Phát triển sản phẩm chè dây tại Đông Giang

TRIÊU NHAN 21/10/2020 14:17

Việc nhân giống chè dây Ra Zéh, cung ứng cho người dân trồng nhân rộng, tạo vùng nguyên liệu bền vững gắn với chế biến là thành công từ đề tài "Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm chè dây (Ra Zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang", do TS.Nguyễn Hồ Lam (Trường Đại học Nông lâm Huế) triển khai. 

Cây chè dây huyện Đông Giang. Ảnh: T.N
Cây chè dây huyện Đông Giang. Ảnh: T.N
Vùng nguyên liệu bền vững

Giai đoạn 2018 - 2020, TS.Nguyễn Hồ Lam và cộng sự đã đánh giá thực trạng vùng nguyên liệu chè dây Ra Zéh tại xã Tư và một số vùng của huyện Đông Giang, triển khai nhiều mô hình thực nghiệm nhân giống chè dây bằng phương pháp hữu tính (gieo hạt) và phương pháp vô tính (giâm hom). Đề tài cũng áp dụng phương thức nuôi cấy in vitro cây chè dây tạo cây giống sạch bệnh, có hệ số nhân giống cao. Cây con tạo ra từ phương pháp truyền thống và từ nuôi cấy invitro được đưa ra vườn ươm, đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển thực tiễn để có cơ sở khuyến cáo. Đề tài cũng xây dựng các mô hình trồng chè dây tạo vùng nguyên liệu, cung cấp giống chuẩn cho một số hộ dân xã Tư trồng để giảm nghèo.  

Được biết, chè dây thu hoạch sau thời gian sinh trưởng 10 - 12 tháng, thu hoạch 6 - 8 lần trong năm, năng suất 4 - 5 tấn khô/ha. Lâu nay, đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang thu hoạch, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, truyền thống. Gần đây, lượng tiêu thụ trên thị trường rất khá, giá dao động từ 100 - 140 nghìn đồng/kg chè khô. Chè dây được trồng tại xã Tư khoảng 3 - 4 năm gần đây, toàn xã có hơn 300 hộ trồng.

TS.Lam chia sẻ, theo "Đề án phát triển cây chè dây trên địa bàn xã Tư, giai đoạn 2013 - 2020", tổng diện tích ước đạt 190ha (trồng mới 50ha, khoanh nuôi 140ha), sản lượng hơn 1,1 tấn chè tươi, tương ứng 380 tấn chè khô, tổng giá trị ước đạt 38 tỷ đồng. Đề án đặt ra mục tiêu 100% hộ trồng, thu hái chè dây được tiếp cận các dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ thuận lợi.

"Tuy nhiên, đa số hộ trồng dưới dạng vườn tạp, rất ít hộ trồng chè dây thương phẩm. Chưa có quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất chè dây thương phẩm, kênh tiêu thụ bao tiêu sản phẩm chưa phát triển. Việc tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến, đa dạng sản phẩm là vô cùng quan trọng, giúp đồng bào có sinh kế thoát nghèo bền vững" - TS.Lam nhận xét. 

Nhóm nghiên cứu phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Tư và UBND xã Tư khảo sát vị trí, xây dựng xưởng chế biến sản phẩm chè dây, sản phẩm đóng gói trong bao bì PE. Đề tài đã bàn giao các quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản chè dây, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các quy trình kỹ thuật chế biến chè dây tươi và khô đến địa phương, HTX và người dân. HTX Nông nghiệp xã Tư và UBND xã đã hỗ trợ vị trí xây dựng vườn ươm hơn 1.000m2 để cung ứng giống. Một số hộ dân nòng cốt được bàn giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất chè dây thương phẩm và chế biến chè khô...  

Cần chú trọng yếu tố dược liệu

Về những ý kiến đóng góp cho đề tài, theo Th.S Bùi Ngọc Huy - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, cần làm rõ hàm lượng dược liệu, các hoạt tính có trong sản phẩm chè dây đối với sức khỏe con người. Nên lấy mẫu chè dây có đọt tím hay không tím để nhân giống. Cần làm rõ phương pháp gieo hạt hay giâm hom, nuôi cấy mô, phương pháp nào ưu việt hơn. Hay như, điều kiện sinh thái của cây chè dây, đó là thổ nhưỡng, độ ẩm, lượng mưa, lượng vi sinh, dược chất của chè dây. Cần có bảng điều kiện sinh thái tổng hợp, mô hình trồng cho hiệu quả cao nhất, về năng suất, dược tính...

Còn ông Lê Duy Trường - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư cho rằng, đề tài đã hỗ trợ tạo nguồn giống tốt, giúp người dân nắm được kỹ thuật trồng chè dây, đánh giá hàm lượng dược tính trong cây chè dây xã Tư so với các nơi khác. HTX mong muốn có thêm những nghiên cứu mới và bản thân HTX đang thử nghiệm nghiên cứu cho lên tuyết và không cho lên tuyết trong chè khô, nhằm đa dạng cho sản phẩm, đánh giá độ thơm ngon. "Hiện năng lực chế biến của HTX là 1,5 tạ/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX cần đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất. HTX đang hướng tới việc đầu tư thêm một số máy móc, dây chuyền sản xuất với tổng kinh phí 400 triệu đồng" - ông Trường chia sẻ.  

TS.Hồ Châu Tuấn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học (Sở KH-CN) nhìn nhận, đề tài có ý nghĩa rất lớn đối với thực tiễn sản xuất của người Cơ Tu, huyện Đông Giang, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Thành công về mặt thực tiễn đã rõ, song cần hoàn thiện các quy trình công nghệ nhân giống, quy trình trồng trọt, thu hái và chế biến sâu, tạo đà nhân rộng và phát triển bền vững. Th.S Phan Hùng Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam góp ý, cần làm rõ yếu tố tuyết chè trong sản phẩm chè khô và tuyết chè này tạo ra hương vị đặc trưng gì. Đâu là sự khác biệt của chè dây xã Tư so với các sản phẩm chè dây ở các nơi khác...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển sản phẩm chè dây tại Đông Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO