Cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Cần điều chỉnh phù hợp thực tế

NGUYỄN SỰ 09/02/2023 06:52

Qua hơn 3 năm triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 của Chính phủ và Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, trên địa bàn Quảng Nam đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện cơ chế này phát sinh nhiều vướng mắc cần sớm xem xét điều chỉnh phù hợp.

Những năm qua, trên địa bàn huyện Duy Xuyên có nhiều mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VĂN SỰ
Những năm qua, trên địa bàn huyện Duy Xuyên có nhiều mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VĂN SỰ

Động lực phát triển

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, căn cứ Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam”.

Theo ông Tý, thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn trong 2 năm 2021 - 2022 là 49 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh cho các địa phương để triển khai cơ chế này. Trong đó, năm 2021 là 31 tỷ đồng (gồm 16 tỷ đồng vốn đầu tư, 15 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và năm 2022 là 18 tỷ đồng (gồm 8 tỷ đồng vốn đầu tư, 10 tỷ đồng vốn sự nghiệp).

Tại huyện Hiệp Đức, ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như các sở ban ngành, UBND huyện Hiệp Đức chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đến các đối tượng thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Những năm qua tổng nguồn kinh phí UBND tỉnh phân bổ cho huyện thực hiện cơ chế này là hơn 2,6 tỷ đồng.

Theo đó, huyện đã phê duyệt hỗ trợ 3 dự án, gồm: liên kết sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm giống lúa thuần của HTX Nông nghiệp An Sơn (xã Quế Thọ); liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm Linh Chi của HTX Sản xuất - chế biến - tiêu thụ nấm Nhì Tây (xã Bình Lâm); liên kết nuôi chim cút đẻ trứng của HTX Nông nghiệp Hòn Kẽm (xã Hiệp Hòa). Tính đến thời điểm này, trong tổng số hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện 3 dự án vừa nêu thì các ngành chức năng của Hiệp Đức đã tiến hành giải ngân hơn 1,3 tỷ đồng.

Nhờ doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, nông dân yên tâm đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất giống lúa theo chuỗi giá trị. Ảnh: VĂN SỰ
Nhờ doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, nông dân yên tâm đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất giống lúa theo chuỗi giá trị. Ảnh: VĂN SỰ

Năm 2022, tính đến giữa tháng 11, toàn tỉnh đã có 13 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Trong đó, có 12 dự án/kế hoạch liên kết được UBND cấp huyện phê duyệt với tổng số vốn hỗ trợ hơn 7,1 tỷ đồng, thu hút 1.480 hộ nông dân tham gia; 1 dự án liên kết sản xuất cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở NN&PTNT phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện hơn 13 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh là hơn 3,3 tỷ đồng.

“Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh đã tạo động lực vượt qua những rào cản vô cùng lớn về tư liệu sản xuất để tổ chức kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và phát triển nông nghiệp theo chuỗi mang lại giá trị bền vững.

Đây là cầu nối giúp doanh nghiệp, HTX, người nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, gắn kết các tác nhân tham gia dự án bằng cơ sở pháp lý thông qua hợp đồng liên kết nhằm giảm thiểu rủi ro, giúp vấn đề tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi, bền vững hơn” - ông Tý nhìn nhận.

Nhiều vướng mắc

Ông Lê Văn Bảy cho rằng, thời gian qua đa số đối tượng trên địa bàn Hiệp Đức chưa thực sự chủ động tìm ra các sản phẩm để đăng ký thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi; với nguồn kinh phí sự nghiệp, mức hỗ trợ trên quy mô thực tế dự án hoặc kế hoạch liên kết quá thấp so với quy mô thực hiện.

Cụ thể, theo khoản 3, điều 5 của Nghị quyết số 17 thì định mức hỗ trợ trên quy mô thực tế dự án hoặc kế hoạch liên kết tối đa 300 triệu đồng là quá thấp so với quy mô thực hiện. Cạnh đó, đối với nguồn kinh phí đầu tư phát triển, mức hỗ trợ về cơ sở hạ tầng thấp so với tổng mức đầu tư, trong khi phải lập thủ tục như một dự án đầu tư nên chủ trì liên kết không đăng ký thực hiện.

Theo khoản 2 và 3, Điều 3 của Nghị quyết số 17 thì mức hỗ trợ về hạ tầng cũng như đầu tư máy móc, trang thiết bị quá thấp, chỉ từ 30 - 40% so với tổng mức đầu tư của chủ trì liên kết.

“Vấn đề cần quan tâm nữa là, quy mô tối thiểu/ dự án hoặc kế hoạch liên kết sản xuất đối với điều kiện của địa phương miền núi như Hiệp Đức là quá cao. Chẳng hạn, theo yêu cầu, liên kết sản xuất lúa thương phẩm phải có quy mô 100ha/vụ; liên kết nuôi trâu và bò thịt phải có số lượng 200 con/dự án hoặc kế hoạch; liên kết nuôi heo thịt phải có số lượng 1.000 con/dự án hoặc kế hoạch...” - ông Bảy nói thêm.

Vừa qua, tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, ông Trương Xuân Tý đã nêu ra nhiều vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ. Theo ông Tý, cùng một đối tượng, một số nội dung hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ chênh lệch khá lớn, dẫn đến tình trạng triển khai cơ chế gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, tại Điều 8 của Nghị định số 98 quy định “Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư mua sắm máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” nên nhiều doanh nghiệp, HTX chưa mặn mà hoặc không có khả năng đối ứng.

Trong khi đó, tại Quyết định số 1804 (ngày 13/11/2020) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025” quy định mức hỗ trợ nội dung này là 100%.

Không chỉ vậy, theo quy định tại Nghị định số 98 thì một số hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ liên kết sản xuất nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ như hệ thống tưới tiêu thông minh - tự động, lọc nước tưới, điện sản xuất, bờ bao cách ly trong sản xuất hữu cơ, nhà màng, nhà lưới.

Cạnh đó, Nghị định số 98 cũng không quy định cơ chế hay mức hỗ trợ xử lý rủi ro bất khả kháng xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện dự án liên kết sản xuất. Trong khi đó, nội dung này được quy định tại Nghị định số 02 (ngày 9/1/2017) của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhưng mức hỗ trợ quá thấp nên các chủ trì thực hiện dự án không đủ khả năng trả nợ khi triển khai dự án bị thất bại...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Cần điều chỉnh phù hợp thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO