Nghiên cứu phục hồi, phát triển trồng dâu nuôi tằm

HOÀNG LIÊN 29/09/2022 08:54

Sở KH&CN vừa phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tổ chức hội thảo nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.

Xác định bộ giống dâu và tằm phù hợp điều kiện sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Ảnh: PV
Xác định bộ giống dâu và tằm phù hợp điều kiện sinh thái sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế. Ảnh: PV

Theo ThS. Lê Xuân Ánh - Phó Trưởng bộ môn Sử dụng đất (Viện Thổ nhưỡng Nông hóa), chủ nhiệm đề tài khoa học: “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, Quảng Nam từng là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lanh, sa nhiễu, đũi, the...

Để phục hồi và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Nam, trước hết cần nghiên cứu tuyển chọn các giống dâu, giống tằm thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm để tăng năng suất, chất lượng kén tơ. Kết hợp với các doanh nghiệp về tơ lụa phát triển nghề theo chuỗi giá trị sản phẩm, giải quyết đầu ra ổn định cho người dân.

Trong quá trình thực hiện đề tài (từ năm 2020), ThS. Lê Xuân Ánh và cộng sự đã nghiên cứu lựa chọn giống dâu cho năng suất, chất lượng cao; xác định cơ cấu giống tằm có năng suất, chất lượng cao thích hợp với điều kiện sinh thái và mùa vụ.

Nhóm cũng nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng thâm canh cây dâu và nuôi tằm đạt hiệu quả cao; xây dựng mô hình trồng dâu tằm tại 3 xã Duy Châu (Duy Xuyên), Điện Quang (Điện Bàn) và thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) với quy mô diện tích ở mỗi địa phương là 5ha, thu hút 10 - 15 hộ tham gia.

Nhóm nghiên cứu cũng điều tra lấy 560 mẫu đất để phân tích, đánh giá trên diện tích hơn 11.920ha ở các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn. Qua phân tích, nhóm nghiên cứu đề xuất quỹ đất ưu tiên phát triển trồng dâu giai đoạn 1 gần 4.664ha, chiếm 39,1% diện tích vùng có tiềm năng phát triển trồng dâu của tỉnh; vùng đề xuất chuyển tiếp trồng dâu giai đoạn 2 gần 3.435ha.

Qua trồng khảo nghiệm, giống dâu VH15 (trồng bằng hạt) có năng suất cao nhất, được trồng với mật độ 50.000 cây/ha (M1N1) và năng suất hai vụ đạt 24,06 tấn/ha. Thấp nhất là giống dâu số 28 được trồng với mật độ 33.000 cây/ha (M3N0), năng suất đạt 15,07 tấn/ha.

Từ kết quả nuôi thử nghiệm 6 giống tằm GQ1235, GQ2218, BT1218, LTQ, LĐ09, LQ2 ở 2 vụ xuân, thu, qua nghiên cứu đánh giá các chỉ tiêu sinh học, kinh tế, nhóm nghiên cứu đã xác định giống tằm có sức sống cao là GQ1235, LĐ09.

Về chất lượng kén, các giống tằm có chất lượng kén cao là LQ2, GQ1235, LĐ09. Nhóm nghiên cứu xác định cơ cấu giống tằm nuôi thích hợp tại Quảng Nam. Cụ thể, vụ xuân, thu nuôi 3 giống tằm lưỡng hệ kén trắng GQ1235, LĐ09, LQ2; vụ hè nuôi giống tằm đa hệ lai kén vàng VNT1...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu phục hồi, phát triển trồng dâu nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO