Cây xóa nghèo cho người dân xã Chơ Chun

VĂN THỦY 30/03/2023 07:41

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang đã hoàn thiện hồ sơ về chứng nhận cây đầu dòng Sâm bảy lá tại 10 hộ/3 thôn của xã Chơ Chun. Với dự kiến từ 200 - 300 cây tuyển chọn để làm giống, đây không những là dự án góp phần bảo tồn loài cây dược liệu quý giá mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã biên giới của huyện.

Anh A Viết Mia chăm sóc vườn ươm cây sâm 7 lá một hoa. Ảnh: V.T
Anh A Viết Mia chăm sóc vườn ươm cây sâm 7 lá một hoa. Ảnh: V.T

Sâm bảy lá một hoa (theo tiếng gọi của người dân địa phương) hay còn có tên gọi “Thất diệp nhất chi hoa”, vốn mọc trong rừng sâu, từ xa xưa, người dân địa phương đã sử dụng nó làm thuốc trị tiêu chảy, dần dà phát hiện thêm các công dụng tăng cường sinh lực, chữa bệnh cao huyết áp… nên càng nhiều người tìm kiếm. Sau này, một số người dân đem về nhà trồng, nhân giống để bảo tồn loài cây dược liệu quý này.

Thất diệp nhất chi hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, được xếp nhóm II A trong Nghị định của Chính phủ về “Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước thương mại quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”.

Anh A Viết Mia - thôn Blăng (xã Chơ Chun) chia sẻ, loài sâm này mỗi năm chỉ ra một lá và chỉ ra đến 7 lá mà thôi. Và nó chỉ đơm một bông hoa. Khi cây ra lá thứ 7, có nghĩa nó đã được 7 tuổi và đó cũng là lúc thu hoạch sâm tốt nhất. Mỗi cây có một củ, từ khoảng 5 lạng đến hơn 1kg.

“Hiện nay, gia đình tôi đã ươm trồng được hơn 300 cây sâm này trong vườn nhà và là người có số lượng cây trồng nhiều nhất trong xã. Năm vừa qua, gia đình cũng bán được một số lượng kha khá, với giá 2 - 3 triệu đồng/kg tùy theo số năm tuổi và củ sâm đẹp. Chúng tôi hy vọng rằng với dự án bảo tồn loài sâm này, gia đình sẽ có thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống trong những năm tới” - anh Mia nói.

Cũng theo anh Mia, cây sâm 7 lá một hoa có thân cây hình trụ, cao 0,7 - 1,2m; lá mọc vòng ngọn, hoa màu vàng, quả mọng đỏ tươi. Thân rễ cây chứa hoạt chất có thể dùng làm thuốc chữa các bệnh như sốt rét, giải độc khi bị rắn cắn, chữa mụn nhọt, ho lâu ngày, hen suyễn. Ngoài ra, thân rễ cây sâm này còn có thể dùng để sát trùng; giã thân rễ cây đắp lên những nơi sưng đau, vết rắn cắn, mụn nhọt sẽ nhanh khỏi.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, hiện nay người dân trên địa bàn xã Chơ Chun trồng rải rác sâm 7 lá vởi diện tích khoảng 2ha, một số hộ dân đã cho thu nhập từ thu hoạch sâm bán ra thị trường.

Khi phát hiện loài sâm quý, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT; Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật, giống cây cho bà con. Trước mắt đã có 10 hộ gia đình ở xã Chơ Chun đăng ký trồng thử nghiệm với diện tích hơn 1ha, với tổng số 11.000 cây giống.

Thời gian thí điểm 3 năm. “Chúng tôi tin tưởng rằng, loài sâm 7 lá này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong xã, thậm chí là làm giàu cho bà con xã Chơ Chun trong thời gian không xa” - ông Chương bày tỏ kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây xóa nghèo cho người dân xã Chơ Chun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO