(QNO) - Trước hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, nhiều nông dân tại châu Âu chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng, hướng tới sản xuất bền vững.
Với mùa hè nóng hơn, bão dữ dội và những đợt khô hạn kéo dài đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của nhà nông tại nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm châu Âu.
Báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) nhấn mạnh rằng, thời tiết khắc nghiệt gây thiếu nước đã thay đổi điều kiện trồng trọt đối với một số cây trồng ở châu Âu như các loại cây chủ lực ở miền duyên hải Địa Trung Hải gồm ô liu và nho sản xuất rượu vang.
Trong khi đó, những nơi ở Bắc Âu thích ứng biến đổi khí hậu để thay đổi giống cây trồng mới. Diện tích đất trồng trọt quanh biển Baltic có thể khai thác tăng gấp đôi vào năm 2100, từ 32% diện tích đất hiện nay lên khoảng 76%, với một số cây trồng hiện nay phổ biến ở miền Nam châu Âu bắt nguồn từ phía bắc.
Ở bang Lower Sachsen, miền Bắc nước Đức - nơi nhiệt độ trung bình tăng gần 2 độ C trong những thập kỷ qua, nhiều nông dân đã bắt đầu trồng các loại trái cây vốn được trồng phổ biến ở phía nam, như mơ và xuân đào. Nếu như cây nho trước đây thường được trồng nhiều và nổi tiếng ở sườn phía nam của Pháp, Tây Ban Nha và Italia thì giờ khá phổ biến ở những nơi khác như Đan Mạch, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Riêng tại Italia - quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất dầu ô liu, đã chứng kiến một vụ thu hoạch thảm khốc vào năm 2018. Thời tiết xấu và sương giá khiến sản lượng cây trồng này giảm 57%, gây thiệt hại gần 1 tỷ euro (1,13 tỷ USD).
Tương tự tại Sicily - một trong những vùng sản xuất dầu ô liu hàng đầu của Italia cùng với Calabria và Puglia, nhiều nông dân đã bắt đầu tập trung sự chú ý của họ vào các loại cây trồng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới, bao gồm xoài, bơ và vải.
Thật ra, các loại cây nhiệt đới được đưa vào Sicily lần đầu tiên vào những năm 1970, nhưng những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng giống cây trồng, sản lượng theo cấp số nhân để phù hợp với sự thay đổi của thời tiết.
Giáo sư Vittorio Farina chuyên về nông nghiệp của Đại học Palermo (Italia) cho biết: “Trên thực tế, việc trồng các loại cây ăn quả như xoài và bơ chiếm ưu thế tập trung ở các nước nhiệt đới, nhưng gần đây lan rộng đến lưu vực Địa Trung Hải và đặc biệt là ở Ai Cập, Israel, Nam Phi, Tây Ban Nha và Italia khi người dân tại những khu vực này thay đổi các giống cây truyền thống để thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện thu nhập”.
Cũng theo ông Vittorio Farina, vấn đề khan hiếm tài nguyên nước cho nông nghiệp sẽ ngày càng tăng sức ép để sản xuất nông nghiệp tập trung vào cải tiến giống cây trồng, kỹ thuật, công nghệ để canh tác loại cây chịu hạn, cần ít nước tưới tiêu hơn.
Bà Ruiz-Ramos - chuyên gia nghiên cứu về quản lý rủi ro môi trường và nông nghiệp tại châu Âu phân tích, các giống cây trồng, lịch sản xuất, điều kiện đất, lựa chọn tưới tiêu và nhiều biến số khác để tìm ra chiến lược tối ưu cho nông dân thích nghi biến đổi khí hậu, sản xuất bền vững... là điều rất cần thiết hiện nay và những năm tới.