Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, biến động thị trường nhưng năm 2024 bức tranh kinh tế nông nghiệp của huyện Duy Xuyên có bước chuyển mình đầy khởi sắc.
Trồng trọt bứt phá
Ông Lưu Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, năm 2024 nông dân trên địa bàn canh tác 868,5ha lúa. Nhờ áp dụng bài bản quy trình thâm canh, đảm bảo cung ứng nguồn nước tưới nên năng suất lúa bình quân cả năm của xã đạt 57,5 tạ/ ha (tăng 2,5 tạ/ha so với năm 2023), góp phần đưa tổng sản lượng lúa đạt 4.994 tấn (tăng 220 tấn so với năm ngoái).
Đặc biệt, xã Duy Sơn đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp bố trí sản xuất 60ha lúa giống hàng hóa, giúp nhà nông tăng 20-30% giá trị kinh tế so với canh tác lúa thường.
“Đáng chú ý, người dân địa phương phát triển mạnh mô hình trồng sen gắn với du lịch sinh thái. Hiện toàn xã có 85 hộ dân tham gia trồng sen, chủ yếu ở Đồng Lớn - Trà Lý với diện tích 48ha.
Năm nay, giá bán sản phẩm tương đối ổn định nên người dân thu về khoảng 4,7 tỷ đồng. Nhờ vậy, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2024 của xã đạt 84 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,5% trong cơ cấu kinh tế” - ông Tuấn nói.
Ông Đoàn Công Minh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, năm 2024 toàn huyện canh tác 14.157ha cây trồng các loại, trong đó có 6.960ha lúa và gần 1.000ha bắp. Năng suất lúa bình quân của Duy Xuyên đạt hơn 64 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2023.
Trong khi đó, các loại cây trồng cạn chủ lực đều cho năng suất cao. Nhờ năng suất lúa và bắp đạt khá cao nên năm 2024 tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt 51.311 tấn, tăng 1,62% so với năm trước.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, năm nay Duy Xuyên tiếp tục triển khai 4 dự án liên kết chuỗi giá trị. Bao gồm: trồng cây đinh lăng và sản xuất lúa giống tại xã Duy Hòa; trồng sen ở xã Duy Thành; sản xuất lúa giống tại xã Duy Trung với tổng diện tích 189,5ha.
Đồng thời các hợp tác xã và tổ hợp tác chủ động liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa với tổng diện tích hơn 183ha, nâng tổng diện tích sản xuất được liên kết của toàn huyện lên 372,5ha.
Đặc biệt, đến nay toàn huyện có 5 địa phương được cấp mã số vùng trồng là sản xuất lúa tại Duy Trung và Duy Sơn, rau sạch tại Duy Phước và Duy Trinh, ớt tại Duy Châu, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích...
Nhiều lĩnh vực khác chuyển biến
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, những năm gần đây hình thức chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại ngày càng phát triển.
Thống kê toàn huyện hiện có 9 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng quy mô hơn 10.000 con heo/năm và 120.000 con gà/năm. Tính đến tháng 12/2024, tổng đàn gia súc của Duy Xuyên ước đạt 58.000 con và đàn gia cầm 713.300 con.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thống kê năm 2024 tổng sản lượng tôm nuôi của huyện ước đạt 495 tấn (tăng 1,11% so với năm 2023) và đạt doanh thu hơn 52 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện có 288 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 28.100CV. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân tập trung vươn khơi bám biển, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác biển trong năm 2024 đạt 13.877 tấn, tăng 0,95% so với năm trước.
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, năm 2024 bức tranh kinh tế nông nghiệp của địa phương có nhiều khởi sắc khi giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 1.682 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 2,7% (tăng 0,2% so với kế hoạch).
“Năm nay, sản xuất nông nghiệp của Duy Xuyên cơ bản thuận lợi hơn các năm. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản tăng hơn năm trước.
Đặc biệt, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, giao thông nội đồng tiếp tục được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện. Kinh tế hợp tác ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đây là tiền đề quan trọng để Duy Xuyên thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu…” - ông Phúc nhìn nhận.