Nông dân Điện Quang chật vật trước tết

QUANG HÀ 27/01/2022 04:00

Nhiều năm nay, việc kiếm nguồn thu nhập để lo tết luôn là nút thắt trong lòng nông dân xã Điện Quang (Điện Bàn).

Bà Quán đang xới cỏ cho ruộng ớt 1,5 tháng tuổi. Ảnh: Q.H
Bà Quán đang xới cỏ cho ruộng ớt 1,5 tháng tuổi. Ảnh: Q.H

Vào thời điểm cuối năm, có hai phương án buộc nông dân Điện Quang phải lựa chọn, một là tiếp tục “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để sang năm thu hoạch, hai là đi làm thuê cho người khác, lĩnh tiền theo ngày.

Bởi hầu hết các loại cây trồng ở đây như ớt, bắp, đậu… buộc phải gieo giống vào tháng 11 - 12 (thời gian trước đó, các cơn mưa lớn và lũ thường làm ngập úng bãi biền), tới tháng 3 - 4 mới có thể thu hoạch. Vì thế nông dân ở đây không có nông sản để cung ứng cho thị trường tết.

“Dẫu biết rằng thời điểm thu hoạch phụ thuộc vào từng loại cây, thời tiết…, nhưng thấy nông dân ở Thăng Bình, Đại Lộc kiếm nhiều tiền vào mùa tết, mà mình lại không có thu nhập, tôi cũng chạnh lòng” - bà Trần Thị Quán (nông dân thôn Bảo An) cho hay.

Được biết, một sào rưỡi ớt của bà Quán bán ra được 16 triệu đồng, trừ chi phí thì thu lời một nửa. Số tiền này bà dùng để chi tiêu trong năm, đến tháng Chạp túi tiền của bà đã sạch nhẵn. “Mấy năm nay rồi, dịp tết tôi chỉ mua vài cái bánh để thờ, dĩa mứt và ít bánh kẹo cho mấy đứa cháu, còn lại không sắm sửa gì thêm” - bà Quán bộc bạch.

 

Bà Nguyễn Thị Hiệp (thôn Bảo An) cũng đang tất tả nắng mưa với 3 sào bắp của mình. Bà Hiệp cho biết mỗi mùa thu được 1,5 tấn bắp, bà dùng làm thức ăn cho bò, sau hai năm thì bò xuất chuồng, thu lãi được vài chục triệu tính cả bắp lẫn bò.

Khi được hỏi về việc có sắm sửa cho gia đình mùa tết không, bà nói: “Tiền bãi bắp với mấy con bò cũng vừa đủ chi phí sinh hoạt cho cả nhà thôi, quanh năm suốt tháng chẳng mua sắm chi hết, tới tết chỉ mua vài ba đòn bánh tét, vài ký hạt dưa với thùng bia để mời khách, rứa là xong rồi đó”.

Theo ghi nhận, giá phân bón liên tục tăng trong những tháng cuối năm khiến nông dân như ngồi trên đống lửa. Trước đây một bao phân 50kg có giá khoảng 390 nghìn đồng, bây giờ “phi mã” hơn 800 nghìn đồng. Vì không đủ tiền nên nông dân chọn cách mua nợ với giá đắt hơn vài chục nghìn một bao, dự định thu hoạch xong sẽ thanh toán.

Đi dọc con đường đất, chúng tôi nhận thấy hầu hết nông dân canh tác trên bãi biền là phụ nữ. Gặng hỏi bà Quán, mới biết rằng số đông đàn ông đã giã từ bãi biền, bởi số tiền kiếm được từ trái bắp, quả ớt quá thấp, họ đã chọn những công việc có thu nhập cao hơn như phụ hồ, sơn nước với tiền lương hơn 300 nghìn đồng một ngày. Nam giới trụ lại với mảnh đất phì nhiêu này có chăng là người lao động thời vụ hoặc người sức khỏe yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Điện Quang chật vật trước tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO