Bảo tồn giống lúa ba trăng

ĐĂNG NGUYÊN 13/07/2021 04:22

Trước nguy cơ mất dần giống lúa ba trăng, chính quyền huyện Đông Giang khuyến khích người dân Cơ Tu góp sức cho bảo lưu nguồn gen chuẩn, giúp địa phương phục hồi, nhân rộng và gìn giữ nguyên vẹn giống lúa quý trong cộng đồng.

Lúa ba trăng sau khi thu hoạch, người Cơ Tu thường chọn những bông lúa có hạt to và không bị lép để bảo tồn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lúa ba trăng sau khi thu hoạch, người Cơ Tu thường chọn những bông lúa có hạt to và không bị lép để bảo tồn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tìm giống lúa chuẩn

Mặc dù được biết đến như một giống lúa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, nhưng lúa ba trăng đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, lai tạp và dần đánh mất sự thuần chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình giữ gìn, bảo quản nguồn giống lúa ba trăng trong nhân dân không đảm bảo yêu cầu.

Là giống lúa lâu đời, ba trăng được đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang gieo trồng trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 4 hàng năm. Chu kỳ sinh trưởng của lúa khoảng 4 tháng, chủ yếu là ở các cánh rẫy đã bỏ hoang trong nhiều năm, đảm bảo dinh dưỡng đất. Trước khi trồng lúa, người Cơ Tu phát dọn thực bì, vệ sinh đất rẫy; đồng thời chọn giống lúa to hạt, nhọn hai đầu, đảm bảo việc sinh trưởng tốt.

Để kịp thời bảo tồn giống lúa quý, những năm gần đây, Đông Giang tiến hành xây dựng nhiều đề án phục hồi, chọn lọc và tái tạo giống lúa chuẩn để nhân rộng trong cộng đồng. Trong đó, hỗ trợ triển khai trồng thí điểm tại một số địa phương, đảm bảo các điều kiện để lúa sinh trưởng thuần tự nhiên.

Sau thời gian được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đông Giang chọn tham gia thực hiện mô hình gieo trồng thí điểm lúa ba trăng trên cánh rẫy, gia đình ông Arất Cơn (ở thôn A Điêu, xã A Rooih) đang chăm sóc ruộng lúa chuẩn bị vào mùa thu hoạch.

Ông Cơn cho hay, theo đề án, xã A Rooih có 5 hộ được chọn để tham gia gieo trồng. Mỗi hộ được cấp 20kg lúa giống, phân bón và tham gia lớp tập huấn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa ba trăng theo phương pháp mới. Từ giống lúa được cấp, gia đình ông Cơn tiến hành gieo trồng trên diện tích hơn 2 sào đất rẫy, nay đang trong quá trình lúa chín, chuẩn bị thu hoạch.

“Lúc đầu lúa sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, qua các đợt nắng nóng kéo dài, một số cây có biểu hiện khô héo khiến ảnh hưởng đến chất lượng hạt” - ông Cơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Bông - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đông Giang cho biết, để bảo tồn nguồn gen lúa ba trăng đảm bảo chất lượng, đơn vị xây dựng đề án tổ chức sản xuất lúa ba trăng, trên cơ sở chuyển giống lúa chuẩn đến các hộ gia đình tham gia trồng thử nghiệm ở 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Kinh phí thực hiện đề án hơn 100 triệu đồng với tổng diện tích được chọn gieo trồng khoảng gần 10ha.

“Quá trình nghiên cứu đề án, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng quy trình chuẩn để sản xuất, chăm sóc giống lúa này. Chúng tôi dựa vào quy trình chuẩn đó để tiến hành hướng dẫn cho người dân thực hiện, từ việc chọn vùng đất phù hợp cho đến tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật mới. Việc gieo trồng bước đầu đem lại hiệu quả khả quan” - ông Bông nói.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Kỳ vọng xây dựng lúa ba trăng thành thương hiệu sản phẩm OCOP trong tương lai, cùng đẩy mạnh công tác bảo tồn nguồn gen quý, Đông Giang đã và đang phối hợp phục tráng giống, hướng đến việc nhân rộng các mô hình sản xuất theo phương pháp mới.

Việc phục tráng giống lúa ba trăng được triển khai từ năm 2016, sau thời điểm Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam tiến hành nhân giống phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, việc phục tráng thành công giống lúa ba trăng không chỉ bảo tồn và phát triển giống lúa truyền thống, mà còn nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.

Ngoài ra, chủ trương này hoàn toàn phù hợp với định hướng của địa phương trong việc hình thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch, giải quyết việc làm và góp phần ổn định đời sống kinh tế cho người dân.

Ông Minh cho hay, sau khi hoàn tất các bước phục hồi, tới đây, địa phương sẽ đăng ký lúa ba trăng thành sản phẩm OCOP, tiến tới nhân rộng khu sản xuất, hình thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường, góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân miền núi.

“Với lúa gạo ba trăng này, người Cơ Tu không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất nên rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Hạt gạo khi nấu chín có mùi hương đặc trưng, vừa rất dẻo lại thơm ngon. Vì thế, không chỉ đồng bào miền núi, ngay cả những người đồng bằng, họ cũng rất ưa chuộng loại sản vật này” - ông Minh cho biết thêm.

Do nguồn cung ứng lúa ba trăng khá khan hiếm nên nhiều năm trở lại đây không đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài bán cho các tiểu thương, lúa ba trăng thường được người dân dành tặng nhau và phân loại hạt chất lượng để làm giống cho mùa vụ tiếp theo.

Từ giá trị của lúa ba trăng, ông Minh kỳ vọng sau khi thuần chủng được giống lúa chuẩn sẽ góp phần giúp địa phương hình thành nên thương hiệu, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng.

Sắp tới, bên cạnh xây dựng khu sản xuất đảm bảo các điều kiển để tăng năng suất, huyện Đông Giang sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng cũng như giá trị của giống lúa ba trăng. Qua đó, vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ thị trường từ loại giống lúa đặc trưng của miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn giống lúa ba trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO