Khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, với lãi suất hàng năm thấp hơn 0,5 - 1,5% so với mức lãi vay thông thường, rất nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái hưởng ứng chương trình này.
Đã và sẽ có rất nhiều lo ngại từ phía ngân hàng, doanh nghiệp về việc tiếp cận gói tín dụng từ lúc được Chính phủ đồng ý cho đến khi nguồn vốn chính thức giải ngân. Nhiều chuyên gia đã đưa ra các kịch bản cũng như dự lường tình huống khi gói tín dụng được giải ngân, với mong muốn “nông dân phải là đối tượng chính được hưởng lợi”. Nhà nông thì lờ mờ hình dung vì nghe… qua loa đâu đó sẽ có gói vay cho “nông dân”. Nhưng họ vẫn mừng vì càng ngày được quan tâm một cách trực tiếp và sâu sát hơn. Doanh nghiệp làm ăn trên lĩnh vực nông nghiệp mừng vì Chính phủ đã thực sự quan tâm và muốn thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp sạch phát triển. Người tiêu dùng cũng mừng vì sẽ được tiêu thụ nông sản sạch dưới sự bảo hộ ngay từ đầu chứ không phải tự mình làm “người tiêu dùng thông thái”, hoàn toàn không thể phân biệt được đâu là nông sản sạch, đâu là nông sản cõng đầy hóa chất.
Ai cũng hy vọng, ngành nông nghiệp sẽ khởi sắc hơn từ gói tín dụng này. Bởi trước đó đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp nhưng nông dân, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận. Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19.12.2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng chưa có nhiều kết quả đột phá.
Quảng Nam cũng từng tính đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cơ sở, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh cho cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản. Liên kết giữa nhà nông - nhà quản lý - doanh nghiệp được kết nối đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân (dù cũng có lúc liên kết ấy đứt gãy tại nhiều địa phương). Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 11.12.2015 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 cũng đã ra đời. Theo đó, có chính sách cụ thể hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có liên kết với người dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ trồng dược liệu, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện, thủy lợi, sông, biển; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, thủy sản…
Tuy nhiên, cả trung ương lẫn địa phương dường như vẫn chưa đáp ứng mong muốn về một nền nông nghiệp có tính bền vững. Người làm nông vẫn loay hoay với điệp khúc muôn thuở “được mùa mất giá - được giá mất mùa”, vẫn nơm nớp chờ “giải cứu” mỗi khi nông sản rơi vào cảnh ế ẩm. Làm nông nghiệp sạch với công nghệ cao thì nông sản giá đắt, không có thị trường tiêu thụ, lại quay về với cách sản xuất cũ. Ai tạo cơ hội cho nông dân làm công nghệ cao? Ai đảm bảo cho những chuỗi nông sản sạch không rơi vào thế bí đầu ra? Những câu hỏi ấy, có lẽ không gói tín dụng nào trả lời được.
…Vãn phiên chợ chiều, bên vỉa hè, người đàn bà với dăm bảy trái mướp cuống còn tươm nhựa năn nỉ người đi qua đi lại mua giùm. Bà chèo kéo bất cứ ai ngang qua: “Mướp nhà trồng đó, không thuốc thang chi đâu, mướp sạch trơn à!”. Khách dừng xe. “Tui mới hái hồi chiều. Đáng lý tui bán 4.000 đồng/trái, nhưng chừ tối quá rồi, 5 trái ni bán rẻ 10.000 đồng. Cô mua giùm tui chạy kẻo sắp nhỏ chờ về nấu cơm...”, bà nói một hơi như sợ khách đi mất. Mỗi trái mướp ấy, nếu mua của các quầy trong chợ, giá chừng 7.000 - 8.000 đồng. Tự dưng nghe nghẹn đắng. Nông dân từ xưa nay vẫn là đối tượng dễ tổn thương nhất. Nông nghiệp công nghệ cao ở đâu đó, có lẽ không thể tới được với người đàn bà quê này.
PHAN HOÀNG