Chăm sóc cây trồng trong điều kiện rét lạnh kéo dài

NGUYỄN SỰ 03/02/2023 09:56

Cận Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay, mưa lạnh xuất hiện kéo dài nhiều đợt khiến hầu hết diện tích lúa và hoa màu chủ lực vụ đông xuân sinh trưởng kém. Thời điểm này, nông dân cần tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp để cây trồng phục hồi, phát triển.

Nông dân Duy Xuyên tập trung xới xáo phá váng trên những ruộng đậu phụng. Ảnh: VĂN SỰ
Nông dân Duy Xuyên tập trung xới xáo phá váng trên những ruộng đậu phụng. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Văn Tường ở thôn Trung Hạ (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) cho biết, vụ đông xuân này gia đình ông sản xuất 3 sào lúa. Hơn 1 tháng nay, do thường xuyên xuất hiện những đợt mưa kèm theo rét lạnh kéo dài nên cây lúa phát triển chậm. Ngay sau tết, vợ chồng ông Tường tỉa dặm rồi mua phân về bón thúc nhằm giúp cây lúa sớm phục hồi và sinh trưởng tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào trưa hôm qua 2/2, ông Trần Văn Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho hay, vụ đông xuân năm nay, ngoài việc gieo trồng 206ha đậu phụng, 192ha bắp và 182,5ha các loại hoa màu khác, nông dân trên địa bàn huyện canh tác 1.020ha lúa. Trong đó, có 705ha chủ động nước tưới và 315ha phụ thuộc nước trời.

Theo ông Lưu, do thời gian qua thời tiết diễn biến bất lợi nên phần lớn ruộng lúa của Nông Sơn sinh trưởng kém và tính đến thời điểm này nhà nông mới tỉa dặm được khoảng 60% diện tích.

“Mưa lạnh kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây lúa mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh như bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu cuốn lá... phát sinh và gây hại rải rác trên diện rộng. Đáng chú ý, chuột cũng bùng phát và cắn phá nhiều cánh đồng lúa, chủ yếu ở những chân ruộng nước trời với tỷ lệ hại bình quân 5 - 6%” – ông Lưu nói thêm.

Cần bón phân thúc kịp thời nhằm giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: VĂN SỰ
Cần bón phân thúc kịp thời nhằm giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: VĂN SỰ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ đông xuân 2022 – 2023 này, ngoài việc sản xuất 41.600ha lúa, nông dân trên địa bàn tỉnh còn gieo trồng 9.000ha đậu phụng, 6.500ha bắp, 10.300ha rau đậu các loại.

Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là mưa lạnh kéo dài nhiều đợt, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn tập trung triển khai hiệu quả nhiều biện pháp nhằm giúp cây trồng phát triển, hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại.

Theo ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong điều kiện rét lạnh, nông dân cần duy trì mực nước trong ruộng tối thiểu 2 - 3cm để giữ ấm cho cây lúa. Đồng thời, bón bổ sung tro bếp, phân chuồng hoai mục; không bón thúc phân đạm vào những ngày nhiệt độ xuống dưới 20 độ C.

Tranh thủ lúc thời tiết nắng ấm, tiến hành tỉa dặm và bón phân thúc kịp thời nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển. Cần chú ý, phải bón đủ và cân đối phân N - P – K, duy trì mực nước nông để lúa sinh trưởng thuận lợi và đẻ nhánh sớm.

Ông Nguyễn Xuân Vũ lưu ý, đối với những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ với các biểu hiện như gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn... hoặc những ruộng lúa bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý, cần thay nước từ 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (1 - 2kg/sào) và phun phân qua lá nhằm giúp cây lúa nhanh chóng hồi phục.

Còn đối với các chân ruộng sạ muộn, để đảm bảo an toàn và tránh ngộ độc cho cây lúa, nhà nông không nên phun thuốc trừ cỏ trong điều kiện thời tiết rét lạnh (nhiệt độ dưới 20 độ C).

Đối với các loại cây trồng cạn và rau đậu, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền các cấp cùng ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tỉa dặm, định cây nhằm đảm bảo mật độ phù hợp trên đồng ruộng.

Bón phân thúc kịp thời, kết hợp với việc làm cỏ, lên luống, xới xáo phá váng (nhất là sau mỗi đợt mưa) để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tùy từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng, chú ý tưới nước đảm bảo đủ độ ẩm cho cây phát triển...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chăm sóc cây trồng trong điều kiện rét lạnh kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO