Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

VĨNH LỘC 17/02/2022 05:45

Điện Bàn chuẩn bị tiền đề để mở hướng đi mới trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả hơn trong những năm tới.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ là hướng đi mới của Điện Bàn trong những năm tới. Ảnh: V.L
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ là hướng đi mới của Điện Bàn trong những năm tới. Ảnh: V.L

Một trong những nội dung đáng chú ý, dự kiến ngày 24.2, HĐND thị xã Điện Bàn sẽ thông qua Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đa dạng mô hình sản xuất 

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vườn mai cảnh ông Trương Văn Trúc (khối phố 5, phường Điện Nam Trung, Điện Bàn) thu về gần 500 triệu đồng từ việc cho thuê mai chưng ngày tết.

Ông Trúc chia sẻ, vườn ông có 70 chậu mai cảnh, nhiều cây có tuổi đời trên 100 năm, thu nhập từ vườn mai đã giúp kinh tế gia đình khấm khá. “Nghề này cũng nhẹ nhàng, chi phí thấp, chỉ cần chăm sóc đúng cách, thời tiết thuận lợi là có thu nhập ổn định” - ông Trúc nói.

Theo Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Thị ủy Điện Bàn, để thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị Điện Bàn, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, huy động sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, nhất là liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ và tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tiến tới hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Những năm gần đây Điện Bàn xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung với các loại cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, toàn thị xã có 62 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT, đa phần hoạt động khép kín kết hợp chăn nuôi. Trong đó, mô hình trang trại chăn nuôi heo liên kết với doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sắp được thị xã thông qua.

Trong đó, đã xác lập phân vùng phát triển nông nghiệp theo 2 khu vực gồm phát triển nông nghiệp nội thị và phát triển nông nghiệp ngoại thị. Phát triển nông nghiệp nội thị sẽ gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, củ quả; tập trung phát triển các mô hình hoa cây cảnh (mai xuân, quật, hoa cúc, hoa lan, nấm...); chăn nuôi phát triển các mô hình có giá trị kinh tế cao, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với khu vực nông nghiệp ngoại thị, tập trung triển khai các cánh đồng chuyên canh trên cây rau màu các loại đã được quy hoạch, có quy mô lớn. Liên doanh, liên kết triển khai sản xuất lúa giống, lúa chất lượng theo quy mô cánh đồng lớn (diện tích 956ha), sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với thương hiệu sản phẩm và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Đặc biệt, quy hoạch 30 cụm chăn nuôi tập trung (tổng diện tích 101,5ha), hình thành các trang trại, gia trại theo quy mô cụm…

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ là hướng đi mới của Điện Bàn trong những năm tới.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa sẽ là hướng đi mới của Điện Bàn trong những năm tới.

Nâng cao giá trị hàng hóa

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, mô hình trang trại, vùng sản xuất đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình hiện nay và những năm tới. Bên cạnh đó, các trang trại, mô hình chăn nuôi bò tập trung cũng xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là vùng Gò Nổi.

Tại xã Điện Quang, chỉ riêng 2 thôn Bến Đền và Phú Tây đã có gần 300 hộ dân chăn nuôi bò tập trung với hơn 1.000 con (trong tổng số gần 4.300 con bò của xã). Gần đây, xã cũng tiến hành quy hoạch các vùng nguyên liệu lớn như trồng đậu phụng tại thôn Phú Đông (10ha), dâu tại thôn Bến Đền (5ha), từng hước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa.

“Những năm tới thị xã sẽ tập trung khai thác, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp thế mạnh như gạo hữu cơ Phong Thử, lúa giống vùng tây Điện Bàn, rau an toàn bãi bồi Khúc Lũy (Điện Minh), dầu phụng Đất Quảng (Điện Quang), heo CP vùng đông, nước mắm Hà Quảng (Điện Dương)…; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng các mô hình phát triển tập trung bền vững, ổn định” - ông Chơi cho hay.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc sản xuất nông nghiệp hiện nay phải theo hướng thị trường, đáp ứng yêu cầu thị trường, Nhà nước không can thiệp mà chỉ hỗ trợ những điều kiện cần và đủ như đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông, kênh mương; hỗ trợ hình thành các trang trại, trong đó ưu tiên xây dựng các hệ thống trang trại nuôi bò 3B; khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch dịch vụ.

Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp tại một số vùng trọng điểm là Gò Nổi, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng... Ngoài ra, một số điểm nơi đây cũng sẽ được quy hoạch theo mô hình nông thôn kiểu mẫu gắn với du lịch. Riêng vùng Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng được định hướng phát triển cây giống, sản xuất lúa quy mô theo hướng hàng hóa, qua đó nâng cao chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Điện Bàn hiện nay và những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO