Huyện Duy Xuyên đặt mục tiêu phát triển mạnh mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, thực hiện triệt để chủ trương không cho phép chăn nuôi trong nội thị Nam Phước và các khu dân cư quy hoạch 1/500 theo đề án UBND tỉnh xây dựng, sắp được HĐND tỉnh xem xét ban hành.
Báo cáo tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh vào hôm qua 4.10, ông Nguyễn Văn Sĩ – Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Duy Xuyên thông tin, toàn huyện hiện có 8 trang trại chăn nuôi đang hoạt động (6 trang trại heo, 2 trang trại gà) và 4 trang trại đang được triển khai, kêu gọi nhà đầu tư.
Nhìn chung các trang trại chăn nuôi heo đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, song gây ô nhiễm môi trường. Việc phát triển thêm các trang trại chăn nuôi heo đều không được sự đồng thuận của nhân dân khu vực, thậm chí người dân còn yêu cầu ngừng hoạt động một số trang trại đã được cấp phép và đang sản xuất...
Ông Trần Huy Tường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho hay, giai đoạn 2022 - 2025, Duy Xuyên xác định chăn nuôi là một trong những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 30% toàn ngành), đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, lợi ích người dân địa phương và an sinh xã hội.
“Mục tiêu huyện đặt ra là từng bước phục hồi và giữ mức ổn định tổng đàn heo 47.000 con, trong đó chăn nuôi tập trung và chăn nuôi nông hộ quy mô lớn chiếm tỷ lệ 25% vào năm 2025.
Tạo thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng các trang trại chăn nuôi bò cao sản tập trung, phấn đấu đạt 19.000 con vào năm 2025. Duy trì ổn định đàn trâu là 3.100 con.
Đến năm 2025 tổng đàn gia cầm đạt 810.000 con, trong đó chú trọng phát triển trang trại chăn nuôi gà, phấn đấu tổng đàn gà là 680.000 con” – ông Tường nói.
Ông Nguyễn Công Dũng – Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên cho rằng, những năm tới địa phương phải nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung.
Phát triển chăn nuôi tập trung là yêu cầu tất yếu và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, thời gian tới lãnh đạo huyện sẽ yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trang trại chăn nuôi để có hướng xử lý kịp thời.
Định kỳ kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của các trang trại đang hoạt động ổn định, có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị, hộ cá thể phát triển chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm gắn kết xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến tập trung. Đối với các trang trại chăn nuôi hoạt động kém hiệu quả, sai mục đích thì có phương án thu hồi hoặc chuyển mục đích khác.
Theo ông Đức, những năm đến huyện sẽ từng bước giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, đến năm 2025 không còn chăn nuôi nông hộ tại các khu vực không được phép chăn nuôi. Khuyến khích nông hộ phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại nhỏ tại các khu vực đủ điều kiện; liên kết sản xuất với các chủ doanh nghiệp, trang trại lớn trong việc cung cấp con giống, nguyên liệu đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Cần có cơ chế hỗ trợ người dân khi không được chăn nuôi trong nội thị
Thực hiện yêu cầu của Sở NN&PTNT và UBND huyện Duy Xuyên, thời gian qua UBND thị trấn Nam Phước đã tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở chăn nuôi tại 3 khối phố Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Mỹ Hòa.
Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của các ban ngành địa phương và các hộ chăn nuôi về những tác động đến đời sống, kinh tế khi HĐND tỉnh sắp ban hành “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi”.
Qua rà soát cho thấy, tại 3 khối phố nêu trên của thị trấn Nam Phước có 97 cơ sở chăn nuôi với tổng số vật nuôi là 197 con (gồm 3 con trâu, 104 con bò, 90 con heo) và nuôi gia cầm số lượng nhỏ.
Ông Nguyễn Thế Đức nói: “Chăn nuôi tại các khối phố trên có xu hướng giảm dần, thuận tiện cho việc thực hiện không chăn nuôi trong nội thị theo lộ trình và kết thúc vào cuối năm 2025. Chủ trương không được phép chăn nuôi trong nội thị được nhiều hộ dân đồng tình nhưng đề nghị các cấp có chính sách hỗ trợ cho các hộ gặp khó khăn như hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm hoặc hình thức khác”.