Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa

NHÃ PHƯƠNG - PHẠM THÁI 22/02/2022 06:31

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Mô hình trồng đậu phụng phủ bạt ở xã Quế An cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.P
Mô hình trồng đậu phụng phủ bạt ở xã Quế An cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.P

Đầu năm 2020, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) Quế Sơn phối hợp với UBND xã Quế Phong triển khai đề tài khoa học công nghệ và hỗ trợ hộ ông Nguyễn Viết Trường ở thôn Thạch Thượng (Quế Phong) thực hiện mô hình trồng chuối mốc nuôi cấy mô trên 1,5ha đất. Ông Trường cho biết, ông được trung tâm hỗ trợ cây giống, phân bón và hệ thống tưới nước bán tự động, kỹ thuật trồng và chăm sóc.

“Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, gần 2.500 cây chuối nuôi cấy mô của tôi phát triển rất tốt. Đến nay hàng trăm cây chuối đã trổ, mỗi buồng khoảng 7 nải. Nếu tính theo giá hiện nay, bình quân một buồng chuối có giá trị 100 - 120 nghìn đồng, nhiều thương lái đã đến tận vườn đặt mua chuối. Thời gian tới, tôi dự định trồng thêm 2ha chuối mốc nuôi cấy mô và hướng đến liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để có đầu ra ổn định” - ông Trường nói.

Ông Nguyễn Mậu Ánh - Giám đốc Trung tâm KTNN Quế Sơn cho biết, từ năm 2018 đến nay, đơn vị phối hợp các ngành chuyên môn của tỉnh và huyện thực hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả cao. Trong đó, phối hợp với Ban Quản lý dự án WB7 triển khai mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất cây lúa, cây màu ở vùng đông của huyện với tổng diện tích 2.064ha, có 13.084 hộ nông dân tham gia.

Vườn chuối mốc nuôi cấy mô của ông Nguyễn Viết Trường ở thôn Thạch Thượng (xã Quế Phong) phát triển rất tốt. Ảnh: T.P
Vườn chuối mốc nuôi cấy mô của ông Nguyễn Viết Trường ở thôn Thạch Thượng (xã Quế Phong) phát triển rất tốt. Ảnh: T.P

Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng mít Thái Lan, chuối mốc nuôi cấy mô với diện tích 2ha và mô hình trồng 9ha rừng thâm canh bằng keo nuôi cấy mô tại Quế Mỹ; mô hình trồng 4ha rừng gỗ lớn tại Quế Hiệp, Quế Long; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học với quy mô 3.000 con tại thị trấn Đông Phú và xã Quế Hiệp.

Cạnh đó, từ nguồn kinh phí khuyến nông của huyện, Trung tâm KTNN Quế Sơn cũng triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây tiêu tại Quế Long; trình diễn mô hình thâm canh đậu phụng phủ bạt tại Quế An; thí điểm mô hình trồng cây măng cụt ở Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Long, Quế Phong; trình diễn mô hình lúa cấy bằng mạ khay - hữu cơ tại Quế Phú...

Ông Nguyễn Mậu Ánh cho hay, qua tổng kết đánh giá, hầu hết mô hình sản xuất đều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng đậu phụng phủ bạt đạt năng suất 150kg/sào/vụ. Sau khi trừ chi phí, cho lợi nhuận hơn 2,5 triệu đồng/sào/vụ, cao hơn gần 1 triệu đồng/sào/vụ so với canh tác đậu phụng truyền thống. Ngoài ra, mô hình cũng giảm công chăm sóc, lượng giống và phân bón.

“Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, thời gian tới Trung tâm KTNN Quế Sơn sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời huy động thêm nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp hằng năm để xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông” - ông Ánh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO