Lỏng lẻo phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Thăng Bình - Bài cuối: Khó khăn từ thực tiễn

ĐOÀN ĐẠO - THANH THẮNG 07/08/2019 10:38

(QNO) - Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, dịch tả lợn châu Phi ở huyện Thăng Bình bùng phát mạnh, lan rộng phần lớn do sự lơ là hoặc chưa đảm bảo chủ động trong công tác dập dịch. Trong khi đó, địa phương cho rằng còn nhiều bất cập liên quan đến các văn bản chỉ đạo, nguồn tài chính… nên việc phòng chống dịch chưa hiệu quả.

Các địa phương cho rằng do thiếu kinh phí, nhân lực khiến công tác dập dịch chưa hiệu quả. Ảnh: ĐẠO THẮNG
Các địa phương cho rằng do thiếu kinh phí, nhân lực khiến công tác dập dịch chưa hiệu quả. Ảnh: ĐẠO THẮNG

Thiếu, khó trăm bề

Từ ngày 25.7.2019 đến nay, tại thôn Quý Xuân (xã Bình Quý) mỗi ngày phải tiêu hủy vài tấn heo. Dịch xảy ra tại nhiều hộ dân, nhưng tổ phòng chống dịch của thôn chỉ có vài người nên làm không xuể. Thôn cũng không đủ kinh phí để mua sắm trang thiết bị cần thiết cho những người đi tiêu hủy heo bệnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Luân - Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Quý (được Đảng ủy xã phân công đứng điểm phòng chống dịch ở thôn Quý Xuân), quy định chỉ tiêu hủy heo chết, heo mắc bệnh, heo có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh là một khó khăn trong công tác chống dịch ở cơ sở.

“Khi heo chưa chết hoặc chưa có dấu hiệu lâm sàng của bệnh thì chúng tôi chẳng thể xử lý cả đàn vì người dân không cho phép. Nên mới có chuyện, nhà có 10 con heo chết trong 10 ngày thì tổ công tác chúng tôi phải đi 10 lần, trong khi nhân lực chống dịch lại mỏng” - ông Luân nói.

Ông Luân cho biết thêm, việc lấy mẫu để xác định heo bệnh cũng không ít bất cập. Đối với hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 5 - 7 con, trong đàn có 1 con chết, người dân không muốn lấy mẫu. Bởi nếu như kết quả xét nghiệm cho âm tính, họ phải chi trả tiền lấy mẫu là 870 nghìn đồng, vì vậy chấp nhận để chết con nào thì tiêu hủy con nấy.

Đưa heo bệnh đi tiêu hủy tại Bình Quý. Ảnh: ĐẠO THẮNG
Đưa heo bệnh đi tiêu hủy tại Bình Quý. Ảnh: ĐẠO THẮNG

Còn theo ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Bình Trung, trong tất cả văn bản của cấp trên về phòng chống dịch, chưa quy định rõ ràng về việc xã được quyền huy động nhân lực từ nhân dân. Chính vậy, khi đề nghị người dân vào các đội phòng chống dịch thì xã phải trả tiền cho người dân đó. Giữa lúc dịch đỉnh điểm, số lượng heo bệnh phải tiêu hủy lớn mà làm theo cách này thì xã không đáp ứng nổi kinh phí.

“Tính đến nay, ngân sách huyện cấp về cho xã chỉ mới 140 triệu đồng. Số tiền này chẳng là bao so với việc đi thuê nhân công, máy móc, mua sắm vật tư chống dịch. Đợt dịch trước chúng tôi thiếu kinh phí, nhân lực đã khiến dịch lan rộng 7/7 thôn và bây giờ xã gần như chẳng còn heo nữa” - ông Cường nói.

Theo lãnh đạo các xã, văn bản quy định kiểm soát heo trong vùng dịch là chưa nghiêm ngặt vì vẫn đồng ý cho buôn bán heo và các sản phẩm thịt heo đối với heo khỏe mạnh. Chính điều này gây khó cho chính quyền địa phương.

Nên làm theo quy định

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, những khó khăn từ cơ sở là có thực và rất nhiều. Nhưng việc phòng chống dịch không hiệu quả thì do chính địa phương đó chưa chủ động làm tốt theo chỉ đạo, hướng dẫn từ các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh.

Về việc tiêu hủy heo, hiện nay văn bản số 1569/BNN-TY ngày 22.7.2019 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đã phân tích chỉ tiêu hủy con heo mắc bệnh, dương tính với mầm bệnh, heo chết. Ông Nguyễn Thành Nam yêu cầu: “Rõ ràng chống dịch phải cực khổ, nhưng nếu chôn toàn bộ đàn heo mà không qua xét nghiệm vừa sai quy định vừa dễ dẫn tới việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Vì vậy, chia sẻ với các khó khăn của cơ sở nhưng tôi đề nghị các địa phương cần làm đúng theo quy định trong các văn bản đã ban hành”.

Về vấn đề huy động nhân lực trong nhân dân, theo ông Nam, trong các văn bản quy định, người dân cùng chính quyền tổ chức tiêu hủy, tuy nhiên có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Người dân cùng chính quyền tiêu hủy heo có thể dùng phương tiện của người dân và Nhà nước, nhưng tốt nhất dùng phương tiện của Nhà nước để dễ thực hiện tốt tiêu độc khử trùng. Lực lượng chức năng cùng người dân đưa đến nơi chôn lấp đề phòng người dân vứt xác heo ô nhiễm môi trường, đồng thời giám sát chôn lấp đúng địa điểm...

“Đối với kinh phí chống dịch, tất cả đã quy định rõ trong Quyết định số 1210/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 6.4.2018 về việc ban hành quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Địa phương căn cứ theo đó thì có thể chủ động về nguồn kinh phí để thực hiện, đối với các trường hợp khác (nếu không xử lý được) thì có thể gửi kiến nghị lên cấp trên để cùng có hướng xử lý” - ông Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lỏng lẻo phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Thăng Bình - Bài cuối: Khó khăn từ thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO