Sản xuất giống ba kích tím Tây Giang bằng phương pháp nuôi cấy mô

HOÀNG LIÊN 25/03/2022 11:12

Đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cây ba kích tím Tây Giang bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm tại một số vùng ở tỉnh Quảng Nam” do PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh (Trường Cao đẳng Quảng Nam) làm chủ nhiệm, đã góp phần giải quyết bài toán về nguồn giống cây dược liệu, mở ra triển vọng phát triển cây ba kích hàng hóa.

Cây ba kích tím sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Tây Giang. Ảnh: T.N
Cây ba kích tím sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Tây Giang. Ảnh: T.N

Tạo giống

PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh và cộng sự đã tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng cây ba kích tím có trong tự nhiên tại huyện Tây Giang; triển khai biện pháp nuôi cây mô (NCM) cây ba kích tím, huấn luyện cây con NCM trong giai đoạn vườn ươm, khảo sát điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng, xác định các hợp chất có hoạt tính sinh học chính trong rễ cây ba kích tím.

PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh cho biết, ban chủ nhiệm đề tài đã nhân giống và hoàn thiện quy trình sản xuất cây ba kích tím Tây Giang, bao gồm các giai đoạn: khử trùng mẫu, nhân chồi, tạo bộ rễ cho cây con trên mẫu vật đoạn thân có mắt lá của cây ba kích tím ngoài tự nhiên dùng làm nguyên liệu NCM. Nhóm nghiên cứu cũng đã huấn luyện được cây con NCM trong giai đoạn vườn ươm tại xã Lăng, huyện Tây Giang.

Qua các công thức đối chứng, thực nghiệm huấn luyện cây con khác nhau, nhóm nghiên cứu đã tìm được cơ chất phù hợp nhất để cây ba kích tím NCM sinh trưởng và phát triển tốt gồm: đất, xơ dừa, trấu hun; bổ sung phân NPK 2g/lít/m2; che sáng 50%, tưới nước 1 lần/ngày (3 lít/m2).

Sau 1,5 tháng ươm trồng, cây giống ba kích tím đạt tiêu chuẩn xuất vườn, cây cao khoảng 10 - 12cm, có 12 - 14 lá. Ban chủ nhiệm cũng xây dựng 3 mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích tím NCM tại 3 vùng gồm: xã Lăng (Tây Giang), huyện Đông Giang và Phú Ninh để đánh giá thực tiễn.

Quy trình trồng ba kích NTM là hố trồng có kích thước 40x40x40, mật độ trồng phù hợp từ 4.000 - 5.000 cây/ha. Cây cần tưới nước buổi sáng, có thể bón thêm phân NPK, bón lót quanh hố cây. Ở khu vực xã Lăng có thể bón thêm phân hữu cơ vi sinh với hàm lượng 0,3 - 0,5kg/cây.

PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh cho biết, cây ba kích tím NCM sau 24 tháng trồng thử nghiệm với 2 mô hình là trồng thuần và trồng dưới tán cây (có mô hình đối chứng là ba kích giâm hom) tại khu vực Tây Giang có tỷ lệ sống cao nhất, từ 78 - 80%. Cây NCM ở kiểu trồng thuần và trồng dưới tán cây đều có tỷ lệ sống cao nhất với 80%.

Theo PGS-TS.Vũ Thị Phương Anh, hiện nay thị trường cần nguồn giống cây ba kích có chất lượng, có phẩm chất di truyền tốt phục vụ trồng rừng đại trà nên giải pháp NCM tế bào là hướng đi cần thiết. NCM có nhiều ưu điểm, có sức trẻ hóa cao, cây con mang được toàn bộ tiềm năng di truyền quý của bố mẹ.

Cây con được tạo ra từ công nghệ NCM tế bào sẽ khắc phục được những nhược điểm của việc tạo cây con từ hạt và giâm hom, giúp bảo tồn nguồn gen. Phương pháp này cung cấp giải pháp tốt để sản xuất cây ba kích tím, sạch bệnh, chất lượng cao trên quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất dược liệu của người dân. Nhóm nghiên cứu đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại... trên cây ba kích NCM cho người dân địa phương.

Nhân giống hiệu quả

Theo Th.S.Phạm Đình Thành (Sở NN&PTNT), ba kích là loại dược liệu có giá trị, phân bố rải rác trong tự nhiên, chủ yếu ở Tây Giang và rải rác ở xã Phước Kim (Phước Sơn). Trên địa bàn tỉnh đã có mô hình bảo tồn chủ động giống ba kích tím tại xã Lăng (Tây Giang), thị trấn P’rao (Đông Giang) và vườn ở Tr’Hy (Tây Giang), đã có kết quả sau 2 năm.

Cây ba kích tím sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Tây Giang. Ảnh: T.N
Cây ba kích tím sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Tây Giang. Ảnh: T.N

Đề tài NCM cây ba kích lần này tạo sự chuẩn hóa nguồn giống, nâng tỷ lệ sống của cây con trong giai đoạn vườn ươm. Tỷ lệ sống từ cây ba kích NCM cao so với giâm hom (trên 90%) và sau 24 tháng trồng, tỷ lệ sống còn 70%, cần tiếp tục làm rõ, đánh giá thêm từ thực tiễn làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho sản xuất.

Cần nỗ lực di thực cây ba kích xuống đai thấp, ví như có thể mở rộng trồng ở một số vùng của huyện Phú Ninh. Từ thành công của giải pháp này, có thể mở rộng nhân giống in-vitro đối với một số cây dược liệu khác như cây giảo cổ lam, lan kim tuyến, cây sâm 7 lá 1 hoa...

Cần tiếp tục có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về NCM, nâng cao tỷ lệ nhân giống, chuẩn hóa quy trình sản xuất giống, chuyển giao công nghệ, tạo nguồn giống với số lượng lớn phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã.

Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, giá thể huấn luyện cây con sau nhân giống in-vitro cần đề cập rõ, nên chọn loại giá thể nào phù hợp để làm cơ sở khuyến cáo cụ thể. Phương pháp đánh giá khả năng sinh trưởng của cây NCM, tiếp tục đánh giá tỷ lệ cây ra củ, số lượng củ và khối lượng củ. Cần xây dựng một sơ đồ tổng thể nhân giống NCM chung để làm cơ sở khuyến cáo về sau...

Ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc Công ty Thiên Bình (Tây Giang) chia sẻ, ba kích tím Tây Giang hiện có giá khoảng 500 nghìn đồng/kg củ tươi trồng 3 - 5 năm tuổi. Cây trồng từ 6 năm tuổi trở lên có giá 800 nghìn đồng/kg.

Giá cây ba kích tươi được bán ở Quảng Ninh khoảng 200 nghìn đồng/kg, ba kích Trung Quốc là 150 nghìn đồng/kg tươi, điều đó cho thấy cây ba kích Tây Giang rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán rất cao. Cây ba kích tím Tây Giang đã di thực thành công đến Quảng Ninh, nếu được chăm sóc, tưới nước, thâm canh hợp lý, mỗi cây ba kích có thể cho đến 5kg củ tươi.

“Ba kích NCM rất thành công, tỷ lệ cây sống rất cao, nếu trước chỉ đạt 50% thì nay đã lên tới 100%. Đây là nghiên cứu thực tế, giàu tính ứng dụng, tính đột phá. Không riêng ba kích, các cây dược liệu khác nếu đầu tư tốt khâu nhân giống chuẩn, đảm bảo nước tưới và trồng thâm canh hợp lý, hiệu quả rất cao.

Hiện không thiếu nguồn giống để phát triển cây dược liệu khi năng lực sản xuất giống ba kích được nâng cao. Với cây ba kích NCM sau khi trồng, nếu có chế độ chăm sóc, trồng thâm canh hợp lý như đầu tư tưới nước, bón thêm phân vi sinh thì cây sẽ phát triển rất tốt, cho củ to, năng suất rất cao” - ông Hiển chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất giống ba kích tím Tây Giang bằng phương pháp nuôi cấy mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO