(QNO) - Các mô hình nuôi cá, ốc bươu đen của nông dân xã Bình Lâm (Hiệp Đức) đang phát huy hiệu quả.
Hơn 10 năm qua, tận dụng nguồn nước tuyến kênh hồ thủy lợi Việt An ngang qua khu vườn nhà, ông Trịnh Ký Lưu (thôn Nhì Tây) chuyển hẳn 700m2 đất vườn, đất lúa bạt màu kém hiệu quả sang đào 2 ao nuôi cá nước ngọt thương phẩm. Bình quân mỗi năm ông thu hoạch hơn 2 tấn cá, sau khi trừ chi phí thu về hơn 80 triệu đồng. Mô hình này được xem điểm sáng của địa phương, được người dân trong và ngoài địa bàn đến tìm hiểu, học làm theo.
Ông Lưu chia sẻ, ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nuôi cá nên cũng đôi lần thất bại, về sau dần rút kinh nghiệm. Mỗi đợt ông thả bình quân 20kg cá giống các loại như trê lai, chim đen, trắm, rô phi đơn tính, ba sa. Vợ chồng ông còn làm công tại các lò mổ gia súc, gia cầm ở chợ Việt An nên tận dụng phụ phẩm lò mổ (ruột gà vịt, phổi heo...) làm thức ăn chính cho cá. Nhờ vậy cá nhanh lớn và thịt săn chắc, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Còn trường hợp ông Lê Văn Mai (thôn An Phố) cũng đào ao thả cá với diện tích mặt nước 1.000m2, nhưng từ năm ngoái ông không tiếp tục thả cá mà chuyển sang nuôi ốc bươu đen. Ông Mai cho biết: “Trước đây tôi nuôi cá nước ngọt thả cùng với ốc bươu đen nhưng không hiệu quả. Được sự hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật từ Hội Nông dân xã, tôi mua 3kg giống ốc bươu đen địa phương về thả nuôi. Sau 5 tháng ốc sinh sôi nảy nở và thu hoạch hơn 5 tạ ốc, giá bán sỉ cho các quán ăn, nhà hàng 80 - 90 nghìn đồng/kg. Nuôi ốc bươu đen không đòi hỏi nhiều về công chăm sóc, thức ăn nhưng thu nhập cao so với nuôi các loại khác”.
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lâm cho biết, thời gian qua hội chú trọng giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất bạt màu, đất lúa một vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Thời gian tới, hội đẩy mạnh tuyên truyền đến từng chi hội; phối hợp ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn quy trình kỹ thuật, áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học cho nông dân; hướng dẫn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp; hỗ trợ máy chế biến thức ăn tinh cho cá, ốc...; liên kết từ khâu sản xuất nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm.