Sớm tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại

MỸ LINH 05/12/2022 19:28

(QNO) - Nghị quyết 35 quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 tạo đòn bẫy phát triển thế mạnh của ngành nông nghiệp và thu hút sự quan tâm đầu tư của các địa phương. Chính sách về KTV, KTTT đã ban hành, song quá trình triển khai phát sinh nhiều vương mắc, cần được tháo gỡ. 

Vườn cây ăn quả rộng hơn 1ha được gia đình chị Nguyễn Thị Thu (Hiệp Đức) trồng và chăm sóc từ đầu năm nay. Ảnh: L.Q
Vườn cây ăn quả rộng hơn 1ha được gia đình chị Nguyễn Thị Thu (Hiệp Đức) trồng và chăm sóc từ đầu năm nay. Ảnh: L.Q

Quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ

Theo quy định của Nghị quyết 35, điều kiện để được hỗ trợ là chủ vườn, chủ trang trại phải có hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trên quy mô diện tích tối thiểu của vườn từ 1.000m2 trở lên và trang trại phải đạt tiêu chí theo quy định, trồng các loại cây hàng năm (rau củ quả các loại, hoa, cây dược liệu ngắn ngày); các loại cây lâu năm (cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu dài ngày) được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo sản xuất.

Cùng với đó, chủ vườn, trang trại phải có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong quy hoạch vùng huyện và Đề án phát triển KTV, KTTT của các huyện, thị xã, thành phố. Đất sản xuất phải đảm bảo sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp, không vi phạm quy định pháp luật về đất đai và được UBND cấp xã xác nhận.

Để triển khai Nghị quyết 35, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3361 (ngày 17/11/2021) cụ thể hóa các nội dung, hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán để người dân chuẩn bị khi tham gia hưởng lợi từ nghị quyết.

 

Các ngành chức năng vào cuộc

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp, các ngành liên quan và các địa phương đã nỗ lực đưa nghị quyết vào đời sống. Tuy nhiên, qua một năm triển khai xảy ra vướng mắc, khó khăn tại địa phương.

Một số khó khăn như tìm cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện khoan giếng đảm bảo theo quy định; xây dựng, thẩm định các bản vẽ, hồ sơ thiết kế cải tạo mặt bằng và các công trình hạ tầng liên quan phục vụ sản xuất của vườn, trang trại; hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ,...

Sử dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm bằng vòi mini giúp vườn cây phát triển tốt. Ảnh: M.L
Sử dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm bằng vòi mini giúp vườn cây phát triển tốt. Ảnh: M.L

Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, theo quy định tại Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Thông tư số 75 (ngày 29/12/2017) của Bộ TN-MT thì việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện.

Ngoài ra, theo Thông tư số 40 (ngày 11/7/2014) của Bộ TN-MT quy định chủ giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quyền hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất trên phạm vi cả nước theo yêu cầu của khách hàng.

“Việc hỗ trợ cho chủ vườn, trang trại xây dựng các công trình cấp nước theo Nghị quyết 35 là rất cần thiết, tuy nhiên việc hỗ trợ cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, tránh xảy ra tình trạng khoan giếng trái phép gây ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước dưới đất ở nhiều nơi. Do vậy, các chủ vườn, trang trại có thể liên hệ với các đơn vị có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất để thực hiện” - ông Toàn nói.

Liên quan đến xây dựng, thẩm định các bản vẽ, hồ sơ thiết kế cải tạo mặt bằng và các công trình hạ tầng liên quan phục vụ sản xuất của vườn, trang trại, Sở Xây dựng cũng có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, đối với việc thiết kế, cải tạo mặt bằng xây dựng, đối với các công trình, dự án vườn, trang trại theo Nghị quyết 35 không thuộc diện phải lập quy hoạch xây dựng.

Về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình đối với dự án phát triển kinh tế vườn không có xây dựng công trình trên đất thì chủ vườn được tự tổ chức lập bản vẽ bố trí mặt bằng thực hiện chỉnh trang, cải tạo vườn. Còn đối với dự án phát triển KTTT, chủ trang trại thuê đơn vị tư vấn có chức năng hành nghề thiết kế xây dựng để thiết kế trang trại và thực hiện các thủ tục liên quan về môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy theo quy định.

Về thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng trang trại, đối với dự án có xây dựng công trình cấp 4, chủ đầu tư được thuê tư vấn thẩm tra hồ sơ dự án làm cơ sở phê duyệt hồ sơ thiết kế xây dựng trang trại. Đối với dự án phát triển kinh tế trang trại có xây dựng công trình cấp 2, 3 thuộc danh mục công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng thì chủ trang trại lập thủ tục trình cơ quan chuyên môn về xây dựng cấp tỉnh (Sở NN&PTNT) thẩm định hồ sơ thiết kế trang trại.

Về thủ tục cấp phép xây dựng, dự án phát triển KTV, KTTT có xây dựng công trình cấp 4 thuộc khu vực không có quy hoạch xây dựng thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng. Đối với sự án phát triển KTTT có xây dựng công trình cấp 3 trở lên phải thực hiện theo thủ tục cấp phép xây dựng...

Người dân chủ động cải tạo vườn tạp để được tiếp cận cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 35. Ảnh: M.L
Người dân chủ động cải tạo vườn tạp để được tiếp cận cơ chế hỗ trợ của Nghị quyết 35. Ảnh: M.L

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh nói thêm: “Để Nghị quyết 35 được triển khai hiệu quả, thì các địa phương, các ngành liên quan sớm vào cuộc, định hướng cụ thể, hỗ trợ tích cực cho chủ vườn, trang trại hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan để sớm tiếp cận cơ chế hỗ trợ từ nghị quyết”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế hỗ trợ kinh tế vườn, kinh tế trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO