Những mô hình kinh tế vườn hiệu quả

DIỄM LỆ - NGUYỄN HƯNG 06/10/2022 15:36

(QNO) - Thời gian qua, nhiều hộ nông dân ở Tiên Phước đã xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp kinh tế gia đình phát triển và góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đang được đẩy mạnh tại Tiên Phước.

Nông dân Tiên Phước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trang trại. Ảnh: H.L
Nông dân Tiên Phước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, trang trại. Ảnh: H.L

Phụ nữ vượt khó

Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Tiên Mỹ (Tiên Phước). Nhiều gương phụ nữ vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn có hiệu quả. Như bà Huỳnh Thị Giá (thôn Phú Xuân, xã Tiên Mỹ)  đã vươn lên từ chính mảnh vườn của gia đình.

Bà Huỳnh Thị Giá đã cố gắng vươn lên từ kinh tế vườn. Ảnh: H.L
Bà Huỳnh Thị Giá đã cố gắng vươn lên từ kinh tế vườn. Ảnh: H.L

Khu vườn của bà Giá có diện tích hơn 6.000m2, trước đây là vườn tạp xen kẻ trồng một số loại cây như chè, dó bầu, dầu trảu, quế nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Khoảng hơn 10 năm gần đây, từ khi huyện có nhiều cơ chế khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả, vợ chồng bà Giá bắt tay vào đầu tư, cải tạo, chặt bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả sang đầu tư trồng sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, cam, quýt các loại. Khi khu vườn cây ăn quả bắt đầu hình thành, lên xanh tốt, niềm vui từ thành quả lao động đem lại chưa được bao lâu thì không may chồng bà Giá mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại 5 mẹ con vất vả nương nhau.

Gánh nặng đè trên đôi vai bà Giá, để lo cho con ăn học, bà phải bươn chải với nhiều công việc khác nhau, nhưng vẫn tranh thủ thời gian đầu tư cho vườn cây ăn quả. Hiện khu vườn với khoảng trên 100 cây quýt, bưởi da xanh, thanh trà đã ra quả, và khoảng 40 cây măng cụt, 25 cây sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch. Thu nhập từ kinh tế vườn mỗi năm khoảng 70 triệu đồng.

Bà Giá nói: "Lúc mới chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, cam giấy, bưởi da xanh cũng vất vả lắm... Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên canh tác chưa đạt hiệu quả cao. Nhờ nghiên cứu học hỏi, tham khảo thêm kiến thức, đến nay các loại cây trồng thu hoạch đạt hiệu quả cao, chất lượng đảm bảo, cho thu nhập ổn định”.

Để trợ lực cho gia đình bà Giá, xã Tiên Mỹ đã phân công các Hội, đoàn thể của xã thường xuyên đến động viên và huyện cũng hỗ trợ kinh phí tư Đề án 03, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với số tiền trên 50 triệu đồng. Bà Giá còn tranh thủ thu mua đót về làm chổi bán lại cho các quầy tạp hóa trên địa bàn huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, mỗi tháng bình quân được 400 chổi đót, thu về trên 10 triệu đồng.

Nuôi heo rừng và bò lai trên đất vườn

Năm 2020, sau khi không làm ở xã Tiên Hà, ông Trần Văn Hưng (thôn Phú Vinh, Tiên Hà) đã cùng vợ dành tất cả vốn liếng tích cóp, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo rừng lai và nuôi bò 3B, bò lai Sind mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Trên diện tích đất vườn gần 1ha, ông Hưng quy hoạch lại 4 sào, rào thép lưới B40 xung quanh và mua 10 con heo rừng lai từ tỉnh Đắk Lắk về nuôi thả. Bước đầu mới bắt tay vào làm kinh nghiệm chưa có, nguồn vốn lại ít nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Heo bị nhiễm bệnh, lâu lớn. Tưởng chừng như bỏ cuộc, nhưng với quyết tâm cao, ông Hưng vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật chăm sóc heo rừng và vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng chuồng trại, đầu tư mua thức ăn.

Mô hình nuôi heo rừng lai của ông Hưng. Ảnh: H.L
Mô hình nuôi heo rừng lai của ông Trần Văn Hưng. Ảnh: H.L

Theo lời ông Hưng, sau khi học hỏi có được kinh nghiệm nên đàn heo bắt đầu ổn định, phát triển khá tốt. Hiện trong chuồng nuôi có 7 con heo nái giống, một heo đực, 50 heo con và 20 heo thịt. Heo rừng lai thích nghi với khí hậu ở miền núi, dễ nuôi và không tốn nhiều thức ăn, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình heo nuôi gần một năm đạt khoảng 35 - 40kg có thể xuất bán. Giống heo rừng lai được nuôi tự nhiên trong môi trường thoáng sạch, kết hợp với thức ăn hữu cơ như bắp, lúa xay, bánh dầu và các loại rau cỏ tự nhiên giúp thịt ngon, thơm.

Từ năm 2020 đến nay, ông Hưng bán ra thị trường gần 100 con heo rừng lai thịt và heo con. Giá bán bình quân dao động từ 120 - 130 nghìn đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí xong vợ chồng ông Hưng thu về trên 50 triệu đồng.

Ông Hưng chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo, bò: "Khi nắm được kỹ thuật chăn nuôi giờ đây tôi thấy nuôi heo rừng lai, bò lai cũng khá đơn giản. Nuôi heo rừng lai mình phải nắm được đặc điểm và tập tính của nó, loại heo này thích chỗ đất cao ráo, có nhiều cây để tạo bóng mát, đặc biệt khi nuôi cần nguồn nước sạch để cung cấp nước uống cho heo khỏi nhiễm bệnh và giữ được độ ẩm thích hợp. Loài heo rừng laikhá mạnh, nhanh, nhảy cao nên khi xây dựng hàng rào bao quanh chắc chắn, có móng dựng kiên cố, nó không ủi húc đổ. Hiện đầu ra khá ổn định, tôi cung ứng thịt đến địa chỉ đặt hàng qua điện thoại, mạng xã hội, quán ăn, nhà hàng trong và ngoài huyện”.

Đàn bò lai của ông Hưng đang phát triển tốt. Ảnh: H.L
Đàn bò lai của ông Hưng đang phát triển tốt. Ảnh: H.L

Cùng với việc nuôi heo, tận dụng diện tích đất tự nhiên sẵn có, vợ chồng ông Hưng cũng đầu tư trồng cỏ sả, cỏ voi để nuôi 8 con bò 3B, bò lai Sind. Nhờ được chăm sóc tốt, bò sinh trưởng nhanh, sức đề kháng với bệnh tật tốt, tỷ lệ thịt cao nên bước đầu đem lại lợi nhuận. Vợ chồng ông Hưng còn cải tạo khu vườn trồng một số loại cây ăn quả và chăm sóc khoảng 600 cây cau đang cho quả, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng.

Để giúp ông Hưng đầu tư mở rộng mô hình, Hội Nông dân xã Tiên Hà cũng ưu tiên về nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông và tạo điều kiện cho anh Hưng tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước cho biết: “Tuy mô hình của gia đình ông Hưng mới chỉ bước đầu, nhưng đã có được kết quả khả quan, hy vọng thời gian tới mô hình nuôi heo rừng lai kết hợp với chăn nuôi bò sẽ đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những mô hình kinh tế vườn hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO