Mặc dù theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2020 Núi Thành sẽ cơ bản trở thành huyện công nghiệp nhưng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn xác định đầu tư cho lĩnh vực kinh tế nông nghiệp là hướng phát triển bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn...
Chuyển biến
Ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, từ khi triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), lãnh đạo địa phương luôn tích cực chỉ đạo ngành liên quan, chính quyền cấp cơ sở quyết liệt thực hiện những khâu trọng yếu. Ngoài việc thường xuyên đôn đốc bằng văn bản và tăng cường kiểm tra thực tế, địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình mục tiêu quốc gia này. Hiệu quả nhất là các ban ngành, mặt trận, hội ở huyện, xã đã lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng NTM thông qua những hội nghị, hội thi, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng tập trung phát động phong trào thi đua xây dựng NTM gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hoặc tổ chức đăng ký giao ước thi đua với các đoàn thể.
Nhiều vùng chuyên canh bắp lai ở xã Tam Xuân 1 cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ |
Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia chỉ đạo, quản lý, thực hiện chương trình xây dựng NTM tại các xã, huyện Núi Thành đã tổ chức cho khoảng 70 cán bộ chủ chốt, chuyên trách của 4 xã Tam Xuân 1, Tam Hòa, Tam Mỹ Đông, Tam Xuân 2 đi tham quan, học tập mô hình xây dựng NTM ở Tam Phước (Phú Ninh) và Điện Quang (Điện Bàn). Ngoài ra, thời gian qua Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện cũng phối hợp với chính quyền các xã mở 5 lớp tập huấn cho 400 lượt người là cán bộ cơ sở với những nội dung liên quan đến khâu khảo sát, đánh giá thực trạng, xây dựng đề án, lập dự toán, quy hoạch tổng thể và chi tiết. Mặc dù mới tổ chức lễ phát động xây dựng NTM hơn 1 năm nay nhưng đến cuối tháng 12 này, 4 xã điểm NTM của Núi Thành đã đạt từ 6 - 10 tiêu chí do Trung ương quy định.
Ưu tiên cho nông nghiệp
Theo ông Hòa, dù về cơ bản Núi Thành định hướng phát triển công nghiệp nhưng thế mạnh nông nghiệp vẫn là hướng đi ổn định và bền vững. “Núi Thành vẫn phải làm nông nghiệp. Nhưng nông nghiệp của NTM là phải tăng được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, phải phát triển theo hướng hàng hóa tập trung. Để làm được việc này, gần 2 năm nay địa phương đã chú trọng hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống” - ông Hòa chia sẻ.
Khó khăn trong công tác quy hoạch NTM Tuy có những bước chuyển biến rõ nét nhưng theo ông Nguyễn Quang Hòa, nhìn chung tiến độ xây dựng NTM ở địa phương vẫn còn chậm do gặp nhiều trở ngại. Ông Hòa nói: “Cái khó nhất của Núi Thành khi thực hiện chương trình này là có đến 11 xã triển khai quy hoạch đều đụng vào quy hoạch chung của Khu Kinh tế mở Chu Lai. Do đó, nhiều xã rất lúng túng bởi nhìn đâu cũng thấy vướng. Cụ thể, không xác định rõ tọa độ khu vực được quy hoạch xây dựng NTM. Thậm chí một số xã như Tam Hiệp, Tam Anh Nam không còn đất để quy hoạch. Chính vướng mắc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ quy hoạch xây dựng NTM ở nhiều nơi trên địa bàn huyện”. |
Thời gian qua, bên cạnh việc chú trọng chuyển giao tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, bằng nhiều nguồn vốn huy động, lãnh đạo các xã điểm xây dựng NTM của huyện Núi Thành đã đầu tư gần 500 triệu đồng giúp nhà nông khai hoang, cải tạo vườn tạp, cơ giới hóa các khâu sản xuất, hỗ trợ nhiều loại giống cây trồng cho giá trị cao để đưa vào canh tác... Nhờ vậy đã góp phần rất lớn trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế vườn – kinh tế trang trại, nâng cao năng suất và chất lượng một số loại nông sản chủ lực, nhất là cây lúa.
Để tạo cú hích mạnh cho kinh tế nông nghiệp, thời gian qua Núi Thành cũng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Ông Châu Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông cho biết, ngoài việc thi công hoàn thành 2km kênh chính thuộc hồ chứa nước Hố Cái, năm 2012 địa phương cũng đầu tư 192 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã để nâng cấp đập và kiên cố hóa hệ thống kênh chính Phú Quý với tổng chiều dài 632m. Ông Phúc nói: “Việc xây dựng những công trình trọng yếu trên đã giúp nông dân trên địa bàn xã chủ động được nguồn nước tưới cho đồng ruộng, nhờ vậy năng suất lúa và một số loại cây trồng khác tăng mạnh”.
Nhờ chú trọng đầu tư nên dù thời gian qua gặp rất nhiều yếu tố bất lợi, nhất là thời tiết nhưng lĩnh vực nông nghiệp của Núi Thành vẫn đạt được những thành quả quan trọng. Năm 2012, toàn huyện gieo trồng 12.626ha cây hằng năm với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 38.524 tấn, tăng 12,1% so với năm 2011. Riêng cây lúa, trong 2 vụ, nông dân gieo sạ 7.769ha, sản lượng đạt 37.447 tấn, tăng 9,6% so với năm ngoái. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Núi Thành ước đạt 162,5 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2011.
Bằng sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tuyên tuyền của lãnh đạo huyện, cũng như việc thực hiện năng động từ phía chính quyền cấp cơ sở, đặc biệt là lòng dân đồng thuận cao, quê hương Núi Thành anh hùng đang cho thấy bước chuyển mình trong xây dựng NTM. Cùng với phát triển công nghiệp, việc tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp địa phương khởi sắc hơn nữa trong tương lai...
VĂN SỰ - ĐOÀN ĐẠO