Nông dân Đại Lộc chật vật với vụ hoa màu

HOÀNG LIÊN 28/12/2022 08:22

Thời điểm này, nông dân trồng hoa màu các vùng ven sông ở huyện Đại Lộc xuống giống vụ mùa đông xuân 2022 - 2023. Tuy nhiên thời tiết đang bất lợi bởi các đợt mưa liên tiếp và rét lạnh kéo dài.

Nông dân Đại Lộc tỉa dặm cây hoa màu trên những diện tích hư hại do thiên tai vừa qua. Ảnh: B.L
Nông dân Đại Lộc tỉa dặm cây hoa màu trên những diện tích hư hại do thiên tai vừa qua. Ảnh: B.L

Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng trên khắp các cánh đồng Hòa Mỹ, Phiếm Ái 2 (xã Đại Nghĩa) - vựa nông sản lớn của huyện Đại Lộc vẫn chưa thấy màu xanh của những vạt bắp, đậu phụng, dưa leo, ớt... như mọi năm. Nhiều chân ruộng có cây trồng bị hư hại nặng đến nay vẫn chưa kịp xuống giống trở lại do nông dân phải tiếp tục làm đất, bón phân, xử lý côn trùng trước khi gieo tỉa.

Cánh đồng Hòa Mỹ hiện mới có khoảng nửa diện tích được xuống giống, trồng dặm, song cây con mới mọc cũng phát triển kém do trúng đợt rét lạnh kéo dài. Từ ngày 26/12 trở đi, tranh thủ nắng ráo trở lại, lão nông Hồ Bê (thôn Hòa Mỹ) ra đồng dặm lại số cây con vừa mọc đã bị thối rễ, hư hại.

Ông Bê cho biết, gia đình trồng 6 sào đất màu, chủ yếu là đậu cô ve, ớt, đậu phụng nhưng toàn bộ đều bị ngập úng, hư hại. “Đợt xuống giống đầu tiên, giá giống rất đắt đỏ, cao gấp đôi năm trước, phân cũng cao gấp rưỡi, gấp đôi. Cây con vừa mọc đã bị ngập hết. Tôi phải xuống giống lần 2 và lần 3, tốn 16 - 17 triệu đồng rồi nhưng cây mọc cũng không bằng trước” - ông Bê nói.

Theo ông Bê, kinh nghiệm dân gian là cứ qua 23 tháng 10 âm lịch thì ai nấy tranh thủ xuống giống. Ở gần đó, ông Lê Quốc Thái (xã Đại Nghĩa) cũng tranh thủ dặm lại cây con, xới ván để đất tơi xốp, thoáng khí, cây trồng có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt khi nắng lên.

“Làm nông chừ khổ lắm, không biết đâu mà lần, thời tiết diễn biến cực đoan, giá giống, giá vật tư cứ tăng chóng mặt, chưa kể có người phải bỏ tiền ra thuê đất để sản xuất, đầu ra và giá cả nông sản thì cứ bấp bênh, lên xuống thất thường” - ông Thái nói.

Bà Phạm Thị Phước (thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa) cho hay, vụ này bà xuống giống 2 sào đất màu và đây là đợt xuống giống thứ 2.

“Nắng ráo lên, tôi đã dặm lại cây con, nhưng đậu phụng giá thời điểm này là 52 nghìn đồng/kg, quá đắt đỏ. Số cây còn sống sót cũng không ra chi, có dấu hiệu bị nấm, dễ thối rễ củ và chết” - bà Phước nói.

Ảnh: B.L

Ông Trương Ớ - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phiếm Ái 2 chia sẻ, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn và việc xả lũ của các hồ chứa, toàn bộ vùng trồng hoa màu của thôn xuống giống đợt đầu tiên bị hư hại nghiêm trọng. Người dân phải tổ chức sản xuất đợt 2, đợt 3, số trồng dặm thêm, có diện tích phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho kịp vụ.

Do ảnh hưởng thiên tai, giá cây ớt giống (ớt trành) hiện là 150 nghìn đồng/trành (trước 80 nghìn đồng/trành), đậu phụng là 55 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi nhưng không mua được giống nên nông dân phải chuyển sang trồng cây thuốc lá nâu, cây bắp đỏ, đậu cô ve…

Toàn thôn có 15ha bị thiệt hại 100% do ngập úng. Cơ bản bà con đã khắc phục khó khăn sau thiên tai, ổn định lại vùng sản xuất nhưng năng suất của vùng trồng cây màu năm nay kém so với mọi năm. Nhiều nông dân cho biết nguồn hỗ trợ thiệt hại thiên tai theo quy định của Nhà nước hiện vẫn còn quá ít ỏi. Mỗi sào trồng hoa màu bị thiệt hại 100% chỉ được hỗ trợ 100 nghìn đồng.

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, qua các đợt thiệt hại do thiên tai, phòng đã tổ chức kiểm tra thực tế, đánh giá và thống kê thiệt hại cây trồng trên đất màu do mưa lớn gây ra và báo cáo lên các cấp, ngành theo quy định để có hướng hỗ trợ sau thiên tai.

Ngành đã hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc cây trồng, tổ chức sản xuất trở lại ở vùng thiệt hại theo hướng dẫn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện.

Tại các địa phương, nông dân đã bắt đầu ổn định sản xuất cây màu. Riêng đối với cây lúa, ngành nông nghiệp huyện đã đề nghị các địa phương tập trung cày giải phóng đất trồng lúa, cắt cỏ, chặt phá cây cối ảnh hưởng dinh dưỡng của ruộng, bón vôi, phân lân, phân chuồng đầu vụ để giảm lượng phân bón vô cơ sau này, thực hiện gieo sạ theo đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh đã ban hành.

Phòng cũng chỉ đạo khẩn trương sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi, trạm bơm bị hư hỏng; tổ chức nạo vét kênh mương đảm bảo phục vụ nước tưới; xây dựng phương án chống hạn năm 2023...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Đại Lộc chật vật với vụ hoa màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO