương phẩm và bột gạo chủ yếu ông bỏ cho các đại lý lớn, những cơ sở sản xuất bún mỳ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi; các loại nếp phần lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam và một số địa phương thuộc khu vực phía Bắc; còn bắp lai thì cung ứng cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở nhiều nơi trên địa bàn cả nước...

“Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân hằng năm gia đình tôi có mức lãi ròng từ 1 - 1,3 tỷ đồng từ hoạt động thu mua, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực. Đáng nói nhiều năm nay, cơ sở của tôi giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho ít nhất 12 lao động ở địa phương và tạo việc làm thời vụ cho 20 lao động nông thôn khác. Hiện nay, mức thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi lao động tại cơ sở khoảng 10 - 15 triệu đồng” - ông Đồng Phước Tào chia sẻ.

Khi cuộc sống gia đình đủ đầy, vợ chồng ông Đồng Phước Tào luôn nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình. “Trong vòng 7 năm trở lại đây, bình quân hằng năm gia đình tôi trích khoảng 70 - 100 triệu đồng để trao tặng quà cho các gia đình chính sách gặp khó và những hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Quế Sơn vào dịp tết. Cạnh đó, vợ chồng tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp gặp hoạn nạn, ốm đau nặng đột xuất...” - ông Tào nói.

Gầy trang trại từ 5 con heo giống

Từng là hộ nghèo nhất nhì xã Tam Phước, nhưng bằng ý chí và tận tụy trong lao động, nông dân Đặng Xuân Hòa (thôn Tân Phú, Tam Phước, Phú Ninh) giờ đã có kinh tế khá giả và được vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Ông Đặng Xuân Hòa.
Ông Đặng Xuân Hòa.

Cả một thời trai trẻ, ông Đặng Xuân Hòa bôn ba đất khách làm đủ nghề để nuôi vợ con. Nhưng đất lạ chẳng đãi người, ông trở về quê với bàn tay trắng.

“Hồi đó chính quyền xếp gia đình tôi vào diện hộ nghèo để làm chính sách nhưng vợ chồng bảo nhau mình còn đôi tay và sức khỏe thì phải ráng vươn lên. Thế nên vợ chồng xin không xếp diện hộ nghèo mà chỉ xin địa phương hỗ trợ một số chính sách tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội làm ăn” - ông Đặng Xuân Hòa kể.

Ông Hòa khởi sự bằng mô hình trồng chuối, nấm rơm. Hai mô hình đều có hiệu quả nhưng do thiếu đất canh tác và nguồn nguyên liệu nên ông Hòa chuyển sang mô hình nuôi heo.

Ông Hòa nói: “Giữa khó khăn đó thì được Hội Nông dân cho đi tập huấn kỹ thuật nuôi heo, tham quan các mô hình hiệu quả, rồi được Trung tâm Khuyến nông huyện hỗ trợ 5 triệu đồng mua được 10 con heo giống. Tôi mang về nuôi và chọn lọc lại còn 5 con nái và từ đó vợ chồng tôi xác định đây là hướng làm kinh tế cho gia đình”.

Khi số lượng đàn heo giống và heo thương phẩm ngày càng phát triển, ông Đặng Xuân Hòa hiểu rằng mình cần phải lập một trang trại quy mô. Tiếp tục được trợ lực từ chính quyền, Hội Nông dân xã và các đoàn thể, ông Hòa được giao gần 4.000m2 đất tại Gò Thôn để làm trang trại.

Nhưng hành trình khởi nghiệp đối với người nông dân cũng chẳng bằng phẳng trước khi đạt đến những thành công. Khoảng năm 2017, heo thịt rớt giá chạm đáy khiến ông phải cầm cố tài sản để lấy tiền mua thức ăn cho heo, duy trì trang trại cầm cự qua ngày. Rồi đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến viễn cảnh phá sản hiện trước mắt ông Hòa.

“Nhờ kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật chăn nuôi thú y nên tôi và các kỹ thuật, nhân viên của trang trại áp dụng mọi biện pháp chặn đường lây truyền dịch bệnh như thức ăn phải hoàn toàn sạch, nhân viên ra vào trại phải mặc đồ bảo hộ, sát khuẩn, chống lại nguồn lây từ côn trùng, chuột... May mắn trại heo đã vượt qua đợt dịch và việc giá heo tăng cao sau đó chính là cơ hội giúp trang trại có nguồn thu rất lớn” - ông Đặng Xuân Hòa cho biết.

Sau hơn 10 năm gầy dựng, trang trại của ông được đầu tư hiện đại, quy mô hơn với hệ thống chuồng, hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải và khu ao bèo để lọc nước thải giúp bảo vệ mô trường tốt nhất.

Hiện trang trại của ông Hòa có 1.500 con heo, trong đó có 150 con nái. Mỗi tháng, ông Hòa xuất bán 100 heo con và khoảng 200 con heo thịt, thu lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng. “Trang trại không chỉ tạo nguồn thu nhập lớn cho gia đình mà cũng giúp cho 5 lao động với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng” - ông Hòa cho biết.

Thành công trên con đường làm kinh tế, ông Đặng Xuân Hòa liền nghĩ đến chuyện góp sức xây dựng quê hương, hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Không chỉ tạo điều kiện có công ăn việc làm cho lao động địa phương, ông Hòa luôn xốc vác tham gia các phong trào xây dựng quê hương, nghĩa cử tử tế.

Ông đã tự bỏ tiền túi và vận động nhân dân hiến đất để mở rộng 400m đường giao thông nông thôn từ đường 2,5m lên đường rộng 4m. Tham gia cùng với nhiều người làm việc nghĩa khi xây 300 vị mả đất vô danh, ủng hộ các tuyến đường bê tông khi khởi công, đóng góp Quỹ vắc xin COVID-19...

Luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động, ông Đặng Xuân Hòa được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 2018 để tiếp tục trở thành người có uy tín trong các phong trào thi đua ở địa phương.

“Tôi làm Chi hội trưởng Hội nông dân, tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương không phải vì cầu danh mà vì muốn đóng góp sức mình vào xây dựng quê hương, như nghĩa cử cảm ơn chính quyền, bà con đã từng giúp chúng tôi khi nghèo khó” - ông Đặng Xuân Hòa tâm tình.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nông dân Việt Nam xuất sắc" ở xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO