Đông xuân 2019 - 2020 ở Đại Lộc: Mất vụ rau, bù giá bắp

TRIÊU NHAN 20/02/2020 14:13

Vụ đông xuân 2019 - 2020, nhiều nông hộ vùng Đại Lộc thất thu vụ cây laghim, trong khi đó lại được giá bắp nếp ngọt...

Nông dân Đại Lộc thất thu vụ laghim. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nông dân Đại Lộc thất thu vụ laghim. Ảnh: TRIÊU NHAN

Vụ laghim thất thu

Những ngày này, nông dân các vùng Bàu Tròn, Phước Yên (Đại An), Hòa Mỹ, Mỹ Thuận (Đại Nghĩa), huyện Đại Lộc tranh thủ lo thu dọn lưới, róng và phá bỏ toàn bộ những đám đậu tây, dưa leo, mướp, khổ qua để dọn đất, tỉa bắp, trồng đậu phụng, dưa hấu.

Nhiều lão nông vùng Đại Nghĩa, Đại An rầu lòng vì vụ laghim chính vụ với các loại cây cải, đậu tây, dưa leo, khổ qua... được mùa nhưng rớt giá thê thảm.

Có thời điểm rau củ quả được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/bao 50kg. Có hộ vì giá rẻ không đủ tiền công hái đành bỏ không thu hoạch.

Bà Huỳnh Thị Lực (thôn Bàu Tròn, Đại An) chia sẻ: “Lẽ ra thời điểm này chúng tôi vẫn còn có cái thu nhưng do đợt tết vừa rồi, dưa leo, khổ qua, đậu tây giá quá rẻ nên không ai chăm bón thành ra cây chóng tàn, sâu rầy cũng gây hại. Nếu thời điểm trong và sau tết, giá mỗi ký dưa leo, khổ qua chỉ tầm vài ba nghìn đồng/kg thì nay tăng lên được 5 - 6 nghìn đồng/kg nhưng không có hàng để bán”. 

Ông Phan Tưởng (thôn Bàu Tròn) chia sẻ thêm, không chỉ cây rau quả, cây ớt xanh cũng thất bại nặng. Vài sào ớt xanh như mọi năm trước nếu bán cũng được hàng chục triệu đồng, nhất là dịp tết, giá mỗi ký ớt xanh bán tươi là 10 - 15 nghìn đồng/kg, thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, trước, trong và sau tết, ớt xanh chẳng có người mua, giá chỉ tầm 5.000 đồng/kg.

“Mọi năm, thị trường Trung Quốc ăn hàng, ớt xanh bán rất chạy nhưng năm nay không có người thu mua, giá lại quá rẻ nên chấp nhận để chín hái phơi khô, đồng nghĩa với vụ ớt cũng thất bại” - ông Phan Tưởng nói.

Bà Đỗ Thị Phương (thôn Phước Yên, xã Đại An) cho biết, năm trước thấy cây laghim trúng đậm, bà đầu tư trồng tới 1 mẫu laghim vụ này nhưng thu hoạch chỉ đủ tiền giống, vật tư, lỗ nhân công chăm sóc.

Không chỉ bà Phương, các ông Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Chạy (thôn Phước Yên) cũng trồng nhiều cây laghim, từ 5 - 6 sào tới cả mẫu cũng gặp cảnh tương tự.

Ông Nguyễn Nề (thôn Hòa Mỹ, Đại Nghĩa) cho hay, vụ này, ông tận dụng diện tích đất cao ráo trồng laghim rất sớm nên đón đầu đợt khan hiếm rau quả vụ đông, có nguồn thu tương đối ổn định với dưa leo 10.000 đồng/kg, khổ qua mắt ngọc từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 40.000 đồng/kg. Trong khi nhiều hộ do đất thấp, trồng trà sau thì thua lỗ nặng. 

Vui mùa bắp nếp

Vụ đông xuân 2019 - 2020, trong khi người trồng cây laghim rầu lòng vì giá rớt thê thảm thì người trồng bắp nếp ngọt tại Đại Lộc lại phấn khởi vì giá tốt, đầu ra rất mạnh. Do năm nay người trồng không tập trung gieo đại trà mà trồng rải rác ở nhiều trà nên đầu ra và giá cả cây bắp nếp ngọt khá thuận lợi.

Việc hạn chế trồng đại trà khiến bắp nếp được giá.
Việc hạn chế trồng đại trà khiến bắp nếp được giá.

Bà Đỗ Thị Phương (thôn Phước Yên) chia sẻ, với 3 sào trồng bắp nếp ngọt, bán tại đám, bà thu về 16 triệu đồng.

“Chỉ việc đếm hàng quy ra tiền, thương lái tới tận đám thu mua bắp nếp nên ai nấy nhẹ nhõm hẳn ra. Ít ra cũng có cái vớt vát đủ trang trải đầu năm, đủ chi phí để xuống giống trở lại. Thu hoạch bắp xong tôi sẽ xuống giống dưa hấu vụ xuân hè” - bà Phương nói.

Tại Đại Nghĩa, nhiều hộ cũng có nguồn thu khá ổn định từ cây bắp so với laghim. Cụ thể như, ông Nguyễn Nề (Đại Nghĩa) gieo trồng 1 sào bắp, thu về hơn 4 triệu đồng; ông Nguyễn Thanh Hồng gieo trồng 3 sào bắp nếp ngọt, thu về được 16 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Tiện trồng 5 sào bắp nếp, thu về 27 triệu đồng, ông Nguyễn Lịnh trồng 3 sào, thu về trên 15 triệu đồng... 

Từ mùng 4, mùng 5 Tết Nguyên đán tới nay, một số điểm bán bắp tươi hình thành tại chợ Hòa Mỹ, vùng nông sản Bàu Tròn trên tuyến ĐH13 và khu vực Quảng Huế, xã Đại An.

Tại các chợ, mỗi chục bắp nếp ngọt có giá bán lẻ tại chợ là 50.000 đồng/12 trái tươi và 60.000 đồng/chục bắp nấu và 100 - 120 nghìn đồng/chục/12 trái với bắp nướng...

Giống bắp nếp AG88, HN88 rất được chuộng ở vùng Đại Lộc và nhiều nơi bởi trái tốt, thơm ngọt, trái to, vỏ mỏng, cây lại ít sâu bệnh. Dù giá cả bắp nếp không tăng vọt và không giúp nông hộ có nguồn lợi nhuận nhiều như nhiều loại cây khác, nhưng lại khá ổn định trong năm, tương tự như cây đậu phụng và ít khi rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Bên cạnh cây bắp nếp, nhiều nông hộ vùng Đại Lộc cũng có nguồn thu tương đối ổn định từ cây đậu cô ve trắng, đỏ với giá bán đậu khô tại ruộng là 26 - 28 nghìn đồng/kg, sau khi đậu được sạc (sử dụng máy bóc vỏ) xong. Ước tính, với mỗi sào trồng đậu cô ve, nông dân có thể thu lãi 1,2-1,5 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông xuân 2019 - 2020 ở Đại Lộc: Mất vụ rau, bù giá bắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO