Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh

NHÃ PHƯƠNG - DUY THÁI 24/12/2020 09:36

Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA) thuộc hợp phần 3 - Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới được triển khai tại huyện Quế Sơn trong giai đoạn 2019 - 2020 đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Sản xuất giống lúa thuần ĐT100 theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp nông dân xã Quế Phú (Quế Sơn) nâng cao năng suất và giá trị kinh tế. Ảnh: T.P
Sản xuất giống lúa thuần ĐT100 theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp nông dân xã Quế Phú (Quế Sơn) nâng cao năng suất và giá trị kinh tế. Ảnh: T.P

Hỗ trợ người dân sản xuất

Vụ đông xuân 2018 - 2019, ông Lê Quang Tiên ở thôn Mông Nghệ (xã Quế Phú, Quế Sơn) được Dự án hỗ trợ triển khai mô hình CSA trên cây lúa với diện tích 2,5 sào. Quá trình thực hiện, ông Tiên được ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ 100% lượng giống lúa và công cụ sạ hàng. Nhờ làm đúng quy trình hướng dẫn, năng suất lúa bình quân đạt 300kg khô/sào, tăng hơn 40kg so với phương thức sản xuất truyền thống.

“Với kết quả đạt được từ mô hình CSA, trong vụ đông xuân 2020 - 2021 sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra tất cả 6 sào ruộng của gia đình để nâng cao hiệu quả kinh tế” - ông Tiên chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho biết, trong 2 năm 2019 - 2020, sản xuất lúa ứng dụng mô hình CSA trên địa bàn xã được mở rộng đều khắp ở các thôn với tổng diện tích 140ha với hơn 1.500 hộ nông dân tham gia.Thời gian qua, HTX chủ động ký kết hợp đồng với các công ty giống trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất lúa giống hàng hóa theo chuỗi giá trị, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, giá trị kinh tế tăng khoảng 7 - 8 triệu đồng/ ha/vụ so với canh tác lúa thương phẩm.

Ngoài cây lúa, dự án còn hỗ trợ xã Quế Xuân 1 thực hiện mô hình CSA trên cây đậu phụng với diện tích 20ha. Kết quả, năng suất đậu phụng bình quân đạt 25 tạ/ ha/vụ, có nhiều hộ đạt từ 26 - 28 tạ/ha/vụ, đem lại mức thu nhập 80 - 90 triệu đồng/ha/ vụ, cao hơn 2 lần so với gieo sạ lúa. Trước hiệu quả mang lại khá cao, trong 2 năm qua nông dân địa phương đã tập trung nhân rộng đại trà mô hình CSA trên cây đậu phụng với diện tích sản xuất 141ha.

Ông Lê Công Nguyên - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn cho hay, mô hình CSA do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn thực hiện.

“Trong 2 năm 2019 - 2020, Ban Quản lý dự án đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua sắm 200 công cụ sạ hàng, 10 máy tỉa và hỗ trợ giống, vật tư thực hiện mô hình. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cũng đã tổ chức 36 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó có 24 lớp sản xuất lúa và 12 lớp sản xuất cây màu với 1.800 lượt nông dân tham dự. Qua đó, giúp người dân nắm vững quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc và quản lý dịch hại theo mô hình CSA” - ông Nguyên nói.

Hiệu quả thiết thực

Tại Quế Sơn, mô hình CSA được triển khai trên cây lúa và cây màu (bắp, đậu phụng) ở 5 xã, thị trấn thuộc vùng đông gồm Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Hương An, Quế Cường cũ (nay là Quế Mỹ). Trong 2 năm 2019 - 2020, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tổ chức nhân rộng chính 11 mô hình với diện tích 555ha và nhân rộng đại trà 776ha trên cây lúa; nhân rộng chính 47ha và nhân rộng đại trà 671ha trên cây đậu phụng, cây bắp đem lại kết quả rất khả quan.

Ông Lê Công Nguyên cho biết, đối với cây lúa, nhờ áp dụng phương thức sạ hàng với nguồn giống chất lượng đã giảm được lượng giống khoảng 30kg/ha/vụ. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ giảm 2,5 lần. Lượng nước trong mô hình được cắt giảm 2,7 lần. Việc tăng cường bón phân hữu cơ, quản lý dinh dưỡng tổng hợp cũng giảm được 29,5kg phân urê/ha so với ruộng đối chứng. Qua thực thế, cây lúa phát triển khỏe, chống chịu tốt với thời tiết bất lợi, năng suất đạt bình quân 65,9 tạ/ha, cao hơn so với ruộng làm theo tập quán cũ là 4,9 tạ/ha. Hiệu quả mô hình CSA trên cây lúa tăng 7 triệu đồng/ha/vụ so với canh tác theo tập quán cũ.

Đối với cây đậu phụng, thông qua hướng dẫn, nông dân tham gia mô hình đã áp dụng hiệu quả gói kỹ thuật IPM bằng việc sử dụng giống mới, dùng phân hữu cơ, bón phân cân đối nên tình hình và mức độ xuất hiện sâu bệnh ít nghiêm trọng hơn, vì vậy số lần phun thuốc giảm được 2 lần/vụ. Năng suất đậu phụng trung bình đạt 26 tạ/ha/vụ, cao hơn 3,3 tạ/ha/vụ so với ngoài mô hình và lợi nhuận đem lại tăng 10,3 triệu đồng/ha/vụ. Đối với cây bắp, năng suất đạt 58,9 tạ/ha/vụ, cao hơn so với làm theo tập quán cũ 3,6 tạ/ ha/vụ. Hiệu quả kinh tế tăng 2,4 triệu đồng/ha/vụ nhờ giảm lượng giống gieo tỉa (10kg/ha), giảm số lần số phun thuốc bảo vệ thực vật (2 lần/vụ), lượng phân bón cũng giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Mậu Ánh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho rằng, mô hình CSA đã góp phần thay đổi tư duy, giúp người dân chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế được tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, năng suất và chất lượng nông sản được nâng cao. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, cử cán bộ hướng dẫn và phối hợp với chính quyền các địa phương, các HTX trên địa bàn vận động, tuyên truyền người dân duy trì và nhân rộng mô hình này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO