Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn bùng phát mạnh

VĂN SỰ - THÀNH CÔNG 06/08/2019 09:40

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y trong cuộc trao đổi với Quảng Nam Cuối tuần về diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tại Quảng Nam.

Phun hóa chất tiêu độc khử trùng là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch. Ảnh: S.C
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch. Ảnh: S.C

Thiệt hại nặng nề

* Ông có thể tóm lược tình hình dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Nam: Ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên vào ngày 15.5.2019 tại xã Duy Hải (Duy Xuyên). Trong 2 tháng rưỡi qua, mầm bệnh đã lây lan đến 12.974 hộ chăn nuôi ở 99 xã, phường, thị trấn của 14/18 huyện, thị xã, thành phố gồm: Đại Lộc, Hiệp Đức, Nam Giang, Bắc Trà My, Tiên Phước, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My, Quế Sơn, Núi Thành, Nông Sơn, Điện Bàn, Tam Kỳ.

Tính đến ngày 1.8.2019, toàn tỉnh có 54.063 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc (chiếm hơn 11% tổng đàn) với tổng trọng lượng hơn 2.816 tấn heo hơi. Trong số 14 huyện, thị xã, thành phố bị dịch tấn công thì Thăng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Được biết, Thăng Bình có 95.911 con heo thì thời gian qua đã có đến 43.251 con bị mắc bệnh phải tiêu hủy, chiếm tỷ lệ 45% tổng đàn.

Ông Nguyễn Thành Nam.
Ông Nguyễn Thành Nam.

Từ trước đến nay, Quảng Nam đã xảy ra rất nhiều đợt dịch nhưng chưa khi nào số lượng heo bị tiêu hủy lớn như đợt này. Không kể khoản thiệt hại của người dân và chi phí cho việc mua vôi bột, hóa chất để vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng cũng như các khâu phòng chống dịch khác, thì với tổng trọng lượng heo hơi đã tiêu hủy thời gian qua, riêng ngân sách tỉnh phải chi khoảng 72 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chăn nuôi theo các cơ chế của Nhà nước.

* Thưa ông, năm 2007 dịch tai xanh trên đàn heo bùng phát mạnh tại Quảng Nam và gây thiệt hại khá lớn nhưng chỉ trong vòng 1 tháng là tỉnh đã khống chế, dập tắt dịch. Còn đối với dịch tả lợn châu Phi, vì sao vẫn dây dưa suốt 2 tháng rưỡi qua?

Ông Nguyễn Thành Nam: Thời gian qua thì có 7 xã, phường đã qua 30 ngày không có thêm heo mắc bệnh, nay lại tái bùng phát dịch. Đáng lo hơn, theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT cũng như từ thực tế của địa phương cho thấy, thời gian tới rất nhiều khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan chứ chưa có dấu hiệu chững lại. Nói tóm lại, dịch đang lên, đang bùng phát mạnh chứ chưa đạt “đỉnh”.

Hơn 2 tháng rưỡi qua, dịch chủ yếu gây hại tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn trong những ngày tới nguy cơ dịch xâm nhiễm vào các trang trại, gia trại chăn nuôi heo với số lượng lớn là rất cao. Nếu không siết chặt công tác kiểm soát, kiểm dịch và duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng thì 4 huyện, thành phố còn lại là Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Hội An cũng sẽ bị dịch đe dọa. Đối với những xã, phường, thị trấn đã được giải tỏa dịch, nếu thời gian tới tỏ ra lơ là trong chuyện phòng dịch thì mầm bệnh tái bùng phát cũng là điều khó tránh khỏi.

Sở dĩ trước đây chúng ta sớm khống chế, dập tắt dịch tai xanh trên đàn heo là nhờ có vắc xin tiêm bao vây và tiêm thẳng vào ổ dịch. Đồng thời, khi heo bị mắc bệnh tai xanh, người dân có thể điều trị bằng thuốc hạ nhiệt, thuốc kháng sinh, bổ sung Vitamin... theo phác đồ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Trong vòng 7 ngày, nếu con heo bị nhiễm dịch không khỏi bệnh thì mới tiến hành tiêu hủy. Còn nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên thế giới chưa tìm ra vắc xin tiêm phòng và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Trong khi đó, mầm bệnh phát tán qua nhiều đường, lây lan mạnh và tỷ lệ chết lên đến 100%...

Khó kiểm soát

* Thưa ông, trong công tác phòng chống dịch, đã bộc lộ những tồn tại gì?

Ông Nguyễn Thành Nam: Mặc dù ngành liên quan và chính quyền các địa phương đã tích cực vào cuộc, song quá trình chống dịch vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện đội ngũ cán bộ từ chi cục đến cơ sở đều đang thiếu, không đủ để giám sát việc giết mổ trong bối cảnh vẫn đang cho phép tiêu thụ những con heo khỏe mạnh song song với việc kiểm soát dịch bệnh. Tất cả lực lượng đang phải căng mình ra chống dịch. Lúc đầu, việc chống dịch được làm rất tốt, nhưng khi số lượng heo nhiễm bệnh tăng đột biến, đội xung kích không làm xuể, heo chết để trong chuồng quá lâu làm phát tán vi rút gây bệnh.

“Vũ khí” duy nhất là phun tiêu độc khử trùng

Do dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng và thuốc đặc trị như các loại bệnh khác nên “vũ khí” duy nhất trong phòng chống loại dịch nguy hiểm này là phun hóa chất tiêu độc khử trùng thường xuyên. Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách tỉnh xuất mua, Chi cục Chăn nuôi & thú y đã cấp 30 tấn hóa chất Benkocid và Iodine cho 18 huyện, thị xã, thành phố để phục vụ phòng chống dịch. Sắp tới, đơn vị sẽ cấp thêm 20 tấn hóa chất cho các địa phương...

Quá trình tiêu hủy cũng có một số bất cập, như việc thu gom chất thải, rác thải chưa được thực hiện triệt để, xe vận chuyển heo nhiễm dịch đi tiêu hủy quá nhanh nên việc tiêu độc khử trùng theo không kịp. Chúng tôi đã hướng dẫn rất kỹ việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhưng ở cơ sở không thực hiện chặt chẽ nên lượng hóa chất sử dụng để dập dịch dù rất lớn song hiệu quả mang lại thấp. Kiểm soát địa điểm chôn lấp heo chết cũng là cái khó. Qua các đợt kiểm tra đột xuất, chúng tôi cũng đã phát hiện, làm việc với địa phương đề nghị chấn chỉnh.

* Các ngành chức năng liên quan sẽ phải làm gì để chấm dứt tình trạng người dân vứt xác heo chết ra môi trường, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Nam: Một trong những hậu quả của dịch bệnh là nguy cơ tác động nghiêm trọng đến môi trường. Điều này xuất phát từ một quan niệm có phần lạc hậu của người chăn nuôi. Ở đồng bằng, người nuôi heo vốn hay có suy nghĩ nếu heo chết mà đem chôn sau này sẽ khó nuôi, nhất là đối với heo nái. Ở miền núi, đồng bào cho rằng nếu đem chôn heo bệnh thì phải cúng, tốn kém nhiều nên không đồng ý để cán bộ thu gom, tiêu hủy. Từ đó, nảy sinh tình trạng lén lút vứt xác heo chết ra ngoài môi trường. Chỉ đến khi dịch bùng phát ở cả đàn mới báo cáo, và vẫn giấu bặt việc đã đem xác heo vứt ngoài kênh mương, sông suối.

Tỷ lệ này dù rất thấp so với số heo bệnh được mang đi tiêu hủy, nhưng để lại nhiều hậu quả, trong đó có việc làm lây lan dịch và ảnh hưởng môi trường sống. Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt đối với việc này, và cũng đề nghị các huyện, xã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, địa phương nào phát hiện heo chết bị vứt xác thì ngay lập tức phải tiến hành thu gom, xử lý, tránh tình trạng... đổ qua đổ lại, nhất là ở vùng giáp ranh.

* Giải pháp nào cho tình hình hiện tại, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Nam: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt, để hạn chế thiệt hại, trước mắt, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, chúng tôi đã làm rất nhiều văn bản tham mưu cho tỉnh để chỉ đạo. Mới đây nhất, tỉnh đã xây dựng phương án, trong đó đề cập cụ thể công tác phòng chống dịch. Ngoài việc phát hiện sớm, xử lý nhanh, tổ chức các biện pháp tiêu hủy heo chết, heo bệnh thì các địa phương cần khẩn trương sắp xếp, bố trí các điểm giết mổ và giám sát chặt nhằm tiêu thụ bớt lượng heo không nhiễm dịch (âm tính với vi rút) để giảm áp lực, giảm gánh nặng thiệt hại.

Ngành chăn nuôi cũng tính toán đến việc tái đàn phù hợp, tạo điều kiện cho những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y để có nguồn cung cho thị trường, nhất là chuẩn bị cho dịp tết sắp đến. Tuy nhiên, việc tái đàn phải đảm bảo dưới sự giám sát của trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện và chính quyền cơ sở để nắm bắt, kiểm soát, hỗ trợ kỹ thuật và phòng chống dịch. Về lâu dài, nhất thiết phải hạn chế việc chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ trong nông hộ và cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi heo theo hướng trang trại, gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn bùng phát mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO