Hiệp Đức lo nước tưới cho cây trồng

NHÃ PHƯƠNG - ANH ĐÔNG 29/03/2022 10:42

Dù ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhưng thực tế việc sản xuất lúa ở nhiều địa phương của huyện Hiệp Đức vẫn gặp khó khăn do thiếu nước tưới, nhất là trong vụ hè thu và cần có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng thủy lợi ở xã Quế Thọ (Hiệp Đức) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Ảnh: P.Đ
Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng thủy lợi ở xã Quế Thọ (Hiệp Đức) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Ảnh: P.Đ

Sản xuất gặp khó

Trên địa bàn có hồ chứa nước Việt An với dung tích khá lớn nhưng nhiều năm nay việc sản xuất lúa của nông dân xã Bình Lâm (Hiệp Đức) vẫn gặp khó khăn.

Ông Lê Anh - Phó ban Nông nghiệp xã cho biết, hiện nay Bình Lâm có 286ha đất lúa. Vụ đông xuân, nhà nông gieo sạ hết số diện tích trên. Trong khi đó, vụ hè thu chỉ canh tác được 189ha, còn lại 97ha không thể xuống giống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là hạ tầng thủy lợi của địa phương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, vụ hè thu nắng hạn thường xảy ra khốc liệt khiến nhiều hồ đập, sông suối cạn nước. Đặc biệt, một số cánh đồng là ruộng bậc thang nên việc cung ứng nước tưới cho cây lúa gặp trở ngại.

Được biết, trong số 1.330ha đất lúa của huyện, đến nay có 67% diện tích chủ động nước tưới.

Theo mục tiêu nghị quyết đề ra, đến năm 2025 Hiệp Đức phấn đấu nâng diện tích đất lúa chủ động nước tưới lên 72%, đảm bảo đạt tiêu chí về thủy lợi trong xây dựng mô hình huyện nông thôn mới.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, bằng nhiều nguồn vốn huy động, huyện sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm mở rộng thêm hơn 70ha đất lúa chủ động nước tưới.

Trong đó, sẽ xây dựng kiên cố đập dâng Suối Lung và hệ thống kênh dẫn nước ở xã Thăng Phước, nâng cấp hồ chứa nước Tam Bảo thuộc xã Quế Lưu, bê tông hóa một số tuyến kênh mương chính và nội đồng...

Ông Lê Văn Bảy - chuyên viên Phòng NN&PTNT Hiệp Đức thông tin, toàn huyện có 6 hồ chứa nước, 80 đập dâng kiên cố, 2 trạm bơm điện và nhiều tuyến kênh mương chính, nội đồng; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa.

Theo ông Bảy, tại 11 xã, thị trấn của Hiệp Đức hiện có khoảng 1.330ha đất lúa. Vụ đông xuân, nhờ nguồn nước của các hồ đập, sông suối tương đối nhiều và thường xuyên có mưa nên nông dân xuống giống hết số diện tích đất lúa nêu trên.

Thế nhưng, vụ hè thu chỉ gieo sạ được khoảng 875 - 980ha, còn lại 350 - 455ha phải bỏ hoang vì không có nước đổ ải gieo sạ cũng như tưới cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển.

“Mới đây là vụ hè thu năm 2021, nông dân trên địa bàn Hiệp Đức chỉ canh tác được 876ha lúa. Những địa phương có diện tích đất lúa không sản xuất được nhiều nhất là Quế Thọ 156ha, Thăng Phước 103ha, Bình Lâm 97ha, Bình Sơn 48ha, Quế Lưu 42ha...

Cần nói thêm, trong tổng số 876ha đất lúa gieo sạ được ở vụ hè thu năm ngoái, có đến 83ha bị khô hạn nặng buộc ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở phải thực hiện nhiều biện pháp công trình để ứng phó” - ông Bảy chia sẻ.

Triển khai nhiều giải pháp

Ông Lê Anh - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Lâm cho hay, trước tình trạng gần 100ha đất lúa (chủ yếu ở 2 thôn An Phố và Ngọc Chánh) thường phải bỏ hoang trong vụ hè thu, những năm qua ngành nông nghiệp Hiệp Đức cùng chính quyền địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi một số diện tích đất lúa không chủ động nước tưới sang sản xuất những loại cây trồng cạn chủ lực ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt.

Do khó khăn về nguồn nước tưới nên một số ruộng lúa ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức) thường phải bỏ hoang hoặc chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn trong vụ hè thu. Ảnh: P.Đ
Do khó khăn về nguồn nước tưới nên một số ruộng lúa ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức) thường phải bỏ hoang hoặc chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn trong vụ hè thu. Ảnh: P.Đ

Theo ông Anh, mỗi vụ hè thu nông dân trên địa bàn xã Bình Lâm chuyển khoảng 30ha đất lúa sang canh tác đậu phụng, đậu xanh, đậu đũa, bắp; bình quân 1ha đạt giá trị từ 40 - 50 triệu đồng.

“Trước đây, UBND huyện Hiệp Đức có cơ chế hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào cho các hộ dân chuyển những chân đất lúa không chủ động nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn trong vụ đầu tiên. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ này đã kết thúc vào năm 2020. Mong rằng, huyện tiếp tục nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp để tiếp sức nhà nông trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa” - ông Lê Anh nói.

Ông Lê Văn Bảy cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển hơn 100ha đất lúa khó khăn về nguồn nước tưới sang trồng đậu phụng, bắp và một số loại hoa màu khác trong vụ hè thu.

Số diện tích trên tập trung nhiều nhất ở các xã Quế Thọ, Bình Sơn, Quế Lưu và thị trấn Tân Bình. Qua khảo sát cho thấy, bình quân 1 sào đất lúa chuyển sang sản xuất cây trồng cạn cho nhà nông mức thu nhập khoảng 2 - 2,5 triệu đồng.

“Hiện nay, các đơn vị liên quan đang tiến hành khảo sát tại nhiều nơi để tham mưu UBND huyện Hiệp Đức ban hành cụ thể kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Theo dự tính ban đầu, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm huyện sẽ hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 50ha đất lúa không chủ động nước tưới hoặc bấp bênh nước tưới sang canh tác bắp, đậu phụng, mè, đậu xanh, sắn và trồng cỏ nguyên liệu phục vụ mô hình chăn nuôi bò thâm canh...” - ông Bảy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức lo nước tưới cho cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO