Nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ vọng và thách thức

Thực hiện: TRỊNH DŨNG 02/03/2019 23:47

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng. Phương thức này tiếp cận những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện chất lượng nông sản, bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Nhưng đã có không ít tranh cãi rằng việc phát triển nền nông nghiệp này sẽ gặp khó khăn vì nhiều yếu tố. Mô hình nào được xem là nông nghiệp công nghệ cao? Và có cần thiết phải thực hiện cho bằng được hay không? Một bàn tròn với chính quyền, các nhà quản lý và chuyên gia… sẽ rộng đường dư luận hơn về một nền nông nghiệp công nghệ cao đang bắt đầu khởi động tại Quảng Nam.

Nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng. Ảnh: QUỐC TUẤN
Nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng. Ảnh: QUỐC TUẤN

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Nhiều triển vọng, nhưng phải tính dài lâu”

Ban đầu Quảng Nam cũng định quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Sau nhiều phân tích thấy Chính phủ đã có chủ trương bãi bỏ các quy hoạch này, nên dừng. Nhưng khu vực nào có thể ứng dụng công nghệ cao được đều có thể khuyến khích chuyển đổi. Tỉnh đã đề nghị tất cả địa phương khảo sát, nghiên cứu, đề xuất khoanh vùng khu vực phù hợp. Không hề đơn giản. Bởi đã nông nghiệp công nghệ cao thì khu vực đó phải có khả năng cao nhất để có thể áp dụng các loại hình công nghệ tiên tiến, phải đủ hạ tầng và giao thông thuận lợi. Thiên tai bất lợi cũng phải thấp nhất và nhân lực bảo đảm, đáp ứng theo yêu cầu. Sở NN&PTNT sẽ hỗ trợ chuyên môn, giúp địa phương xác định đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào.

Quảng Nam đã có chủ trương, cơ chế hỗ trợ khuyến khích trồng rừng gỗ lớn. Miền núi xác định khu vực, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn, liên kết với doanh nghiệp được thì làm tối đa các diện tích có thể. Tất cả đều đi kèm với chuỗi giá trị, có nhà máy, tự nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống công nghệ cao… Phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 10.000ha đất trồng rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (hiện có 4.000ha). Hiện Công ty gỗ công nghiệp Quảng Nam đang làm việc với 6 địa phương miền núi để xác định quy hoạch các vùng trồng rừng gỗ lớn. Một công ty gỗ khác cũng đã được đồng ý chủ trương thành lập các trung tâm về sản xuất giống chất lượng cao và liên kết phát triển vùng trồng rừng gỗ lớn. Quảng Nam đề nghị Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư một nhà máy gỗ MDF theo hình thức doanh nghiệp thuê đất của dân rồi tổ chức trồng, thuê dân làm công nhân hoặc dân trồng và bán cho doanh nghiệp. Quảng Nam sẽ có một số nhà máy công nghiệp chế biến sâu chứ không như gỗ băm dăm hiện nay nữa, phân bố ở các vùng (Nam Giang, Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn và Phú Ninh) gắn với vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu.

Hiện có 4 doanh nghiệp đầu tư, chế biến sâu về sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu theo hướng khuyến khích bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh theo cả 2 hình thức (tự nhiên và nuôi cấy mô) nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích nghi với thời tiết tốt hơn. Sẽ khuyến khích doanh nghiệp liên kết chế biến sâu cho ra các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm từ các loại dược liệu từ sâm Ngọc Linh. Kế hoạch này lâu dài. Sẽ có 2 nhà máy đầu tư tại KCN Tam Thăng và An Sơn (Tam Kỳ) xây dựng ngay trong năm 2019.

2.000 ha ven biển sẽ dành cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hiện một dự án 400 ha tại khu vực này đã được giao cho doanh nghiệp đầu tư.Ảnh: T.D
2.000 ha ven biển sẽ dành cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hiện một dự án 400 ha tại khu vực này đã được giao cho doanh nghiệp đầu tư.Ảnh: T.D

Khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư trồng các loại rau củ cả ứng dụng công nghệ cao (công nghệ nhà lưới, tưới nhỏ giọt, điều chế các loại phân, dưỡng chất qua hệ thống máy tính và giám sát bằng các hệ thống tự động khác). Hiện có 1 dự án 400ha/2.000ha ở vùng cát Thăng Bình (ít ngập lụt) đã giao cho Tập đoàn T&T nghiên cứu đầu tư dự án nông nghiệp cao. Điện Bàn cũng quy hoạch một công viên nông nghiệp công nghệ cao tại Điện Hòa (cũng giao cho Tập đoàn T&T), trồng các loại rau củ quả và hoa bằng công nghệ cao, đồng đều về chủng loại và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn khác để đưa ra thị trường và 1 doanh nghiệp phát triển 10ha trồng lúa hữu cơ. Đây là những bước đi ban đầu.

Một mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã triển khai tại Bình Hải (Thăng Bình) với 7ha. Nếu mô hình này phát triển thích hợp với thời tiết sẽ nhân rộng quy mô lớn hơn trên cơ sở quy hoạch 2 vùng nuôi tôm công nghệ cao ở Thăng Bình và Núi Thành (mỗi vùng hơn 40ha). Khu dịch vụ hậu cần nghề cá (12ha) gắn với cảng cá Tam Quang (Núi Thành) đầu tư các ngành chế biến sâu thủy hải sản (đồ hộp), đóng sửa tàu thuyền, sản xuất các thiết bị phụ trợ cho nghề cá… đã được quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư.
Nói đến nông nghiệp công nghệ cao thì phải cơ giới hóa, tự động hóa. Nhưng diện tích đất Quảng Nam quy mô quá nhỏ, manh mún. Sản xuất bị đe dọa bởi thời tiết, thiên tai nhiều hơn. Nhưng ở chừng mực hay quy mô nào đó thì Quảng Nam vẫn có nhiều cơ hội, triển vọng để phát triển. Chuyện nông nghiệp công nghệ cao luôn khó khăn và là câu chuyện dài lâu. Không thể dễ nhìn thấy thành công ngay trong ngắn hạn được mà phải cần thời gian!

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN: “Cần doanh nghiệp đủ tiềm lực”

Ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, từng bước hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua. Nhưng hiện tại Quảng Nam chưa có một đề án nào về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thiếu sự quy hoạch những vùng đất thích hợp để đưa ứng dụng công nghệ cao và rất khó tích tụ ruộng đất, trừ dăm ba cánh đồng mẫu lớn. Khó khăn lớn nhất chính là điều kiện khí hậu, thời tiết Quảng Nam rất khó để ứng dụng công nghệ cao vì cần phải đầu tư vốn lớn, rất tốn kém, không thể chủ động được tất cả điều kiện đầu vào như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng che phủ lưới che nhà lưới, nhà kính, tưới tiêu…Những hệ thống như thế đầu tư sẽ rất lớn. Chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực mới đủ khả năng để thực hiện.

Thành công của nông nghiệp công nghệ cao phải bắt đầu từ quyết tâm (năng lực, tri thức, công nghệ…) của doanh nghiệp và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước. Thiếu quy hoạch, thiếu mặt bằng, không thể tạo ra những khu nông nghiệp công nghệ cao được. Thành phố Tam Kỳ đã từng đề xuất xây dựng một khu nông nghiệp công nghệ cao, nhưng khi các chuyên gia Israel khảo sát thì còn thiếu quá nhiều điều kiện để có thể hình thành nên dự án.

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là phải đầu tư lớn. Không thể manh mún, nhỏ lẻ như sản xuất nông nghiệp hiện tại. Dù bất cứ xây dựng lớn hay nhỏ, trên nền tảng nào thì suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao vẫn lớn và khả năng tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề cần tính toán. Nói cho cùng, nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả phải có yếu tố diện tích, vốn lớn, sự quyết tâm tư duy khoa học công nghệ. Hiện một số công nghệ áp dụng cho nông nghiệp công nghệ cao đã được định hình như công nghệ tưới phun, tự động hóa hay internet vạn vật…, có đủ phần mềm tự động nhưng vốn đầu tư sẽ rất cao. Nông dân sẽ khó thực hiện. Thực sự cần có doanh nghiệp đầu tư (như Vinpearl đã bỏ đến 32 tỷ đồng chỉ để đầu tư 1ha trồng rau củ). Không phải cứ có sử dụng công nghệ là gọi là công nghệ cao được mà phải là một chiến lược dài hơi và trường vốn.

Vùng ven biển phía đông hiện đang có một dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và sẽ được nhân rộng khi mô hình thành công.Ảnh: T.D
Vùng ven biển phía đông hiện đang có một dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và sẽ được nhân rộng khi mô hình thành công.Ảnh: T.D

Để thực sự được gọi là “nông nghiệp công nghệ cao” cần sự đồng bộ trong chính sách, cơ sở hạ tầng, đầu tư máy móc và đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp cần có đủ kiến thức để làm chủ máy móc, công nghệ. Cần lựa chọn đúng quy mô, công nghệ thị trường hiệu quả thay vì áp dụng phong trào. Nếu không, mọi khái niệm về “nông nghiệp công nghệ cao” chỉ là trên giấy, hoặc nửa vời, biến tướng lệch lạc. Không thể có một công thức rập khuôn cho nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề là cần chọn công nghệ phù hợp với từng vùng đất, từng cây trồng vật nuôi, khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật của bà con nông dân.

TS. Đặng Kim Khôi - Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Không thể là một phong trào”

Quảng Nam hay rộng hơn là miền Trung  được đánh giá có tiềm năng lớn trong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, với công nghệ số, công nghệ sinh học, robot, công nghệ in 3D, vật liệu mới, năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm công nghiệp chế biến của khu vực này mới chỉ chiếm 10,1% và đến cuối năm 2018 mới chỉ có chưa đầy 1% doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cải thiện thực tế này không chỉ tự địa phương quyết định mà cần những chính sách định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, những ưu đãi về đất đai, thuế... Hiện chính sách thuế có nhiều mức, nhiều loại quy định miễn giảm, thủ tục phức tạp. Nhà nước đang thiếu nguồn lực thực hiện hạ tầng cho công nghệ cao. Đối tượng hưởng lợi về tín dụng cho công nghệ cao kém linh hoạt, yêu cầu thế chấp cứng nhắc. Bên cạnh đó, quỹ đất quy mô lớn không nhiều, phí cho thuê và quản lý đất lớn do ký hợp đồng với nhiều hộ nhỏ lẻ, đầu tư tài sản lớn trên đất không được bảo đảm khi Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hơn nữa, thị trường khoa học công nghệ chưa thực sự vận hành, thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn kém... Tín dụng cần ban hành bộ tiêu chí xác định mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã..., mở rộng tài sản được thế chấp vay vốn ưu đãi (bao gồm cả tài sản hình thành trên đất). Cần có chính sách ưu tiên đặc biệt xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao cho các mặt hàng nông sản chiến lược quốc gia, huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức PPP... Nếu Việt Nam áp dụng được công nghệ cao trong dự báo thị trường để kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu, từ trung ương đến địa phương, thì sẽ tạo được hệ thống thông tin minh bạch và nó sẽ tạo được sự yên tâm, đồng thuận trong việc ra quyết định như quy hoạch vùng hay tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy sức mạnh nông nghiệp công nghệ cao.

Các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng nó không phải là “cây đũa thần” dù là xu hướng tất yếu hiện nay. Không thể nghĩ đơn giản là đầu tư xây dựng một hệ thống nhà kính, hay hệ thống máy điều khiển quy trình sản xuất thông minh là có thể gọi mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nếu như mô hình đó thiếu người điều khiển, xử lý hiệu quả. Không phải một phong trào đầu tư ngắn hạn mang lại hiệu quả tức thời. Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất. Không phải mô hình kinh tế. Vì vậy, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Không có thị trường mà đầu tư đến vài ba ngàn tỷ đồng sẽ trở thành gánh nặng cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngân hàng. Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao thành công phải gắn chặt các đơn hàng từ tập đoàn lớn bởi chỉ có các đơn hàng lớn mới có thể tổ chức chuỗi giá trị sản xuất được.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam: “Có dự án tốt sẽ được cung ứng đầy đủ vốn”

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không hẳn chỉ đơn thuần là bài toán lỗ - lãi trong kinh doanh. Quan trọng hơn đó là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp. Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao đã ban hành với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 1,5%. Các ngân hàng đều ưu tiên gói tín dụng này. Có dự án tốt là sẽ giải ngân ngay. Nhưng hiện dư nợ cho vay lĩnh vực này ở Quảng Nam vẫn bằng 0%. Hiện chưa có căn cứ hay chính sách cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận vay vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống ngân hàng đang kiến nghị về việc chứng nhận hệ thống trang thiết bị cho nông nghệ ứng dụng công nghệ cao như nhà xưởng, giàn giáo, nhà vòm, hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống chống nắng… để cho ngân hàng làm tài sản đảm bảo. Không xử lý được điều này thì dù các ngân hàng đã sẵn vốn cho vay nông nghiệp công nghệ cao thì cũng khó chọn được doanh nghiệp nào để cho vay. Chính điều này là nút thắt khiến vốn ngân hàng không thể đổ vào nền kinh tế được.

Nhìn từ góc độ ngân hàng, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp công nghệ cao, rất lớn. Giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Nhưng, hầu hết sản phẩm đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm dạng này trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế. Đầu tư lĩnh vực này cần khuyến khích liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến chế biến, tiêu thụ. Không chỉ  dừng lại ở khâu sản xuất hay đầu tư. Đó là cơ sở quan trọng để ngân hàng thẩm định đầu ra để biết, quản lý được dòng tiền đi đâu, có đủ khả năng trả nợ hay không?

Vấn đề là trước khi đầu tư, gieo hạt giống, nông dân hay doanh nghiệp phải biết được thị trường tiêu thụ sản phẩm là ai, ở đâu? Đây là điều kiện trước tiên trong việc nâng cao nhận thức hay quyết định “tham dự” vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và vấn đề quan trọng không kém nữa là cần lựa chọn đúng sản phẩm, khâu đột phá cho quy trình và công nghệ cao, áp dụng thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ, gây nợ nần và rủi ro cao.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: “Nông dân không đủ khả năng”

Ngành nông nghiệp đang chú trọng vào cây dược liệu, lâm nghiệp, rau củ quả hay thủy sản để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không thiếu chính sách, cơ chế, nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít ỏi thì không thể thấy ngay được việc có một nền nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Nam. Thiếu vùng nguyên liệu hay không đủ diện tích gieo trồng đang trở thành lực cản lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quảng Nam đã từng bỏ qua nhiều cơ hội thu hút các “đại gia” Vingroup, Vinamik… hay nhiều nhà đầu tư khác muốn thuê đất để chủ động đầu tư nông nghiệp bởi không thể tìm đâu ra diện tích doanh nghiệp yêu cầu để phát triển bò sữa. Đất nuôi bò có thể kiếm được, chứ tìm đâu ra 300ha đất trồng cỏ để doanh nghiệp chủ động 75% nguyên liệu, nên cuối cùng nhà đầu tư bỏ đi. Chỉ cần một miếng đất 10ha (chưa nói đến lớn hơn) phù hợp cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng không dễ tìm.

Thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn rất khó dù doanh nghiệp trẻ, HTX do các người trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp chiếm nhiều nhất trong số các dự án khởi nghiệp gần đây. Có thể nói nông nghiệp đầy cơ hội, tiềm năng, dư địa lớn để làm nông nghiệp công nghệ cao, nhưng ngoài những doanh nghiệp lớn thì tất cả đều chỉ dừng ở những quy mô nhỏ. Có thể vẫn còn nhiều cách để làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng sẽ rất khó khăn, vất vả hơn. Thực tế, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chiếm chi phí đầu tư rất đắt.

Nông dân Quảng Nam chưa đủ điều kiện, khả năng để làm nông nghiệp công nghệ cao. Chuyện đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao không khó, nhưng cái khó chính là đầu ra, phải tính đến chuỗi giá trị cung - cầu khi xây dựng mô hình, điều này hết sức nan giải. Mô hình dưa hấu VietGAP, lúa hữu cơ… đang bí đầu ra là một thực tế. Chưa kể liệu nông dân có đủ kiến thức để tiếp cận với công nghệ mới hay không? Mô hình này chỉ dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực. Không thể phát triển nếu thiếu doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt. Chỉ có doanh nghiệp mới có thể thực hiện được, nhưng doanh nghiệp không đầu tư thì cũng đành chịu. Tuy nhiên, cũng rất hy vọng và chờ đợi từ những nhà đầu tư đang được cấp phép hay có chủ trương đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Nam gần đây sẽ tạo động lực và giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất!

Thực hiện: TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông nghiệp công nghệ cao: Kỳ vọng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO