Thăng Bình mở rộng liên kết sản xuất lúa

MINH TÂN - HỒNG NĂM 08/12/2022 05:42

Sau khi thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, các HTX ở huyện Thăng Bình đã liên kết với các công ty giống để sản xuất lúa và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Nhờ liên kết sản xuất nên nhiều diện tích lúa ở Thăng Bình cho năng suất cao. Ảnh: T.N
Nhờ liên kết sản xuất nên nhiều diện tích lúa ở Thăng Bình cho năng suất cao. Ảnh: T.N

Vụ hè thu năm 2022, HTX Nông nghiệp Bình Hải (xã Bình Hải) liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên sản xuất 17ha giống lúa thuần TBR97 tại cánh đồng lớn (đã thực hiện tích tụ ruộng đất) ở thôn Hiệp Hưng.

Tham gia sản xuất 1ha giống lúa thuần TBR97 tại cánh đồng này, ông Nguyễn Đương (thôn Hiệp Hưng) cho biết, trước đây nông dân tự làm, mỗi người làm mỗi loại giống, khi thu hoạch có người trước, người sau nên rất khó áp dụng máy móc, nhất là máy gặt đập trên đồng ruộng.

Khi tham gia liên kết sản xuất với HTX và Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên thì việc làm lúa rất thuận lợi, được cán bộ của công ty hướng dẫn kỹ thuật từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, được sử dụng giống gốc để sạ nên năng suất cũng cao hơn. Khi thu hoạch thì bán lúa tươi, đỡ tốn công phơi và giá cũng cao hơn giá thị trường.

“Với 1ha lúa gia đình sản xuất ở vụ hè thu 2022 cho lãi hơn 18,7 triệu đồng, cao hơn 4,7 triệu đồng so với những diện tích không liên kết” - ông Nguyễn Đương nói.

Ông Trần Đăng Cảnh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hải cho biết, trước khi liên kết với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên, hai bên đã phối hợp khảo sát đồng ruộng, đánh giá các tiêu chí của đất ruộng, phù hợp với giống lúa nào thì mới ký hợp đồng liên kết sản xuất. Qua khảo sát cho thấy giống lúa thuần TBR97 tương đối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương và hai bên thống nhất chọn để sản xuất.

“Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất giống, nông dân được công ty hỗ trợ giống gốc, tập huấn kỹ thuật sản xuất nên năng suất lúa cao hơn, bình quân đạt hơn 75 tạ/ha, cá biệt có diện tích thâm canh tốt đạt gần 80tạ/ha và được công ty thu mua lại toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 20 - 25%; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân” - ông Trần Đăng Cảnh nói.

Huyện Thăng Bình bắt đầu thực hiện liên kết với các công ty giống để sản xuất lúa từ vụ đông xuân 2005 - 2006, với 20ha do HTX Nông nghiệp Bình Đào (xã Bình Đào) thực hiện. Đến nay có 7 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện liên kết với các công ty giống để sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với diện tích hơn 300ha.

Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, khi tham gia liên kết sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, bà con có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập nên nông dân rất phấn khởi.

Nông dân cũng không lo đầu ra và được thu mua lúa tươi tại ruộng nên lợi nhuận thu được từ những diện tích liên kết sản xuất sẽ cao hơn so với lúa thương phẩm trên cùng một diện tích canh tác.

“Trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp ở những năm tiếp theo, đặc biệt là sản xuất lúa giống, huyện khuyến khích nông dân tiếp tục duy trì và mở rộng liên kết để sản xuất lúa, phấn đấu đạt mục tiêu nâng cao năng suất và sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm trên địa bàn huyện” - ông Hồ Ngọc Quảng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình mở rộng liên kết sản xuất lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO