Tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế hợp tác

NGUYỄN SỰ 16/08/2019 07:55

Những năm qua, bên cạnh tích cực thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp vào đầu tư, Quảng Nam cũng ưu tiên nguồn lực tài chính cho các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) để có điều kiện phát triển sản xuất – kinh doanh, nhất là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.

Cần đơn giản hóa những thủ tục để các Hợp tác xã và Tổ hợp tác tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Ảnh: VĂN SỰ
Cần đơn giản hóa những thủ tục để các Hợp tác xã và Tổ hợp tác tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay ưu đãi nhằm có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Ảnh: VĂN SỰ

Khơi thông vốn vay

Ngày 20.5.2014, HTX Sản xuất – chế biến – tiêu thụ nấm Nhì Tây (Bình Lâm, Hiệp Đức) chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Bà Nguyễn Thị Minh Thủy – Giám đốc HTX cho biết, bình quân hằng năm đơn vị sản xuất, cung ứng ra thị trường không dưới 14 tấn nấm bào ngư thành phẩm và khoảng 240 – 360 nghìn bịch phôi nấm các loại. Doanh thu hằng năm của HTX đạt 1,8 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

“Do nhu cầu tiêu thụ các loại nấm trên thị trường ngày càng lớn nên HTX đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Vì nguồn tài chính khó khăn nên chúng tôi đã lập các thủ tục liên quan đề nghị Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho vay 500 triệu đồng vốn ưu đãi. Sau khi kiểm tra hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, vừa rồi quỹ đã giải ngân cho HTX trước 300 triệu đồng và sắp tới sẽ tiếp tục giải ngân 200 triệu đồng” – bà Thủy nói.

Ông Hồ Dậy – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, giai đoạn 2013 – 2018, Quảng Nam thành lập mới 135 HTX, 115 THT và giải thể 11 HTX hoạt động không hiệu quả. Theo thống kê, ngoài 2.417 THT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 329 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó, có 243 HTX nông nghiệp, 56 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 11 HTX vận tải, 3 quỹ tín dụng nhân dân, 16 HTX hoạt động trên các lĩnh vực khác và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp.

Ông Hồ Dậy cho hay, trước tình trạng phần lớn các HTX, THT thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, ngày 13.1.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 172/QĐ-UBND về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho biết, tổng vốn điều lệ của quỹ đến nay là hơn 78 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ ngân sách cấp ban đầu là 15 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp hàng năm (2013 – 2019) là 62 tỷ đồng và vốn bổ sung từ các hoạt động của quỹ là hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Ngộ, hằng năm quỹ xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch hỗ trợ vốn vay đầu tư, kế hoạch hỗ trợ vốn có hoàn lại vốn gốc trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, quỹ đã thực hiện hỗ trợ vốn cho 241 dự án (cho vay đầu tư 207 dự án, hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc 34 dự án) với tổng số tiền giải ngân là 99 tỷ đồng, chiếm 20% tổng nguồn vốn các HTX và THT huy động để đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Những năm qua toàn tỉnh có 54 HTX và 122 THT tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 86% tổng nguồn vốn cho vay của quỹ, chủ yếu là đầu tư phát triển chăn nuôi, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, xây dựng nhà kho, nhà xưởng... và các lĩnh vực khác (chiếm 14%) như mua sắm máy móc thiết bị, mua xe buýt, xe vận tải hàng hóa, xây dựng trụ sở.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ cho rằng, nguồn vốn quỹ hỗ trợ đầu tư trên 1 dự án cho các THT, HTX với số tiền lớn hơn nhiều lần và lãi suất thấp hơn, thời hạn cho vay dài hơn so với các tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn.

“Việc kiểm soát nguồn vốn vay được thực hiện thường xuyên thông qua việc thẩm tra - thẩm định tính hiệu quả của dự án trước khi cho vay, tổ chức giám sát độc lập của kiểm soát viên và giám sát của cơ quan điều hành, hội đồng quản lý quỹ cũng như Liên minh HTX tỉnh về việc sử dụng nguồn vốn vay, tiến độ đầu tư dự án... Qua giám sát cho thấy, hầu hết đơn vị vay vốn của quỹ đều sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ gốc, lãi vay kịp thời, đúng hạn” – ông Ngộ chia sẻ.

Cần sớm nghiên cứu bổ sung cơ chế về chính sách cho vay vốn

Theo ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động của quỹ từ trung ương đến địa phương. Sau khi có nghị định của Chính phủ, đề nghị các bộ ngành liên quan cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về hoạt động cho vay đầu tư, nhận ủy thác, ủy thác cho vay, bảo lãnh tín dụng, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ, về lãi suất cho vay, chế độ lương thưởng của cán bộ nhân viên quỹ, công tác kế toán tài chính của quỹ. Đối với Liên minh HTX Việt Nam, ông Ngộ đề xuất cần xây dựng hệ thống liên kết từ quỹ trung ương đến địa phương. Trong đó, quan trọng nhất là công tác đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, liên kết về vốn và thông tin kết nối trên toàn quốc... “Thời gian tới, HĐND và UBND tỉnh cần sớm nghiên cứu bổ sung cơ chế về chính sách cho vay vốn lưu động đối với các HTX nông nghiệp; chính sách cho vay đối với các HTX ở đồng bằng và các HTX ở một số huyện miền núi cao về lãi suất, thời gian vay, tài sản đảm bảo tiền vay” – ông Ngộ nói thêm.  

Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã giúp các HTX, THT có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, nhất là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, góp phần tăng doanh thu cho các HTX, THT và giải quyết việc làm cho hơn 2.100 lao động (thường xuyên chiếm tỷ lệ 70% và không thường xuyên chiếm 30%)...

Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh đánh giá: “Có thể nhận thấy, từ khi quỹ này đi vào hoạt động đến nay, trên địa bàn Quảng Nam ngày càng xuất hiện nhiều HTX, THT được thành lập mới. Đặc biệt, quỹ đã góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ vấn đề vốn cho các THT, HTX. Qua đó, giúp cho nhiều THT, HTX đẩy mạnh liên kết, mở rộng sản xuất - kinh doanh và phát triển một cách bền vững”.

Nhiều hạn chế

Theo ông Nguyễn Hữu Ngộ, những năm qua việc hoạt động của quỹ còn nhiều tồn tại. Hiện nay chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX ở địa phương nên rất lúng túng trong việc ban hành quy chế tổ chức, vận hành quỹ. Nhân sự triển khai hoạt động nghiệp vụ của quỹ còn hạn chế, trình độ thẩm định dự án và khả năng dự đoán các rủi ro trong tác nghiệp chưa cao. Các nghiệp vụ phát sinh và yêu cầu giám sát việc sử dụng vốn của HTX đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên môn cao, hiểu biết nhiều về thị trường..., tuy nhiên chưa có chế độ tiền lương phù hợp để thu hút cán bộ có năng lực chuyên môn cao, hiện tại quỹ chưa đủ con người để hoạt động.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của quỹ, những năm qua nhiều HTX nông nghiệp có điều kiện đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ
Từ nguồn vốn hỗ trợ của quỹ, những năm qua nhiều HTX nông nghiệp có điều kiện đầu tư cơ giới hóa các khâu sản xuất. Ảnh: VĂN SỰ

Cũng theo ông Ngộ, ngoài nguồn vốn cho vay đầu tư, hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc thì trên thực tế hiện nay rất nhiều THT, HTX có nhu cầu sử dụng nguồn vốn lưu động ngắn hạn để chủ động hơn trong việc phát triển các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh chưa có cơ chế cho vay vốn lưu động. Trong khi đó, nhiều THT, HTX còn hạn chế trong việc lập hồ sơ, dự án. Phần lớn các dự án được quỹ đầu tư tập trung ở vùng nông thôn, tài sản thế chấp có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao, làm giảm mức vốn cho vay đối với một số dự án có nhu cầu vốn đầu tư lớn. Thực tế cho thấy, hầu hết dự án do các THT, HTX triển khai chỉ mới tập trung đầu tư ở một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng, còn các huyện miền núi ít được tiếp cận nguồn vốn của quỹ. Không ít dự án được quỹ đầu tư hỗ trợ vốn trong ngành nông nghiệp như lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt hoạt động khó khăn do đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, có tính rủi ro cao hơn so với việc đầu tư vào các lĩnh vực khác, dẫn đến còn một số đơn vị chậm trả nợ gốc cho quỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, nhất thiết các đơn vị liên quan cần sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung điều lệ, quy chế hoạt động của quỹ cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Cùng với đó, hằng năm tham mưu Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh có kế hoạch phối hợp với các sở ban ngành và các địa phương tổ chức các cuộc hội nghị, tọa đàm, tuyên truyền, giới thiệu về hoạt động của quỹ để các tổ chức kinh tế tập thể có nhu cầu hỗ trợ vốn sớm được tiếp cận. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ, lập hồ sơ vay vốn để trợ giúp các THT, HTX, đồng thời phân giao chỉ tiêu hằng năm cho từng cán bộ, nhân viên của quỹ; tiếp tục cải thiện quy trình nghiệp vụ cho vay, từng bước hoàn thiện công tác tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay vốn của các THT, HTX nhằm rút ngắn thời gian tiếp cận vốn vay...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp thêm nguồn lực cho kinh tế hợp tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO