Cấp thiết sửa chữa para ngăn mặn ở Bình Giang

PHAN VINH 30/06/2020 10:23

Nhiều dự án được xây dựng ở xã Bình Giang (Thăng Bình) để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn như xây dựng đê ngăn mặn, đập para, nhưng các công trình này đã xuống cấp và không phát huy được công năng.

Nhiều đập para dọc đê sông Trường Giang ở xã Bình Giang bị hư hỏng nặng. Ảnh: PHAN VINH
Nhiều đập para dọc đê sông Trường Giang ở xã Bình Giang bị hư hỏng nặng. Ảnh: PHAN VINH

Vừa thu hoạch vụ đông xuân xong, ông Lê Thanh Hải (tổ 17, thôn Bình Túy, Bình Giang) nhanh chóng chuẩn bị cho vụ hè thu trên 5 sào lúa của mình tại cánh đồng Kiếp. Thế nhưng, năm nay hạn sớm, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hơn. Cùng với đó, đập para ngăn mặn Tám Bè phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Câu Lâu và cánh đồng Kiếp bị xói lở ở khu vực đáy đập nên nước nhiễm mặn tràn vào đồng. Vì vậy, 5 sào lúa của ông Hải nằm gần khu vực cửa đập bị chết khô.

“Mấy năm làm vụ hè thu cũng tạm tạm vì dù khô hạn nhưng vẫn bơm nước được, còn chuyện xâm nhập mặn đã có đập para. Nhưng năm nay mặn sớm, para bị hư hỏng chưa sửa chữa, nên 5 sào lúa của tôi coi như mất hết, bỏ hẳn vụ hè thu này rồi” - ông Hải nói.

Theo ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, những năm qua, địa phương đã xây dựng lớp đê dài 9km nhằm chống xâm nhập mặn từ sông Trường Giang vào các cánh đồng của người dân. Dọc tuyến đê này, có 12 công trình đập para ngăn mặn phân đều tại 4 thôn dọc sông Trường Giang. Tuy nhiên, các đập para này xây dựng từ lâu, nhiều đập đã bị hư hỏng nặng ảnh hưởng đến việc canh tác của người dân.

Cụ thể, với độ mặn đo được trung bình từ cuối tháng 2 đến nay là 2 - 3 phần nghìn đã làm 7ha của cánh đồng Kiếp (ở 2 thôn Bình Hòa và Bình Túy), 10ha của cánh đồng Câu Lâu (thôn Bình Túy) và 12ha của các cánh đồng Cây Nánh, Cửa Canh và Gốc Sĩ (thôn Bình Khương) bị bỏ hoang vụ hè thu. Riêng diện tích 250ha tại cánh đồng thuộc 2 thôn Hiền Lương và Bình Hòa dù canh tác được trong vụ hè thu nhưng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng sâu bất cứ lúc nào.

Hư hỏng nặng nhất là đập para tự động được xây dựng từ năm 1993, phụ trách tưới tiêu, ngăn mặn cho 250ha lúa tại cánh đồng Hiền Lương và Bình Hòa đã bị hư phần lõi đáy khiến công năng ngăn mặn không còn. Ngoài ra, các đập para còn lại cũng bị hư hỏng tương tự, như para Tám Bè và para Cây Nánh đều bị xói lở phần đáy đập khiến tấm chắn không ngăn hết nước từ sông tràn vào đồng.

Theo ông Võ Văn Tư, gần 300ha lúa trên địa bàn xã Bình Giang đang canh tác ven sông Trường Giang thường xuyên đối diện với xâm nhập mặn vào mùa khô vì những para đã xuống cấp. Trong công tác chống hạn, chống mặn, UBND huyện Thăng Bình có phân bổ nguồn vốn sửa chữa các đập ngăn mặn này với kinh phí 150 triệu đồng/đập. Thế nhưng, địa phương tiến hành khảo sát và thăm dò chi phí thi công thì cao hơn rất nhiều.

“Ví dụ, đập para đôi bị lủng đáy phải cẩu lên, hàn tấm chắn mới và nhúng kẽm đề phòng oxy hóa thì mất chi phí khoảng 450 triệu đồng. Trong khi địa phương đang thiếu nguồn, việc đối ứng ngân sách hoàn toàn nằm ngoài khả năng. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, bà con nhân dân vô cùng bức xúc, chính quyền các cấp cũng đã nắm thông tin. Vì vậy, địa phương mong muốn cấp trên thực hiện khảo sát, kiểm tra và theo từng công trình đập hư hỏng rồi sau đó lập kế hoạch sửa chữa từng hạng mục hoặc giao địa phương làm rồi trình lên. Có như vậy thì việc sử dụng nguồn kinh phí chống hạn mới thực sự hiệu quả, giải quyết tình trạng hạn và xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay” - ông Tư nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp thiết sửa chữa para ngăn mặn ở Bình Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO