Khẩn trương đối phó khô hạn, nhiễm mặn

VĂN SỰ - PHI THÀNH 05/02/2020 08:45

Mặn xâm nhập sâu vào bể hút các trạm bơm điện dọc sông Thu Bồn với nồng độ cao, mực nước các hồ chứa thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khiến hàng trăm héc ta lúa đông xuân đang đẻ nhánh rộ ở huyện Duy Xuyên đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Đắp tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen (Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: T.S
Đắp tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen (Nam Phước, Duy Xuyên). Ảnh: T.S

Cây trồng nguy cấp

Ông Lê Trung Nam - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Duy Phước (Duy Xuyên) cho biết, vụ đông xuân 2019 - 2020 này, bà con xã viên trên địa bàn canh tác tổng cộng 500ha lúa và 150ha hoa màu. Tuy nhiên, do thời tiết thay đổi bất thường, lượng mưa ít hơn hẳn so với mức trung bình nhiều năm, các hồ chứa thủy điện phía đầu nguồn xả nước về hạ du với lưu lượng ít khiến mặn liên tục tấn công vào bể hút trạm bơm điện 19.5.

Ông Nam nói: “Bắt đầu từ ngày 20.1 đến nay, mặn liên tục án ngữ tại miệng bể hút khiến trạm bơm 19.5 gần như tê liệt hoàn toàn. Đặc biệt, nồng độ mặn liên tục tăng lên theo từng ngày, và mới nhất là 6 giờ ngày 4.2 chúng tôi đo được nồng độ mặn lên đến 14,2 phần nghìn, trong khi đó mức cho phép vận hành máy bơm là dưới 0,8 phần nghìn. Vì vậy, 300ha lúa của xã Duy Phước, 50ha lúa của xã Duy Vinh và 25ha lúa của xã Cẩm Kim (TP.Hội An) đang phải đối mặt với nguy cơ khô hạn nặng”.

Tại thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), mặn cũng bắt đầu tấn công vào trạm bơm điện Xuyên Đông khiến 7 tổ máy buộc phải dừng vận hành cung ứng nước tưới. Trạm bơm này phục vụ nước tưới cho 600ha lúa đông xuân của nông dân thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Phước, Duy Vinh thuộc huyện Duy Xuyên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian qua lượng mưa quá ít đã tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao.

Không chỉ nhiễm mặn, tình trạng khô hạn cũng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Theo ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, toàn huyện hiện có 7 hồ chứa, 25 đập dâng, 40 trạm bơm điện và hàng trăm ki lô mét kênh mương phục vụ việc cung ứng nước tưới cho hơn 3.800ha lúa và gần 2.000ha cây màu các loại trong vụ đông xuân này. Tuy nhiên, gần 2 tháng nay lượng mưa ở mức thấp so với cùng kỳ, dòng chảy trên các sông biến đổi chậm và hạ thấp dần. Vì vậy, đến ngày 4.2 mực nước của các hồ chứa lớn trên địa bàn Duy Xuyên như Thạch Bàn, Vĩnh Trinh, Phú Lộc... đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,6 - 0,98m.

“Từ nay cho đến hết tháng 3 dương lịch, dự báo lượng mưa tiếp tục giảm, các trạm bơm ven sông Thu Bồn như 19.5 (xã Duy Phước), 2.9, Mỹ An (thị trấn Nam Phước), Mỹ Lược (xã Duy Hòa), Vạn Buồng (xã Duy Trinh), Cù Bàn (xã Duy Châu) đều có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước để hoạt động. Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm héc ta cây trồng bị ảnh hưởng dẫn đến năng suất, chất lượng tụt giảm, một số cánh đồng lúa, hoa màu có khả năng mất trắng” - ông Tường nói.

Khẩn trương đối phó

Để trạm bơm điện Xuyên Đông (thị trấn Nam Phước) hoạt động ổn định, suốt 1 tuần qua Chi nhánh Thủy lợi huyện Duy Xuyên (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) tích cực phối hợp cùng các đơn vị liên quan huy động tối đa vật tư, phương tiện, máy móc tiến hành đắp đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen nhằm đưa nước ngọt vào sông Bến Giá. Đây là nguồn nước phục vụ cho trạm bơm Xuyên Đông vận hành phục vụ tưới cho 600ha lúa của các địa phương Duy Phước, Duy Vinh, thị trấn Nam Phước; đồng thời công trình thủy lợi này còn hỗ trợ tưới cho hàng trăm héc ta lúa và hoa màu thuộc các khu tưới của trạm bơm điện 19.5 và 2.9.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen có chiều dài 165m, rộng gần 10m, cao trình 1,4m, khối lượng đắp khoảng 3.500m3 đất cát… với tổng kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng. Theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam, đến 13 giờ chiều qua 4.2, con đập này cơ bản thi công hoàn thành và đã thực hiện nhiệm vụ ngăn mặn - giữ ngọt. Cùng với đó, Chi nhánh Thủy lợi huyện Duy Xuyên đang triển khai nạo vét lạch dẫn nước trên nhiều tuyến sông, hệ thống kênh chính, bể hút các trạm bơm điện. Mặt khác, đơn vị quản lý trạm bơm điện Xuyên Đông cũng đã cắt cử cán bộ thủy nông túc trực thường xuyên tại miệng bể hút để đo nồng độ mặn, khi nào giảm xuống dưới mức cho phép thì mới tiến hành cho các tổ máy hoạt động.

Tại cuộc họp triển khai phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn do UBND huyện Duy Xuyên tổ chức vào sáng qua 4.2, ông Nguyễn Bốn – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhận định, thời gian tới tình trạng khô hạn và nhiễm mặn sẽ tiếp tục diễn ra khốc liệt, dự kiến tổng diện tích lúa và hoa màu chịu ảnh hưởng lên đến 1.550ha. Vì vậy, ông Nguyễn Bốn yêu cầu các địa phương, đơn vị cần sớm chủ động rà roát lại các phương án đối phó; nhanh chóng củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống hạn; thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa các trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác chống hạn.

“Các ngành, đơn vị liên quan phải chủ động cân đối lượng nước hiện có của các hồ đập để cung ứng cho cây trồng một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, mỗi địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện triệt để các biện pháp tưới nước tiết kiệm và thường xuyên vận động người dân ra quân nạo vét các kênh dẫn nội đồng. Đồng thời huy động nhân lực, phương tiện khẩn trương nạo vét đất cát bồi lấp các kênh dẫn lòng sông để khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, đối với những trạm bơm có nguồn nước dễ bị mặn xâm nhập cần theo dõi chặt chẽ lịch thủy triều, tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy từ các khu vực khác để bơm tưới và quan trắc thường xuyên để bơm lách triều, tuyệt đối không được bơm nước có nồng độ mặn lớn hơn quy định vào đồng ruộng” – ông Bốn nói.

Được biết, UBND huyện Duy Xuyên đã quyết định xuất nguồn kinh phí 2,7 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương đối phó khô hạn, nhiễm mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO