Nông dân mạnh dạn đầu tư vườn cây ăn quả

MỸ LINH 16/12/2022 09:14

(QNO) - Mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân xứ Quảng đang tạo ra hướng đi mới cho kinh tế vườn.

Mô hình trồng na của anh Nguyễn Văn Minh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: M.L
Mô hình trồng na của anh Nguyễn Văn Minh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: M.L

Trồng na trên vườn đồi

Trên gò đồi tại xã Tam Đại (Phú Ninh), anh Nguyễn Văn Minh chọn hướng phát triển kinh tế với cây na và bước đầu thành công với mô hình này. Anh Minh cho biết, trước đây, vườn đồi của gia đình chủ yếu trồng keo, tuy nhiên anh đã "bén duyên" với cây na sau một lần đi du lịch tại Đà Lạt.

“Nhìn những quả na to mọng, vị ngọt thanh, tôi quyết định thử thách với loại cây mới này. Tôi tìm đến chủ vườn na để học hỏi kinh nghiệm và đặt giống cây về trồng. Chọn một loại cây chưa được trồng ở Quảng Nam thực sự là một sự liều lĩnh và thử thách đối với tôi, tuy vậy, tôi vẫn tin mình làm được” - anh Minh chia sẻ.

Một quả na khi thu hoạch có trọng lượng từ 5-7 lạng. Ảnh: M.L
Một quả na khi thu hoạch có trọng lượng từ 500 - 700gam. Ảnh: M.L

Đầu năm 2020, anh bắt tay cải tạo mảnh vườn hơn 3.000m2, xây bể chứa nước và đặt mua 250 cây na giống từ Đà Lạt về trồng. Tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng, anh trồng và chăm sóc vườn na xanh tốt.

“Tôi khá bất ngờ khi cây na hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại vùng đất này, cây sinh trưởng tốt, nhanh chóng cho hoa, quả ngay từ vụ đầu tiên. Những quả na chín mọng đạt kích thước từ 5-7 lạng/quả, có vị ngọt đậm đà không khác gì so với loại na trồng tại Đà Lạt” - anh Minh nói.

Sự táo bạo của anh Minh đã mang lại kết quả như mong đợi. Trong 2 năm 2020 -  2021, vườn na phát triển rất tốt, cho quả 2 đợt/năm với mỗi cây từ 4-5kg. Với mức giá bán sỉ cho thương lái khoảng 50 nghìn đồng/kg, mỗi đợt anh thu khoảng 50 triệu đồng.

Đợt bão vừa qua khiến vườn na bị hư hại nhiều, anh Minh đang cố gắng khôi phục lại vườn. Ảnh: M.L
Anh Minh đang khôi phục lại vườn sau đợt bão vừa qua . Ảnh: M.L

Quả na được trồng ít ỏi tại Quảng Nam nên mọi người rất chuộng, vườn không đủ để cung cấp. Đợt bão vừa qua đã làm vườn na gần 3 năm tuổi bị hư hại nhiều khi có một số cây bị chết, một số cây có quả bị nấm, thối, không đậu quả, cây đổ ngã, bị mất sức... khiến anh Minh gặp nhiều khó khăn. Vụ na bán tết năm nay đã không như kỳ vọng.

Anh Minh dành nhiều thời gian chăm sóc vườn na. Ảnh: M.L
Anh Minh dành nhiều thời gian chăm sóc vườn na. Ảnh: M.L

Thất bại, anh vẫn quyết tâm khôi phục vườn na và chọn hướng đi lâu dài với loài cây này. Anh Minh cho biết, cây na có tuổi thọ khoảng 20 năm, là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được chăm sóc tốt.

“Cây na không khó trong kỹ thuật chăm sóc, tuy nhiên vào mùa khô rất cần nước. Tôi nghiên cứu đủ cách để đảm bảo được nguồn nước cho cây na trong quá trình sinh trưởng, tuy vậy vẫn không hiệu quả khi nước không tưới được đều quanh gốc. Hiện tại tôi đang rất cần một hệ thống tưới nước tiết kiệm với vòi mini đảm bảo cây đủ nước thì mới phát triển tốt được” - anh Minh nói.

Năm 2022, vườn na của anh Minh là một trong 3 khu vườn của xã Tam Đại được thẩm định đủ điều kiện hưởng lợi cơ chế chính sách theo Nghị quyết 35 về phát triển kinh tế vườn, trang trại.

[VIDEO] - Vườn na của nông dân Nguyễn Văn Minh:

Phát triển vườn cây ăn quả

Tại xã Quế Phong (Quế Sơn) vườn cây ăn quả rộng hơn 2ha của gia đình chị Nguyễn Thị Lan có nhiều triển vọng kinh tế. Các loại cây như bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng dù mới trồng nhưng sinh trưởng khá tốt. Riêng bưởi da xanh đã cho quả lứa đầu tiên.

Cạnh đó,  chị Lan còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như ổi, đậu phộng, sắn, sả... Năm vừa qua, chị thu hơn 180 lít dầu phộng được trồng xen canh trong vườn cây ăn quả. Dây đậu phộng được phơi khô ủ vào gốc cây, bánh dầu được ủ để bón cây nên vườn cây vươn lên xanh tốt.

Vườn ổi rộng hơn 200m2 của chị Nguyễn Thị Lan đang phát triển tốt. Ảnh: M.L
Vườn ổi rộng hơn 200m2 của chị Nguyễn Thị Lan đang phát triển tốt. Ảnh: M.L

Hiện vườn ổi rộng hơn 200m2 được trồng theo phương pháp ở miền Tây, ngay hàng thẳng lối, được ngăn bằng các rãnh nước, bón phân hữu cơ nên quả giòn, ngọt rất đặc trưng. Đến nay, chị Lan đã thu hoạch được 3 đợt từ vườn ổi của mình.

Để chăm sóc vườn cây lâu dài, chị Lan đầu tư bể chứa nước và hệ thống vòi tưới tiết kiệm trên diện tích 2ha để tưới cho tất cả cây trồng trong vườn.

“Việc đầu tư hệ thống nước khá tốn kém, nhưng về lâu dài thì sẽ đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, không sợ thiếu hụt nước vào mùa khô. Tôi sẽ xây dựng vườn cây ăn quả này thành một điểm đến du lịch sinh thái trong tương lai” - chị Lan chia sẻ.

Chị Lan đang phát quang cây dại, chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: M.L
Chị Lan đang phát quang cây dại, chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: M.L

Vợ chồng chị Lan sau nhiều năm lập nghiệp ở miền Nam đã quyết định quay về quê phát triển trồng trọt. Chị bộc bạch, nhiều người bảo vợ chồng chị “khùng” khi đang có công việc ổn định, lại về làm nông, công việc mà bà con ở quê đang dần rời xa.

“Tôi nghĩ quê mình còn nghèo, dù điều kiện đất đai có nhưng không dám chọn hướng phát triển kinh tế ngoài cây lúa, cây đậu. Tôi mong muốn mô hình của mình sẽ sớm cho kết quả để tạo động lực cho người dân tin tưởng và mạnh dạn phát triển kinh tế vườn, rừng” - chị Lan nói.

Năm 2022, mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Lan được xem xét hưởng lợi cơ chế theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn. Đây là động lực để mô hình vườn cây ăn quả của chị đầu tư bài bản và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân mạnh dạn đầu tư vườn cây ăn quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO