Các địa phương chủ động chống hạn

H.ĐẠO - H.CHÂU 10/07/2022 15:51

(QNO) – Thời tiết cực đoan diễn ra từ tháng 5 đến nay dự báo sẽ gây khó khăn trong sản xuất vụ hè thu. Chính vì vậy, các địa phương đang tích cực chuẩn bị các phương án chống hạn để hạn chế tối thiểu thiệt hại mùa màng do hạn hán gây ra.

Nhiều nông dân lo lắng vì khả năng thiếu nước tưới cho cây lúa vào cuối vụ hè thu. Ảnh: H.Đ
Nhiều nông dân lo lắng vì khả năng thiếu nước tưới cho cây lúa vào cuối vụ hè thu. Ảnh: H.Đ

Dự báo thiếu nước

Vụ hè thu năm nay, gia đình ông Nguyễn Đăng Tám (thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) gieo sạ 5 sào ruộng. So với vụ hè thu năm 2021, thời tiết ít nhiều đỡ khắc nghiệt hơn, tuy nhiên, ông Tám vẫn lo lắng thời gian tới, nếu không có mưa thì chuyện thiếu nước ở vùng này là không tránh khỏi. “Năm ngoái vì hạn hán mà 3 sào rưỡi chết cháy. Vì vậy, chúng tôi vừa trông chờ vào thời tiết thuận lợi vừa hi vọng Hợp tác xã Duy Sơn có kế hoạch đảm bảo nước tưới ổn định nhất".

Trên địa bàn xã Duy Sơn, nước tưới phụ thuộc vào hồ thủy lợi Phú Lộc và hồ 3.2 đảm trách tưới cho hơn 447ha lúa. Hiện tại, lượng nước duy trì của các hồ này vẫn đảm bảo phục vụ nông nghiệp, tuy nhiên, nếu lượng nước bổ sung không có thì sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Hợp tác xã Duy Sơn cho biết: “Ngay từ vụ chúng tôi đã triển khai nhiều phương án để chống hạn cho cây lúa vụ hè thu như nạo vét lòng suối. Nếu thời tiết tiêu cực, hợp tác xã sẽ thuê đóng một số giếng ở các khu vực khả năng có nước để tưới cho một số diện tích thiếu nước tưới".

[VIDEO] - Nông dân lo lắng vì dự báo hạn hán thời gian tới:

Tương tự, tại Thăng Bình, từ tháng 5 đến tháng 7.2022 thời tiết nắng nóng, rất ít mưa, nước đến các hồ gần như không có. Về nguồn nước các hồ chứa, đầu vụ Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình đã cân đối, nguồn nước các hồ chứa Cao Ngạn, Phước Hà, Đông Tiển, lập phương án tưới rất tiết kiệm để đảm bảo phục vụ tưới tốt cho toàn diện tích theo kế hoạch.

“Các trạm bơm vận hành linh hoạt phục vụ tốt, đảm bảo nguồn nước và các đập dâng trên địa bàn luôn hoạt động, điều tiết nguồn nước ổn định, đảm bảo mực nước dâng bình thường để phục vụ tốt cho sản xuất” – ông Bùi Văn Hải, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình thông tin.

Hiện tại, nông dân Phú Ninh vẫn đầy đủ nước tưới cho cây lúa vụ hè thu. Ảnh: H.C
Hiện tại, nông dân Phú Ninh vẫn đầy đủ nước tưới cho cây lúa vụ hè thu. Ảnh: H.C

Tại Phú Ninh, diện tích chủ động nước là 3.090ha, trong đó, tưới trực tiếp từ hệ thống công trình thuỷ lợi Phú Ninh là 2.517ha, tưới từ các hồ đập và trạm bơm do địa phương quản lý 573ha, diện tích lúa nước trời 60ha. Dự báo tổng diện tích bị hạn là hơn 555ha, tình hình khô hạn sẽ xảy ra ở những khu vực:

Đối với hệ thống kênh tưới Bắc Phú Ninh, khi xảy ra hạn hán sẽ thiếu nước tưới ở một số diện tích sản xuất cuối các tuyến kênh như: Kênh N10A-8 (xã Tam An, Tam Đàn), cuối kênh N10 (Tam An), N10B (Tam Phước), N2B (xã Tam Thái, Tam Đại)... Các diện tích lấy nước từ công trình hồ, đập vừa và nhỏ ở các xã vùng Tây của huyện như hồ chứa Ma Phan, Đập Cốn, đập Thọ Đức (Tam Lộc), đập Ba Suối, đập Đá (Tam Dân), đập Vực Voi (Tam Lãnh)... và hệ thống các trạm bơm Tam Lộc, Phú Thịnh, Phước Thượng, Đại An. Ngoài ra, nguồn nước từ các con suối nhỏ sẽ bị cạn, nên dự báo các đập bổi không còn phát huy tác dụng.

Chủ động phương án chống hạn

Ngành thủy lợi Thăng Bình đang sửa chữa các công trình kênh mương để đảm bảo nước tưới cuối vụ. Ảnh: H.ĐẠO
Ngành thủy lợi Thăng Bình đang sửa chữa các công trình kênh mương để đảm bảo nước tưới cuối vụ. Ảnh: H.ĐẠO

Theo ông Bùi Văn Hải, thời tiết dự báo diễn biến phức tạp nên đơn vị này đang tập trung điều tiết nguồn nước tưới, đảm bảo kết thúc vụ hè thu 2022 đạt kết quả tốt nhất. Trước tiên, sẽ quản lý, phân phối nguồn nước đối với các hồ chứa, trạm bơm; tưới luân phiên cho từng công trình, kênh mương. Thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, phát dọn kênh mương.

“Tổ chức quản lý nguồn nước chặt chẽ, bố trí, tăng cường nhân lực điều tiết khu tưới có nguy cơ xảy ra hạn. Tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các đơn vị dùng nước thực hiện tốt công phối hợp điều tiết nước, bảo vệ tài sản công trình thủy lợi” – ông Hải nói.

[VIDEO] - Chủ động nước từ các trạm bơm để phục vụ sản xuất:

Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, vụ hè thu năm 2022 địa phương này gieo trồng lúa 3.600ha. Trong đó, diện tích chủ động nước là 3.102 ha do Công ty TNHH  MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam hợp đồng cung cấp nước tưới 2.093ha, địa phương xã và hợp tác xã trực tiếp quản lý 1.009ha; diện tích gieo sạ nước trời và tưới bấp bênh là 498ha.

Huyện Núi Thành gồm có 7 hồ chứa lớn vừa và nhỏ, 50 đập dâng lớn nhỏ ở miền núi và trung du. Khả năng hạn hán có thể xảy ra, nhất là đối với địa bàn miền núi và những vùng cuối các tuyến kênh tưới của hệ thống nam Phú Ninh, hồ Thái Xuân và các hồ chứa do địa phương quản lý. Theo tổng hợp từ các địa phương diện tích có khả năng bị khô hạn là 1.300ha và mặn xâm nhập 170ha, tập trung nhiều nhất ở xã Tam Xuân 2.

Ngành nông nghiệp đang tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi. Ảnh: H.ĐẠO
Ngành nông nghiệp đang tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi. Ảnh: H.ĐẠO

Ngành nông nghiệp địa phương này đang yêu cầu các chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo chống hạn, kiên quyết xử lý việc không tuân thủ sự điều hành trong công tác tưới của cán bộ thuỷ nông cơ sở khi hạn hán xảy ra. Chỉ đạo cho tổ, đội thuỷ nông các thôn và cán bộ thuỷ nông xã bám sát địa bàn để điều hành nước tưới hợp lý, chống thất thoát, lãng phí nước...

“Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị nhân lực, dự trù vật tư, kinh phí, nhiên liệu, máy bơm, gàu tát...cho từng vùng, từng khu vực chống hạn và diện tích chống hạn” – ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Các địa phương chủ động chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO