Hiệp Đức phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

VĂN SỰ - VINH ANH 01/12/2021 07:43

Thời gian qua, tại Hiệp Đức đã hình thành nhiều mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hàng hóa, an toàn dịch bệnh với quy mô vừa và lớn, mang lại hiệu quả cao. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2021 - 2025 vừa ban hành, Hiệp Đức xác định sẽ ưu tiên nguồn lực tạo bước đột phá cho lĩnh vực này.

Hiện nay, Hiệp Đức đã hình thành 275 gia trại chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CTV
Hiện nay, Hiệp Đức đã hình thành 275 gia trại chăn nuôi heo theo hướng hàng hóa và an toàn dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CTV

Bước chuyển tích cực

Ông Lê Anh - Phó Trưởng ban Nông nghiệp xã Bình Lâm cho biết, khoảng 6 năm trở lại đây người dân địa phương đầu tư phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình nuôi bò ngoại 3B theo hướng thâm canh. Qua thống kê, hiện toàn xã có khoảng 25 - 30 mô hình nuôi bò 3B với số lượng 5 - 25 con/mô hình. Bình quân hàng năm, mỗi mô hình đạt lợi nhuận 80 - 200 triệu đồng.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hiệp Đức và chính quyền các địa phương tập trung phối hợp triển khai nhiều phần việc nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực chăn nuôi.

Ông Lê Văn Bảy - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho hay, thực hiện Quyết định số 08 (ngày 12.4.2016) của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 UBND huyện chi gần 1,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ. Cụ thể, hỗ trợ trâu đực giống cho 11 hộ, bò đực giống cho 25 hộ, hầm khí biogas cho 105 hộ, chuồng nuôi đệm lót sinh học cho 5 hộ và hỗ trợ một số mô hình dịch vụ thú y trọn gói.

Còn ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức thông tin, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình nông thôn mới, bình quân hằng năm mỗi xã trên địa bàn huyện dành 300 triệu đồng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, trong đó nhiều địa phương ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò ngoại 3B.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, các xã Quế Thọ, Quế Lưu, Sông Trà, Thăng Phước, Bình Lâm, Phước Gia đã hỗ trợ 21 hộ dân và 1 hợp tác xã mua tổng cộng 103 con bò 3B (nhà nước hỗ trợ 50 - 70%).

“Qua khảo sát, toàn huyện hiện có 86 gia trại bò, 275 gia trại heo, 21 gia trại gia cầm với quy mô vừa và lớn. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi mô hình có mức lãi 40 - 90 triệu đồng/năm, cá biệt có một số mô hình thu về 150 - 250 triệu đồng/năm” - ông Nghiệp nói.

Thúc đẩy phát triển mạnh

UBND huyện Hiệp Đức vừa có Quyết định số 813 ban hành đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện cho biết, cùng với kinh tế lâm nghiệp, trong 5 năm tới Hiệp Đức sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chăn nuôi, xem đây là hướng mũi nhọn của địa phương.

Những năm gần đây, người dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi bò ngoại 3B. Ảnh: S.A
Những năm gần đây, người dân Hiệp Đức đầu tư phát triển mạnh mô hình nuôi bò ngoại 3B. Ảnh: S.A

“Giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tích cực đầu tư cải tạo con giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi. Chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp và bán công nghiệp.

Duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng” - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp cho hay, mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2025 tổng đàn bò của huyện đạt 12.000 con (tỷ lệ bò lai hơn 92%), đàn trâu 2.000 con, đàn heo 100.000 con, đàn gia cầm 120.000 con.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ xây dựng thêm 10 mô hình nuôi thâm canh bò 3B lấy thịt có quy mô hơn 10 con/mô hình, 10 mô hình nuôi thâm canh bò cái lai Zêbu sinh sản có quy mô hơn 10 con/mô hình, 10 mô hình nuôi heo nái sinh sản có quy mô hơn 10 con/mô hình, 10 gia trại nuôi gia cầm lấy thịt theo hướng an toàn sinh học có quy mô 500 con/lứa nuôi/mô hình và 10 gia trại nuôi gia cầm sinh sản có quy mô 100 con/lứa nuôi/mô hình.

Về kinh phí hỗ trợ, huyện sẽ hỗ trợ sau đầu tư 15 triệu đồng/mô hình/hộ đối với chủ hộ nuôi thâm canh bò 3B lấy thịt có quy mô từ 10 con trở lên.

Hỗ trợ sau đầu tư 20 triệu đồng/mô hình/hộ đối với chủ hộ nuôi thâm canh bò nái lai Zêbu sinh sản có quy mô từ 10 con trở lên.

Hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/mô hình/hộ đối với chủ hộ nuôi heo nái sinh sản có quy mô từ 10 con trở lên.

Hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/mô hình/hộ đối với chủ hộ nuôi gia cầm lấy thịt có quy mô từ 500 con trở lên/lứa nuôi và hỗ trợ 5 triệu đồng/mô hình/hộ đối với chăn nuôi gia cầm sinh sản có quy mô từ 100 con trở lên/lứa nuôi.

Huyện cũng hỗ trợ sau đầu tư 50% chi phí xây dựng công trình khí sinh học biogas, với mức hỗ trợ theo giá làm thực tế nhưng không quá 5 triệu đồng/công trình/hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO