Nóng đâu phủi đó

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/04/2015 07:55

Những tình huống “nóng đâu phủi đó” thường gặp trong cuộc sống.

Lỡ đạp phải trã lửa, phản ứng tức thời của người ta là phủi.

Nóng thì phủi, nhưng khi xong rồi người ta ít để ý cách làm thế nào cho khỏi bị nóng nữa. Vì vậy việc rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó, xử lý tình huống điểm nóng là chuyện đáng lưu tâm.

Ví như việc xử lý các điểm nóng trong bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Tại sao gần đây, dường như dự án nào đụng đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng cũng hay phát sinh chuyện nóng? Vì sao dự án mở rộng quốc lộ 1, tưởng xuôi chèo mát mái khi khối lượng công việc giải phóng mặt bằng đã đạt 80% mà lại bị ách tắc ở một số điểm, nổi cộm là Thăng Bình?

(Vụ việc Thăng Bình bung xung khi có người dân lao vào dưới xe tải đổ đất đá bị lấp, liền lu loa rằng đơn vị thi công “chôn sống” dân (!?). Loạt bài “Thấy gì từ “điểm nóng” Thăng Bình?” trên Báo Quảng Nam tuần này đã mô tả và phân tích nguyên nhân. Thấy rõ nhất là việc người dân đòi hỏi bồi thường với giá quá cao so với khung quy định, hoặc có những trường hợp bị kích động đưa yêu sách phi lý trong khi đã nhận tiền bồi thường. Bên cạnh đó, công tác quản lý, đo đạc đất đai, kiểm kê tài sản, cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiến “cái sảy nảy cái ung”…).

Có hiện tượng tâm lý đáng lưu ý hiện nay, nhiều người dân thường nghĩ những nhà thầu thi công là… nhà giàu; còn nhà nước thì… thiếu chi tiền. Do vậy, khi dự án nào triển khai đụng đến giải tỏa mặt bằng, họ lại đòi hỏi việc áp giá cao. Và chuyện như đùa đã từng xảy ra cách đây ít năm, khi chuẩn bị triển khai dự án cầu Cửa Đại, dù chưa hề có quyết định của cơ quan chức năng phê duyệt áp giá bồi thường cho những hộ dân bị ảnh hưởng nhưng có người lại vội kêu lên rằng “giá đền bù quá thấp”(?!). Và trong một số dự án, khi đòi hỏi về giá không được đáp ứng thì không ngoại trừ trường hợp dân tìm cách móc ngoặc số cán bộ đo đạc, kiểm kê tài sản, hoặc nêu yêu sách với đơn vị thi công để kiếm lợi bất chấp sai phạm.

Từ phía khác, các nhà tư pháp chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân làm phát sinh kiện tụng trong bồi thường giải phóng mặt bằng là vấn đề áp giá. Trong khi định giá, áp giá, người thực thi đã dựa theo bảng giá do Nhà nước ban hành nhưng giá này thường thấp hơn giá thị trường. Bên cạnh đó là chuyện tái định cư. Vẫn còn tình trạng người dân được bồi thường đất thuộc diện quy hoạch với giá thấp mà lại phải mua đất tái định cư với giá cao. Trong khi đó đất của họ khi bị thu hồi thì lại được doanh nghiệp chia lô để bán thành khu tái định cư mới cho những người có nhu cầu nên gây ra bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Khi những “điểm nóng” xảy ra, dĩ nhiên chính quyền sở tại trước hết phải ra tay giải quyết. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là tâm lý thụ động. Cái  dây chuyền thôn chờ xã, xã chờ huyện, huyện chờ tỉnh, rồi các sở ngành chờ đợi nhau… sẽ làm cho sự vận hành của một bộ máy luôn trục trặc. Và, khi thiếu sự minh bạch, tránh đối thoại với người dân, thiếu biện pháp đồng bộ cùng các kỹ năng giải quyết tình huống thì những bức xúc nhỏ cũng có thể dồn nén thành đám cháy lớn, thành điểm nóng.

Thiển nghĩ, để tạo nên sự đồng thuận của dân trong bồi thường giải tỏa mặt bằng cho các dự án, trước hết cần sự công tâm, chính xác, minh bạch ngay ở khâu đo đạc, kiểm kê, định giá, áp giá. Nếu có độ chênh giữa khung giá quy định của Nhà nước với giá thị trường và đòi hỏi của người dân thì cần đối thoại, giải thích, tìm điểm hợp lý để thỏa thuận. Khi khâu này đã giải quyết rốt ráo thì các biện pháp thi công công trình cũng phải thực thi bài bản, nhanh chóng, hạn chế ảnh hưởng đến dân.

Nếu cứ “nóng đâu phủi đó” cho qua chuyện thì hết chỗ này, dự án này sẽ lại bùng lên điểm nóng ở dự án khác, chỗ khác.

Xử lý nguyên nhân gây ra sự nóng, điểm nóng mới là vấn đề căn cốt. Công tâm, minh bạch trong giải quyết quyền lợi và đòi hỏi hợp lý, chính đáng của dân thì mới an dân.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nóng đâu phủi đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO