Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất cây dược liệu: Hướng đi triển vọng

HOÀNG LIÊN 27/10/2021 09:52

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ triển khai các mô hình sản xuất cây đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam và đan sâm là hướng đi triển vọng giúp người dân Nam Trà My cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Thu mua cây dược liệu tại Nam Trà My. Ảnh: CTV
Thu mua cây dược liệu tại Nam Trà My. Ảnh: CTV

Xây dựng mô hình

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) xây dựng mô hình sản xuất đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam và đan sâm tại huyện Nam Trà My” nằm trong khuôn khổ “Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”.

Dự án do Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My chủ trì với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Viện Dược liệu chuyển giao công nghệ.

Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho hay, dự án đã tiếp nhận 9 quy trình công nghệ và ứng dụng thành công xây dựng mô hình nhân giống, trồng trọt, thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu.

Dự án cũng xây dựng 3 mô hình nhân giống cho 3 loại cây nêu trên tại xã Trà Nam (Nam Trà My) gồm mô hình nhân giống đương quy Nhật Bản 2.000m2 vườn giống gốc và 500m2 vườn ươm, 250.000 cây xuất vườn; giảo cổ lam 1.000m2 vườn giống gốc, 500m2 vườn ươm; cây đan sâm 2.000m2 vườn giống gốc, 1.000m2 vườn ươm, số lượng giống xuất vườn 500.000 cây.

Nhóm cũng xây dựng 3 mô hình sản xuất cây dược liệu (10ha/mô hình); xây dựng 3 mô hình sơ chế và bảo quản 3 loại dược liệu (giảo cổ lam 40 tấn, đương quy 20 tấn, đan sâm 40 tấn) với hàm lượng dược liệu được đánh giá và đạt tiêu chuẩn dược điển Việt Nam.

Dự án xây dựng nhà kho chứa vật tư, vật liệu chuẩn bị sản xuất giống dược liệu với diện tích 200m2, xây dựng khu vực sơ chế dược liệu (xã Trà Nam) với hệ thống bể rửa dược liệu, sân phơi 150m2, lò sấy công suất 1 tấn/ngày.

Từ các mô hình, so sánh về mặt kinh tế, lợi nhuận từ cây đương quy Nhật Bản, cây đan sâm và giảo cổ lam cao gấp 4 lần so với trồng lúa, 13 - 14 lần so với trồng bắp.

Ông Đoàn Ngọc Ba - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Nam Trà My cho hay, dự án triển khai thành công trong thực tiễn góp phần đưa cây dược liệu, vốn được khai thác tận diệt thì nay được bắt đầu trồng, sơ chế, bảo quản; người dân được nâng cao nhận thức trong việc trồng dược liệu thoát nghèo.

Mong muốn của huyện là tiếp tục nhân rộng, phát triển các cây dược liệu chủ lực; nhân giống, từng bước mở rộng diện tích. Vấn đề hiện nay là làm sao để cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tránh tình trạng cây chết do thiên tai, lũ lụt...

Triển vọng...

Theo các nhà quản lý và chuyên gia, đây là dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng mô hình sản xuất đương quy Nhật Bản, giảo cổ lam và đan sâm tại huyện Nam Trà My” có tính cấp thiết, giàu giá trị thực tiễn, đóng góp đáng kể vào công tác giảm nghèo miền núi.

Th.S Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, dự án nằm trong định hướng phát triển cây dược liệu, tạo sinh kế phát triển cây dược liệu miền núi. Kết quả dự án đạt được khá hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn. Cần rà soát, hoàn thiện các mô hình, phương pháp nhân giống, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật trồng, sơ chế, bảo quản cây dược liệu.

Giống dược liệu, mô hình, nội dung, kết quả nhân rộng từ dự án là những vấn đề “hậu dự án” cần triển khai thêm. Đồng thời khảo sát, đánh giá các tác động đến cây dược liệu, có những yếu tố phải cải thiện; vùng khảo sát và dự kiến trồng phải thuận lợi.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với 3 loại dược liệu chọn tham gia dự án, qua thực tiễn cho thấy, thị trường tiêu thụ rất tốt, cần có hướng nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc.

Khi nhân rộng mô hình, tuyên truyền để người tham gia trồng phát triển cây dược liệu theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng. Cần rút kinh nghiệm từ cây cà gai leo được bón phân tăng sản lượng, sinh khối, giảm hàm lượng dược chất, làm mất động lực phát triển.

Với các mô hình có sản lượng không đạt yêu cầu, phải phân tích nguyên nhân cụ thể; có giải pháp thích ứng phù hợp, tính toán thời vụ trồng, thu hoạch hợp lý, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cần hoàn thiện các quy trình xây dựng vườn giống gốc, đảm bảo tiêu chí, kỹ thuật chuẩn bị đất trồng, chăm sóc, chỉ tiêu theo dõi, đánh giá. Khi nhân rộng các mô hình từ dự án, cần phải áp dụng phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, điều chỉnh quy trình phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất cây dược liệu: Hướng đi triển vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO