Quế Sơn tạo cú hích cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại

NGUYỄN SỰ 22/07/2022 07:38

Quế Sơn đang triển khai đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi.

Những năm gần đây, người dân Quế Sơn mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi giống bò ngoại 3B thương phẩm với quy mô lớn. Ảnh: PV
Những năm gần đây, người dân Quế Sơn mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi giống bò ngoại 3B thương phẩm với quy mô lớn. Ảnh: PV

Nhiều rào cản

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn chia sẻ, kinh tế vườn - kinh tế trang trại (KTV-KTTT) là một trong những thế mạnh để địa phương phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch sinh thái.

“Từ năm 2008 đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2008 - 2016, dưới tác động của nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, người dân có điều kiện đầu tư cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi - vườn rừng và xây dựng nhiều mô hình trang trại cho giá trị cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo” - ông Châu nói.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025 Quế Sơn tập trung hỗ trợ hơn 200 vườn với diện tích hơn 50ha để cải tạo, phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế cao.

Hỗ trợ phát triển, phấn đấu nâng tổng số trang trại trên toàn huyện lên khoảng 15 mô hình đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ NN&PTNT. Phấn đấu đưa tỷ trọng về giá trị KTV-KTTT đạt ít nhất 25% trong tổng thu nhập của hộ gia đình nông dân.

Phấn đấu có khoảng 15% sản phẩm nông sản từ vườn - trang trại được truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp sạch; có 10 sản phẩm từ KTV-KTTT tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên...

Ông Nguyễn Kim Vân - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, toàn huyện có 6.644 khu vườn với tổng diện tích 470ha, trong đó vườn nhà 300ha và vườn đồi 170ha, chủ yếu trồng các loại cây ăn quả phổ biến như cam, chanh, bưởi da xanh, quýt, chuối, mít và cây gia vị là tiêu; một số ít trồng cây dược liệu như ba kích, đinh lăng...

Về KTTT, trên địa bàn huyện có 22 mô hình, chủ yếu chăn nuôi heo thịt, gà thương phẩm kết hợp trồng các loại cây như bưởi da xanh, tiêu, chuối, măng tây xanh. Ngoài ra, toàn huyện còn có 20 mô hình kinh tế gia trại với quy mô vừa.

Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn nhìn nhận, phát triển KTV - KTTT ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu thuê đất để đầu tư dự án trang trại thì khó tiếp cận quỹ đất sạch do hồ sơ thủ tục phức tạp, vướng mắc về quyền sử dụng, quy hoạch.

Mặt khác, hầu hết đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên chi phí bồi thường đất và cây trồng trên đất cao; trong khi đó việc chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất khác là thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh... Những nguyên nhân trên khiến nhiều dự án đầu tư phát triển trang trại nông nghiệp trên địa bàn chậm tiến độ.

Nhiều mô hình kinh tế vườn ở Quế Sơn cho giá trị tương đối cao, góp phần giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: PV
Nhiều mô hình kinh tế vườn ở Quế Sơn cho giá trị tương đối cao, góp phần giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: PV

Về phía người dân, phát triển KTTT gặp khó ở việc phần lớn là đất gò đồi, bạc màu, tầng canh tác thấp nên các loại cây trồng đưa vào sản xuất cho năng suất và chất lượng không cao.

Chất lượng giống cây trồng, con vật nuôi chưa đảm bảo và khả năng đầu tư của nông dân còn hạn chế nên chất lượng đầu ra của sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển KTTT khá lớn nhưng vốn tự có của nông dân không nhiều, việc giải quyết cho vay vốn của các ngân hàng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân đã hạn chế rất lớn đến việc phát triển về số lượng, quy mô, loại hình KTTT.

Tạo “cú hích mạnh”

Từ những khó khăn đã được nhìn nhận, để tạo bước đột phá mới, UBND huyện Quế Sơn đã xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành đề án phát triển KTV-KTTT giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, giải pháp khả thi. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 71,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 36,3 tỷ đồng và vốn lồng ghép, đối ứng của người dân hơn 35,1 tỷ đồng.

“Đề án này có nhiều cơ chế hỗ trợ thông thoáng cho các chủ vườn, trang trại. Trong đó, đáng chú ý là hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ cải tạo và chỉnh trang vườn - trang trại, giống và các loại vật tư phân bón, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất...” - Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết.

Sớm đưa chính sách vào đời sống, giúp người dân phát triển kinh tế, ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn nhấn mạnh, thời gian tới huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển KTV-KTTT nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng ở từng vùng, địa phương. Trong đó, chú trọng quy hoạch, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đồng thời tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chủ vườn trong công tác quy hoạch, thiết kế, cải tạo vườn. Cùng với đó, tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng quản lý sử dụng đất, có các biện pháp quản lý tốt quỹ đất để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ vườn, trang trại phát triển sản xuất theo quy hoạch.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ vườn có nguyện vọng và khả năng đầu tư vốn phát triển trang trại, những cơ sở sản xuất giống cây… được ưu tiên cho thuê đất để thực hiện dự án.

Rà soát hiện trạng hạ tầng sản xuất tại các địa phương, bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện sản xuất, nhất là những khu vực quy hoạch phát triển trang trại, cũng là một trong những giải pháp Quế Sơn ưu tiên thực hiện. Đặc biệt, địa phương chú trọng khâu chế biến, chế biến sâu nông sản nhằm tạo ra các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở địa phương để tham gia chương trình OCOP.

“Huyện sẽ nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp quy mô lớn. Tích cực hỗ trợ liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân, chủ trang trại với các hợp tác xã và doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại và tăng cường thông tin dự báo về thị trường tiêu thụ nông sản nhằm giúp các chủ vườn, trang trại định hướng sản xuất...” - ông Tánh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn tạo cú hích cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO