Hội An trở lại với "chân biển, chân đồng"

ĐỖ HUẤN 05/11/2021 04:22

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế của TP.Hội An. Du lịch – dịch vụ bị ngưng trệ, người dân tự tìm kế mưu sinh, lo cho cuộc sống bằng các nghề “chân biển, chân đồng”.

Người dân ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) khai thác lá dừa để chằm làm thành các vật liệu tre, tranh dừa. Ảnh: Đ .H
Người dân ở xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) khai thác lá dừa để chằm làm thành các vật liệu tre, tranh dừa. Ảnh: Đ .H

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Hiện nay, nhiều người dân Hội An rất khó khăn, gần 2 năm vừa rồi không làm ăn được, tiếp tục kéo dài nữa thì dân càng khổ hơn”.

Theo ông Hùng, đã đến lúc cần xác định phải “sống chung với dịch” để thực hiện “mục tiêu kép”. Đầu tiên cần xác định tư tưởng và thái độ tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch.

Những quy định thiết yếu về y tế như đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, giao lưu trao đổi, không tụ tập đông người, khai báo y tế… cần phải thực hiện thường xuyên.

Cùng với đó, xác định du lịch chắc chắn còn bị ngưng trệ kéo dài, nên Hội An có chủ trương chuyển đổi ngành nghề sản xuất của nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn nói: “Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để đảm bảo đời sống người dân. Bây giờ, chúng ta phải vận động người dân trở lại với các ngành sản xuất này để có thêm thu nhập”.

Thực tiễn sản xuất từ năm ngoái đến nay đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ các nghề “chân biển, chân đồng” này. Sản xuất lúa, rau màu các loại ổn định và cho năng suất khá.

Các mô hình nông nghiệp hữu cơ và các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả. Các tàu đánh bắt thủy hải sản với các nghề lưới quét, lưới rê 3 lớp, nghề câu… khai thác đạt sản lượng cao, tạo nguồn thu đáng kể cho ngư dân…

Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết, nghề đánh bắt hải sản và một số ngành nghề khác phát triển trở lại, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân.

Ở vùng du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh, một bộ phận nhân dân do mất nguồn lợi từ dịch vụ thuyền thúng và nhà hàng, quán ăn cũng đã chủ động tìm lại với nghề truyền thống của vùng “cửa sông ven biển” như: quăng chài, bủa lưới, câu lộng, câu sông… hoặc làm các nghề phổ thông, thủ công và tự do khác.

“Ngoài việc quay lại các nghề truyền thống sông nước, một số người dân còn bắt đầu đi biển trở lại. Ngoài ra, người ta khai thác dừa, chằm lá dừa, làm các vật liệu tre, tranh dừa cho các đối tác, các nhà hàng trong cũng như ngoài địa phương” - ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp nhằm tạo nguồn thu nhập cho người dân trong thời điểm khó khăn này, theo lãnh đạo TP.Hội An, địa phương quan tâm bảo đảm chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ các đối tượng nghèo khó, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đồng thời chú trọng quy hoạch, sắp xếp mạng lưới kinh doanh, tạo điều kiện về thị trường tiêu thụ, về lưu thông các mặt hàng nông sản, hải sản để đảm bảo ổn định giá cả cho bà con nông dân, ngư dân…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An trở lại với "chân biển, chân đồng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO