Hướng đi mới cho kinh tế vườn, trang trại ở Nông Sơn

VĂN SỰ - VINH ANH 30/06/2022 09:09

Cuối năm 2021, HĐND huyện Nông Sơn ban hành Nghị quyết số 57 với nhiều cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn...

Thời gian tới, Nông Sơn tập trung hỗ trợ phát triển mạnh KTV - KTTT gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Ảnh: S.A
Thời gian tới, Nông Sơn tập trung hỗ trợ phát triển mạnh KTV - KTTT gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Ảnh: S.A

Đổi mới hướng phát triển

Bà Cao Thị Đông Giang - chuyên viên Phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, thời gian qua người dân địa phương tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi - vườn rừng.

Đặc biệt, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo phương thức sản xuất hàng hóa. Từ đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại (KTV - KTTT) đạt giá trị tương đối cao.

Trong tổng số hơn 2.820 khu vườn cơ bản đã có các hoạt động, mô hình sản xuất với tổng diện tích hơn 350ha trên địa bàn huyện, hơn 190 vườn cho thu lãi 100 - 200 triệu đồng/năm, có 7 vườn đạt mức từ hơn 200 - 300 triệu đồng/năm, cá biệt có vườn đạt hơn 300 triệu đồng/năm...

Riêng với KTTT, huyện có 3 mô hình, nhưng chiếu theo tiêu chí mới tại Thông tư số 02 (ngày 28.2.2020) của Bộ NN&PTNT thì các trang trại này chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Theo mục tiêu Nghị quyết số 57 của HĐND huyện Nông Sơn, giai đoạn 2022 - 2025 hỗ trợ chỉnh trang, xây dựng 200 mô hình KTV (từ 1.000m2 trở lên) và 5 mô hình KTTT (đạt tiêu chí quy định tại Thông tư số 02, ngày 28.2.2020 của Bộ NN&PTNT).

Trong đó, đối với mô hình KTV, hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện chỉnh trang, cải tạo lại vườn, làm tường rào, cổng ngõ; mức hỗ trợ tối đa 4,5 triệu đồng/1.000m2 nhưng không quá 10 triệu đồng/vườn. Hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống bản địa; mức hỗ trợ 2 triệu đồng/1.000m2 nhưng không quá 4 triệu đồng/vườn...

Đối với trang trại, hỗ trợ không quá 50% tổng kinh phí thực hiện thiết kế và cải tạo mặt bằng làm trang trại; mức hỗ trợ tối đa 35 triệu đồng/trang trại. Đồng thời hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống cho chủ trang trại nhưng không quá 10 triệu đồng/trang trại... Tổng kinh phí dự kiến thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết hơn 5,7 tỷ đồng.

Ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho rằng, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KTV - KTTT chưa được trung ương ban hành, trong khi các cơ chế chính sách được tỉnh ban hành hỗ trợ trực tiếp hoặc lồng ghép chưa đủ mạnh nên chưa tạo được động lực cho lĩnh vực này phát triển.

Do đó, việc HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 57 về hỗ trợ phát triển KTV - KTTT gắn với du lịch giai đoạn 2022 - 2025, hy vọng sẽ tạo động lực phát triển trên lĩnh vực này của địa phương.

Ông Long nói, với Nghị quyết 57, địa phương đã xác định phát triển KTV - KTTT và du lịch là 2 nhiệm vụ song song cùng phát triển và hỗ trợ cho nhau.

Trong đó, sẽ thực hiện chỉnh trang vườn nhà, xây dựng các mô hình KTV tạo nét đặc trưng của vùng quê Nông Sơn để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức và tiêu thụ hàng hóa đặc trưng, đặc sản của huyện.

Đồng thời giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ để tiêu thụ.

Theo kế hoạch đặt ra, từ nay đến năm 2025, Nông Sơn tập trung hỗ trợ 200 vườn phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vườn xanh - sạch - đẹp đạt chuẩn vườn nông thôn mới.

Cạnh đó, hỗ trợ phát triển, phấn đấu nâng tổng số trang trại toàn huyện lên khoảng 5 mô hình đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NNPTNT.

Phấn đấu có khoảng 10% số sản phẩm nông sản từ KTV - KTTT được truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp sạch như VietGAP, Global GAP... Phấn đấu đến năm 2025 có 100 vườn cho thu nhập hơn 80 triệu đồng/vườn/năm; có ít nhất 3 sản phẩm từ KTV - KTTT đạt sản phẩm OCOP...

Nhiều mô hình kinh tế vườn có quy mô lớn ở làng Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) mang lại giá trị tương đối cao. Ảnh: S.A
Nhiều mô hình kinh tế vườn có quy mô lớn ở làng Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) mang lại giá trị tương đối cao. Ảnh: S.A

Nhiều giải pháp

Ông Đỗ Đình Long cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế tiềm năng từng vùng, từng địa phương. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển KTV - KTTT trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển mạnh các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng keo, đất lúa một vụ, đất rừng sản xuất sang phát triển KTV - KTTT, trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn. Quy hoạch, phát triển các trang trại trồng cây lâm nghiệp, chú trọng trồng rừng gỗ lớn. Trước mắt, trong giai đoạn 2022 - 2025 rà soát, xác định khu vực để trồng từ 500 - 700ha rừng gỗ lớn.

Rà soát hiện trạng hạ tầng sản xuất tại các địa phương cũng là giải pháp Nông Sơn xem trọng, để có thể qua đó xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện sản xuất, nhất là khu vực quy hoạch khu trang trại.

Trên cơ sở đó, hỗ trợ xây dựng các mô hình KTTT tổng hợp sản xuất các loại cây trồng đặc trưng của huyện kết hợp chăn nuôi theo mô hình khép kín, liên hoàn, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, tạo thế phát triển bền vững, ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó, hình thành nên các sản phẩm du lịch với các hoạt động tham quan vườn, trang trại, tham gia chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

Với kinh tế vườn, địa phương đầu tư xây dựng một số mô hình vườn mẫu, vườn điểm tại các xã gắn kết nông nghiệp với du lịch sinh thái. Hình thành mô hình chuyên canh và đa canh theo quy mô gia trại, trang trại với các loại cây đặc trưng của Nông Sơn.

Tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng đất, có các biện pháp quản lý tốt quỹ đất để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ vườn, trang trại phát triển sản xuất theo quy hoạch.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ gia đình, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ vườn có nguyện vọng và khả năng đầu tư vốn phát triển trang trại, các cơ sở sản xuất giống cây… được ưu tiên cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, Nông Sơn thực hiện phục tráng, tuyển chọn, công nhận cây đầu dòng để thực hiện nhân giống; hình thành vườn ươm cây giống đảm bảo các tiêu chuẩn để cung ứng cho nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Đặc biệt, địa phương hướng đến việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư, liên kết phát triển sản xuất, xây dựng phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, nâng cao giá trị sản lượng hàng hóa tập trung, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, an toàn, bền vững.

Thu hút đầu tư, huyện ưu tiên hỗ trợ (mặt bằng, thuế.. ) xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế hàng nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, chủ trang trại với các hợp tác xã và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đi mới cho kinh tế vườn, trang trại ở Nông Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO