Cây trồng cho những mùa trông đợi

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/02/2022 06:00

(Xuân Nhâm Dần) - Đồng đất Quảng Nam từ tái lập tỉnh năm 1997 đến nay luôn trông đợi chọn được cây trồng cho những mùa thu hoạch có giá trị hàng hóa cao.

 

Bao chiến lược chuyển đổi đã đặt ra. Bao chương trình xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghệ chế biến đã thử nghiệm. Nhưng sự tìm kiếm, quy hoạch cây trồng chủ lực dường chưa thỏa nỗi khát khao…

Nhiều hình ảnh cây lá trong bài ca nổi tiếng “Quảng Nam yêu thương” ngày nào hầu như đã trở thành ký ức xa mờ. Nào đất tằm tơ, “Duy Xuyên tiếng thoi dệt lụa” chưa rộn ràng lên nổi với làng nghề trồng dâu nuôi tằm từng có mấy trăm năm hưng thịnh.

Nào “mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non” chỉ còn chứa trong đôi bầu kỷ niệm. “Quế Trà My thơm hương rừng man mác” với không nhiều cây cổ thụ cố trụ bám rải rác trên các ngọn núi cùng bản làng đồng bào dân tộc vùng cao…

Chính vì lẽ đó, ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, tiếng gọi thôi thúc là làm sao phục hưng nông nghiệp, trước hết từ cây trồng.

Một thời “thơm đắng, mía chua, bông còi, sắn thối”…

Sau tái lập tỉnh không lâu, từng có nhiều cơ sở thu mua thơm (dứa) hình thành ở phía tây xứ Quảng, bao cân loài trái cây nổi tiếng ngõ nguồn Chiên Đàn xưa.

Khi có dự tính mở rộng diện tích, không khí hào hứng lan tỏa đến các nông trại trồng thơm ở Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc (nhất là vùng Đại Sơn, Đại Hồng)… ấp ủ kỳ vọng sẽ có nhà máy chế biến nước dứa cô đặc ra đời.

Nhưng chừng ít năm sau đó, dự án nhà máy và vùng nguyên liệu dứa đứng bánh, có lúc nhà máy thiếu 2/3 sản lượng trong khi nông dân không chịu trồng dứa Cayen để chế biến xuất khẩu.

Hiện tại hầu như chỉ còn vùng tây Đại Lộc duy trì cây thơm với sản lượng tương đối mỗi mùa, nhưng chủ yếu bán làm thực phẩm, không thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”.

Hai mươi năm trước, ai đi vào Quảng Nam theo quốc lộ 1 sẽ không quên mùi đường tỏa ngào ngạt đoạn qua Hương An. Một nhà máy đường quy mô được dựng lên từ năm 1999, với tổng vốn 200 tỷ đồng.

Cùng với nhà máy, vùng nguyên liệu mía được tính cả hàng chục vạn héc ta, gần nhất là Quế Sơn, Thăng Bình, xa ra tới Điện Bàn. Các huyện Thăng Bình, Quế Sơn cũng đặt mục tiêu mỗi năm phát triển vùng trồng khoảng 3.000ha.

Nhưng chỉ 5 năm sau, đến 2004 nhà máy ngừng hoạt động vì thua lỗ tới 123 tỷ đồng. Việc xử lý nhà máy phá sản khá lùng bùng, hậu quả là máy móc gỉ sét, hàng nghìn mét vuông nhà xưởng bỏ hoang. Đáng nói hơn là những đồng mía mà nông dân kỳ công chăm trồng trở nên chua lè, phải khởi dựng lại các “ông che” nấu đường bát thủ công để tạm tiêu sản.

Lại nói về cây bông vải. Một doanh nghiệp khá lớn vào phát triển vùng trồng bông để lấy nguyên liệu phát triển ngành sợi, nhuộm.

Triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác đầu tư ký ngày 10.12.2012 giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Vinatex cam kết sẽ tham gia cùng Quảng Nam khảo sát, quy hoạch các vùng trồng bông vải (khoảng 10.000ha), trước mắt thử nghiệm ở Thăng Bình, Quế Sơn. Tuy nhiên kỳ vọng trồng cả vạn héc ta, nhưng chỉ sau mấy mùa vẫn còi cọc, kế hoạch rơi lả tả… như bông.

Còn cây sắn, nay vẫn duy trì nhà máy tinh bột sắn, nhưng chuyện sắn thối thì không ít lần dân kêu ca. Đau nhất là tính phát triển vùng sắn để làm nguyên liệu chế biến cồn và xăng E5, nhưng nhà máy cồn ra đời ở Đại Lộc, cứ gây ô nhiễm làm cho dân bức xúc, các kế hoạch vùng nguyên liệu cùng nhà máy cũng… cháy như cồn.

Sau những bài học

Bài học từ thất bại để “thơm đắng, mía chua, bông còi, sắn thối” cho thấy trong cách tổ chức sản xuất, kết hợp vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, và thị trường đều tắc đường.

Nói về bài toán thị trường, có lẽ dẫn chứng đau đầu nhất là cây cao su. Cũng mang sứ mệnh rất lớn tạo ra “vàng trắng”, nên trên đà thắng lợi ít năm đầu, Quảng Nam đã tính quy hoạch vùng trồng hơn 3 vạn héc ta, trải nhiều địa bàn vùng núi. Thực tế cao su cũng đã giúp ít nhiều cho công cuộc thoát nghèo, đắp đổi mơ ước cho nông dân chuyển dịch làm công nhân.

Nhưng khi thức nhận ra rừng cao su thuộc loại nghèo sinh thái, đặc biệt khi thị trường bẻ lái, giá mủ xuống đáy thì nỗi “hờn lẫy” không sao giải được. “Cao su đi dễ khó về”, diện tích trồng chỉ được phân nửa quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà đến nay việc rà soát chuyển đổi theo hướng thu hẹp lại chưa xong.

Ước mong có cây trồng chủ lực, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi nông nghiệp hàng hóa, gắn nông nghiệp với chế biến công nghiệp nên việc thử nghiệm không có gì đáng trách.

Vấn đề ở chỗ là việc thực thi các chương trình phát triển vùng nguyên liệu gắn công nghiệp chế biến vẫn nằm ở tư duy sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế, lại nôn nóng đạt quy mô, sản lượng lớn chứ chưa đặt chuỗi giá trị lên hàng đầu tương thích với thị trường.

Qua những ẩm ương của một thời “xổ số cây trồng”, giờ đây trông đợi cách nghĩ và cách làm khác, sát với chuyển động thị trường hội nhập. Dĩ nhiên "hội chứng" của các chương trình xây dựng vùng nguyên liệu trong quá khứ chưa hẳn đã được khắc phục.

Đây đó vẫn còn có những ý tưởng thử nghiệm tùy hứng xuất hiện. Tuy nhiên, định hướng của tỉnh đã rõ hơn với các vùng nguyên liệu. Như đối với vùng núi, chú trọng cây dược liệu, trong đó cây sâm giữ vai trò chủ lực.

Vùng sâm dự tính phát triển gần cả vạn héc ta, với việc xúc tiến quy hoạch, tính toán sản phẩm và sự tham gia của doanh nghiệp (mới đây nhất là tập đoàn Nuti Food vào cuộc bằng dự án chế biến sâu các sản phẩm từ sâm).

Vùng đồng bằng, cây lúa và hoa màu vẫn chiếm thế thượng phong, nhưng lúa giống hàng hóa là lối mở, và rau an toàn gắn với siêu thị nhà hàng đang từng bước đầu tư.

Trung du đã và đang hình thành các trang trại, vườn rừng trồng cây ăn quả và loài cây bản địa để chế biến thực phẩm chức năng. Tất cả đều phải hướng đến thị trường, lấy chuỗi giá trị làm mục tiêu.

Điều cần thấy rằng, khó có được những vùng nguyên liệu lớn như Bắc Bộ và Nam Bộ, nhưng Quảng Nam cũng có thể học hỏi nhiều tỉnh miền Trung có điều kiện sinh thái tương đồng để phát triển vùng cây trồng bản địa cho giá trị kinh tế hiệu quả.

Các sản phẩm OCOP đang tạo dựng, với thị trường nhỏ dĩ nhiên khó có quy mô vùng nguyên liệu lớn, nhưng bù lại có thể cơ động với phân khúc đa dạng, tránh sự đổ vỡ tràn lan nếu lỡ thất bại.

Về lâu dài, từ chọn lọc của nhu cầu thị trường sẽ định hướng ngược cho việc phát triển cây nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến có quy mô phù hợp.

Bên thềm mùa xuân mới, nói chuyện vui buồn từ bài học cây trồng là để tiếp bước ước mong Quảng Nam tìm được lối đi mới triển vọng hơn.

Mùa vàng trông đợi phía trước phụ thuộc chính ở tư duy và sự nhạy bén nắm bắt thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây trồng cho những mùa trông đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO