(QNO) - Trước nguy cơ cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền gây mưa to và gió mạnh, những ngày qua nông dân nhiều địa phương của tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại nông sản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Những ngày qua, nhiều địa phương huy động tối đa máy gặt đập liên hợp để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: VĂN SỰTrao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam Online vào sáng nay 10.9, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước diễn biến hết sức phức tạp của cơn bão số 5, những ngày gần đây UBND tỉnh và ngành nông nghiệp liên tục có các văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung đôn đốc, hỗ trợ nông dân gấp rút thu hoạch các loại nông sản sản xuất trong vụ hè thu 2021 này.
Theo ông Phạm Viết Tích, hè thu năm nay toàn tỉnh canh tác 36.627ha lúa nước và 4.785ha lúa rẫy. Tính đến chiều qua 9.9, nông dân đã thu hoạch được 27.136ha lúa nước và 1.021ha lúa rẫy.
Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 5, nông dân nhiều nơi khẩn trương gặt lúa để hạn chế thiệt hại. Ảnh: VĂN SỰDự tính, đến chiều 12.9 – khi bão số 5 áp sát bờ, Quảng Nam sẽ còn lại khoảng 4.591ha lúa nước. Trong đó, Điện Bàn 1.000ha, Phú Ninh 400ha, Đại Lộc 448ha, Hội An 200ha, Nông Sơn 300ha, Duy Xuyên 10ha, Thăng Bình 350ha, Quế Sơn 100ha, Núi Thành 58ha, Tam Kỳ 170ha, Tiên Phước 129ha, Bắc Trà My 320ha, Tây Giang 320ha, Phước Sơn 150ha, Nam Trà My 200ha, Nam Giang 50ha, Đông Giang 467ha.
Được biết, trong số 4.591ha lúa nước có khả năng không gặt được trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền, phần lớn diện tích là sử dụng giống lúa dài ngày nên chưa chín hoặc nhà nông không đủ nhân lực, phương tiện thu hoạch.
Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã thu hoạch được 2.778/4.948ha bắp, 892/910ha đậu phụng, 254/381ha khoai lang, 640/3.261ha rau các loại, 1.875/2.088ha đậu các loại, 2.328/9.126ha sắn. Riêng 1.457ha mè và 388ha dưa hấu, đến nay nhà nông đã cơ bản thu hoạch xong.
Tranh thủ trời nắng ráo, nông dân phơi lúa tươi để tránh xảy ra tình trạng hạt bị ẩm ướt, nẩy mầm, hư thối. Ảnh: VĂN SỰ“Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các cấp đã và đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân khẩn trương gia cố, đắp cao bờ bao để tránh xảy ra tình trạng mưa lớn gây sạt lở, cuốn trôi. Đặc biệt, khuyến cáo người dân theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ để chủ động việc thu hoạch tôm, cá... nhằm hạn chế thiệt hại” – ông Phạm Viết Tích nói.