Trợ lực từ một cơ chế

HÀN GIANG 16/09/2021 06:13

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, năm 2015 Huyện ủy Bắc Trà My ban hành Nghị quyết 03 về phát triển kinh tế vườn nhà, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025, qua đó đã trợ lực mạnh mẽ để người dân trên địa bàn cải tạo, chỉnh trang vườn tạp, trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa, tăng thêm thu nhập…

Vườn cam sành của gia đình anh Nguyễn Quảng Hiệp chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: N.Đ
Vườn cam sành của gia đình anh Nguyễn Quảng Hiệp chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: N.Đ

Lấy ngắn nuôi dài

Năm 2018, hưởng ứng cuộc vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Ba Hương, xã Trà Đông) chuyển đổi 0,5ha đất trồng keo sang trồng cây cam sành. Bà Hoa cho biết, cây cam sành phù hợp với thổ nhưỡng và được chăm sóc chu đáo theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên phát triển tốt.

Nhiều cây đã cho quả, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập khá cho gia đình trong các vụ mùa sắp tới. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, gia đình bà Hoa đầu tư chuồng trại bài bản để phát triển chăn nuôi heo, gà vịt thương phẩm.

“Từ hiệu quả đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững, số lượng đàn heo thương phẩm tăng mỗi năm, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí để làm hầm bioga xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo được vệ sinh môi trường; đồng thời tận dụng được khí ga và làm phân bón cho vườn cây ăn trái” - bà Hoa nói.

Vườn cam sành hơn 2.000 cây của gia đình anh Nguyễn Quảng Hiệp (thôn Dương Trung, xã Trà Dương) đang chuẩn bị bước vào thu hoạch. Nhìn vườn cam trái trĩu cành ít ai ngờ rằng nó vừa vượt qua đợt nắng hạn khốc liệt nhờ sự chăm tưới của chủ vườn. Anh Hiệp ước tính vụ mùa năm nay vườn cam cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả.

Anh Hiệp cho hay, năm 2015, sau khi học xong ngành kỹ sư kinh tế nông nghiệp, anh lựa chọn về quê khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà thương phẩm. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy được vốn liếng từ chăn nuôi, năm 2017, anh đầu tư cải tạo 4ha đất vườn nhà để trồng cây cam sành, thanh trà, chanh, bưởi.

“Thời điểm đó, tôi gặp khó khăn về cây giống và kịp thời nhận được sự hỗ trợ cây giống từ chính quyền theo Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bắc Trà My về phát triển kinh tế vườn nhà giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025. Mô hình kinh tế vườn - chuồng mang lại gia đình tôi thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ các chi phí đầu tư” - anh Hiệp chia sẻ.

Nhằm ổn định đầu ra cho trái cam sành, được sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, năm 2019, anh Hiệp cùng 6 hộ trồng cam sành thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trà Dương. Tháng 12.2020, sản phẩm cam sành của HTX Nông nghiệp Trà Dương được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

“Sản phẩm cam sành có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo nên được thị trường tin tưởng, mức tiêu thụ ổn định. Chúng tôi phấn đấu đưa sản phẩm cam sành vào các siêu thị tại TP.Tam Kỳ trong thời gian tới” - anh Hiệp nói.

Cần thêm trợ lực

Bà Đoàn Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dương cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bắc Trà My, giai đoạn 2017 - 2019 toàn xã có hơn 100 hộ được hỗ trợ gần 10 nghìn cây ăn quả để trồng trong vườn nhà. Số cây giống được hỗ trợ trong 2 năm đầu nay đã cho quả, nhiều gia đình đã có thu hoạch.

Nhờ sự hỗ trợ của huyện mà nhiều hộ dân cải tạo được vườn tạp trồng cây ăn quả, đầu tư thêm kinh phí mua giống cây về trồng để phát triển kinh tế vườn, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần củng cố, nâng chất lượng xây dựng nông thôn mới của xã.

Thời gian qua, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, UBND huyện Bắc Trà My chú trọng lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn. Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân, Huyện ủy Bắc Trà My đã kịp thời ban hành Nghị quyết 03.

Đến nay, toàn huyện có 620 hộ đăng ký tham gia và được hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật chăm trồng trên diện tích 137ha. Các loài cây ăn quả được trồng chủ yếu là cam, thanh trà, bưởi da xanh, quýt, sầu riêng...

Hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Bắc Trà My đang được UBND huyện khảo sát, đánh giá nhằm đề ra những giải pháp mới, hiệu quả, với định hướng đến năm 2025 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện sẽ trồng mới 100ha cây ăn quả trong vườn nhà theo chỉ tiêu nghị quyết.

Ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, mô hình làm vườn trên địa bàn huyện chủ yếu là những mô hình trồng cây nông - lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình kinh tế tiêu biểu, điển hình theo phương thức HTX như: nuôi cá lồng bè của HTX Nuôi trồng thủy sản Trà My; trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của HTX Nông nghiệp Trà Dương; nuôi heo sinh sản và heo thịt của HTX Hoàng Phát (xã Trà Dương); nuôi heo đen địa phương của HTX Lộc Thịnh (xã Trà Bui)...

Từ thực tiễn phát triển kinh tế vườn của địa phương, ông Toại cho rằng, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, đầu ra của sản phẩm còn bị động, tùy thuộc vào thị trường; việc hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa được phát triển; các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo đó, ông Toại kiến nghị tỉnh sớm ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại nhằm có cơ sở hỗ trợ cho nhân dân. Dự tính nhu cầu kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại cho người dân của huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021 - 2025 là 14,6 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ lực từ một cơ chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO