Dịch bệnh liên tục, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 20/06/2022 10:43

Bệnh tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu bò thường xuyên tái phát trên địa bàn huyện Thăng Bình khiến người chăn nuôi lo lắng, không mặn mà tái đàn.

Dù chuồng trại được đầu tư kiên cố, song đến nay ông Trình vẫn không tái đàn vì e ngại dịch bệnh tái phát. Ảnh: B.T
Dù chuồng trại được đầu tư kiên cố, song đến nay ông Trình vẫn không tái đàn vì e ngại dịch bệnh tái phát. Ảnh: B.T

Tính đến cuối tháng 5.2022, dịch bệnh tả lợn châu Phi tái phát tại 13 xã trên địa bàn Thăng Bình, hiện có 6 xã đã đủ điều kiện công bố hết dịch, tổng trọng lượng heo mắc bệnh phải tiêu hủy từ đầu năm đến nay hơn 73 tấn.

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện ở 8 địa phương, tổng số bò mắc bệnh từ ngày 18.3 đến ngày 30.5 là 160 con;trong đó số bò chết, tiêu hủy là 21 con với tổng trọng lượng gần 1,5 tấn.

Bình Tú là một trong những địa phương có số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn của huyện Thăng Bình. Từ khi dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện, người chăn nuôi không mấy mặn mà tái đàn.

“Mỗi quý một lần, Ban Nông nghiệp xã đều tiến hành điều tra, rà soát biến động tổng đàn vật nuôi. Qua điều tra cho thấy, quy mô tổng đàn đã giảm 20 - 25%.

Đến thời điểm này, người chăn nuôi có gia súc bị bệnh bắt buộc tiêu hủy do dịch bệnh tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trong năm 2021 vẫn chưa được hỗ trợ, mặc dù cơ sở đã tổng hợp, lập biên bản” - ông Phan Văn Mỹ, cán bộ Ban nông nghiệp xã Bình Tú cho biết.

Ảnh: B.T
Ảnh: B.T

Ông Võ Đăng Công Trình là một trong những người chăn nuôi heo có quy mô tương đối lớn ở thôn Tú Ngọc, xã Bình Tú. Mỗi năm ông Trình nuôi 7 con heo nái lai để nhân giống bán heo thịt, thu về hàng trăm triệu đồng.

Năm ngoái ông tiếc nuối khi nhìn 7 con heo nái, mỗi con có trọng lượng khoảng 1,3 tạ bị đưa đi tiêu hủy do dịch bệnh tả lợn châu Phi. Không những vậy, hơn 100 con heo con mới sinh cũng cùng chung số phận với heo mẹ.

Gần 1 năm nay, chuồng trại được đầu tư kiên cố của ông Trình không còn chăn nuôi, dùng để chứa lúa. “Bây giờ có nuôi cũng chỉ thả vài con trong chuồng chứ không đầu tư lớn như trước nữa vì sợ dịch bệnh. Mong muốn của tôi là các cấp có cơ chế chính sách để hỗ trợ để người dân an tâm tái đàn” - ông Trình nói.

Vừa qua, UBND huyện Thăng Bình đã ban hành Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2026 với tổng kinh phí thực hiện hơn 6,1 tỷ đồng, riêng trong năm nay huyện sẽ hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng. Đây là điều kiện cần thiết và đúng lúc để thúc đẩy phát triển chăn nuôi.

Theo đề án này, huyện sẽ hỗ trợ về kỹ thuật như giống, thức ăn, khuyến nông; phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tổ chức liên kết sản xuất trong chăn nuôi và các cơ chế chính sách hỗ trợ khác cho người chăn nuôi.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết: “Trong đề án này, chúng tôi tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Tranh thủ tối đa hỗ trợ từ cơ chế chính sách và huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để hỗ trợ người chăn nuôi.

Đặc biệt, huyện Thăng Bình sẽ hỗ trợ để người chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả cao và bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch bệnh liên tục, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO