Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

MAI NHI - DUY THÁI 22/12/2022 07:41

Những năm qua, các cấp hội nông dân huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ hội viên phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao nguồn thu nhập, nhanh chóng cải thiện đời sống.

Thời gian qua, ngành liên quan và chính quyền các cấp của huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: N.T
Thời gian qua, ngành liên quan và chính quyền các cấp của huyện Quế Sơn tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: N.T

Sản xuất theo hướng hàng hóa

Nhận thấy sâm ba kích có tiềm năng lớn, năm 2017 ông Đặng Ngọc Trung (thôn An Phú, Quế Mỹ) tiên phong đưa cây giống từ huyện Tây Giang về trồng thử nghiệm trên 2 sào đất. Thấy sâm ba kích phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, ông Trung quyết định nhân rộng mô hình lên 2ha.

Được Hội Nông dân xã Quế Mỹ và các đơn vị liên quan giải quyết cho vay ưu đãi 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Đặng Ngọc Trung đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động, làm giàn lưới tạo bóng râm và độ ẩm cho đất. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch hại nên vườn sâm phát triển tốt.

“Hiện vườn sâm ba kích của tôi đến kỳ thu hoạch, ước tính sản lượng sâm đạt khoảng 300kg/sào. Để đảm bảo đầu ra của sản phẩm, tôi đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với HTX Tiên Bình ở huyện Tây Giang với mức giá bán sỉ 300 nghìn đồng/kg” - ông Trung nói.

Ngoài trồng 2ha sâm ba kích, ông Đặng Ngọc Trung còn xây dựng mô hình nuôi heo thịt thương phẩm gia công theo hình thức liên kết sản xuất với Công ty CP Việt Nam với quy mô thả nuôi mỗi năm 1.800 con heo. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, bình quân hằng năm ông Trung có mức lãi ròng không dưới 300 triệu đồng.

Ảnh: N.T
Ảnh: N.T

Với mong muốn tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Huân (thôn Thạch Thượng, Quế Phong) quyết định khởi nghiệp từ mô hình tổng hợp nấu rượu, nuôi heo rừng lai và trồng các loại cây ăn quả.

Ông Huân cho biết, đầu năm 2019, ông thuê gần 1ha đất để trồng nếp đắng, đồng thời đầu tư hơn 150 triệu đồng mua sắm trang thiết bị máy móc sản xuất rượu theo công nghệ hiện đại. Để rượu nếp đắng giữ được hương nếp và triệt tiêu lượng độc tố, ông thực hiện quy trình lên men rượu cũng như công đoạn chưng cất một cách kỹ lưỡng.

Sau khoảng 3 tháng, rượu thành phẩm mới được đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ chất lượng đảm bảo, sản phẩm rượu nếp đắng của gia đình ông Huân được người tiêu dùng ưa chuộng và đón nhận. Ông Huân cho hay, mỗi năm gia đình ông làm ra được khoảng 1.000 lít rượu nếp đắng với giá bán 60 nghìn đồng/lít.

Tận dụng nguồn thức ăn từ nấu rượu, ông Huân mua heo rừng lai về nuôi để nâng cao thu nhập. Năm 2022, ông nuôi 6 con heo nái và 50 con heo rừng lai thương phẩm. Ông còn trồng hơn 100 cây bưởi da xanh và liên kết với một số hộ dân trong thôn trồng 1ha chuối mốc nuôi cấy mô, hiện nay các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch.

“Với mô hình kinh tế tổng hợp này, năm nay gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng các mô hình theo hướng chuyên sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế” - ông Huân chia sẻ.

Nỗ lực hỗ trợ nông dân

Ông Trần Hữu Ninh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Sơn cho hay, thời gian qua, các cấp hội luôn đồng hành, trợ giúp nông dân địa phương phát triển kinh tế, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tính đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện đang quản lý 13,2 tỷ đồng.

Hội đứng ra nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tín chấp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 5.800 hộ nông dân vay hơn 438 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn trên, nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Cùng với hỗ trợ vốn, từ năm 2018 đến nay các cấp hội nông dân huyện Quế Sơn phối hợp tổ chức 165 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và mở 25 lớp đào tạo nghề cho gần 10 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân; vận động trao tặng 52 con bò giống, hơn 7.400 con gà giống.

Các cấp hội duy trì thực hiện Đề án “Cung ứng phân bón trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ nông dân khó khăn thiếu vốn sản xuất” tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn với tổng số lượng phân bón được cung ứng hơn 1.100 tấn/năm.

Hội Nông dân huyện Quế Sơn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp hội viên nông dân xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm với nhiều hoạt động cụ thể như tổ chức hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp nông thôn cấp huyện, cấp xã. Đồng thời hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ nông dân ký kết 32 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các đơn vị, doanh nghiệp...

Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội và sự nỗ lực rất lớn của hội viên nông dân, năm 2022 Quế Sơn có 4.590 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.

“Để tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế, thời gian đến Hội Nông dân huyện Quế Sơn đề xuất tăng cường huy động Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, liên kết với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận những kênh vốn ưu đãi, hỗ trợ cây con giống, đất đai, khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất...” - ông Ninh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO