Vườn đồi ở Tam Mỹ Tây

VIỆT NGUYỄN 14/01/2022 11:13

Nắm bắt được điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cùng với khát vọng làm giàu, nhiều người dân ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đã khiến những vùng đồi trở thành vườn cây trái trĩu quả.

Thương binh Phan Văn Sỹ bên gốc bưởi sai quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Thương binh Phan Văn Sỹ bên gốc bưởi sai quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thử nghiệm mới

Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, canh tác lúa vẫn hoàn khó khăn, thương binh Phan Văn Sỹ (thôn Tịnh Sơn) ấp ủ mô hình kinh tế mới. Nhận thấy vườn đồi đất đỏ 6.000m2 của gia đình màu mỡ, lại mát mẻ quanh năm, nguồn nước dồi dào, ông Sỹ nảy sinh ý tưởng trồng cây ăn trái.

Ông vào miền Tây, lặn lội khắp các nhà vườn học hỏi cách làm, kinh nghiệm chăm bón cây trái. Ngày trở về, hành trang của ông Sỹ ngoài kiến thức, kỹ thuật làm vườn còn có các giống cây ăn quả như bưởi, xoài, chôm chôm, cam, quýt.

Từ số tiền 50 triệu đồng vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Núi Thành làm vốn đầu tư ban đầu, ông Sỹ vận dụng thêm kiến thức mới để cải tạo khu đồi trồng cây ăn quả.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vùng đồi gia đình ông Sỹ dần thay áo mới với đủ sắc màu của các loại cây trái đến kỳ thu hoạch. Trái cây nhiều chủng loại, thơm ngon, quanh năm mùa nào thức nấy nên gia đình ông Sỹ có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm không dưới trăm triệu đồng.

“Tết này, gia đình sẽ có nguồn thu kha khá từ bán trái cây, lại có sản vật lên mâm cỗ cúng bái vùng đất quê hương, tổ tiên lập nghiệp” - ông Sỹ nói.

Vườn đồi rộng 7.500m2 của gia đình ông Võ Mẫn (thôn Thạnh Mỹ) hiện trồng 500 gốc bưởi da xanh, 300 cây ổi, 100 cây cam, 100 cây quýt. Ông Mẫn nói, thiên nhiên đã phú cho vùng này điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng cây ăn trái, không thể không tận dụng.

Sau khi thử nghiệm trồng cây ăn quả thành công từ năm 2017, ông Mẫn vay 50 triệu đồng của ngân hàng chính sách để đầu tư hệ thống tưới nước tự động phục vụ vào mùa hè, đào mương tiêu nước để tránh ngập úng vào mùa mưa. Đặc biệt, ông Mẫn áp dụng phương thức “canh tác xanh” cho vườn cây ăn trái, chỉ sử dụng phân hữu cơ, các loại chế phẩm sinh học; nói không với phân hóa hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật.

“Tôi tạo chế phẩm sinh học với các loại gừng, sả, rượu. Khu vườn có mùi thơm ngào ngạt là nơi tập trung của các loại côn trùng hữu ích, lại có tác dụng đẩy đuổi các loại côn trùng phá hoại. Canh tác sạch giúp các loại cây trái sinh trưởng mạnh, cho quả đạt chất lượng” - ông Mẫn chia sẻ.

Niềm vui nhân lên

Nắm bắt được sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên, trong vài năm trở lại đây nhiều hộ dân ở Tam Mỹ Tây mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả làm hướng phát triển kinh tế chính thay cho chăn nuôi, trồng lúa và trồng rừng.

Ông Phan Đình Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây nói, niềm vui nhân lên khi mô hình trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả và được nhân lên sâu rộng trên địa bàn. Toàn xã hiện có hơn 100 vườn cây ăn trái với tổng diện tích hơn 50ha.

Từ thời gian đầu, nhận thấy trồng cây ăn quả có triển vọng, để trợ sức cho nông dân, xã đã đề xuất với Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện Núi Thành hỗ trợ cây giống cho nông dân với mức 5 triệu đồng/hộ. Tiếp thêm động lực, xã còn liên hệ, phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp người trồng cây ăn quả áp dụng quy trình phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đến nay, liên tiếp những mùa cây trĩu quả chứng minh cho hướng đi nông nghiệp xanh, sạch phù hợp với Tam Mỹ Tây, khai phá tiềm năng, lợi thế. Ông Dung cho biết, thời gian tới xã tiếp tục tạo điều kiện để các hộ thực hiện chứng nhận VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, khẳng định vị thế, nâng cao giá trị nông sản.

“Còn gì vui hơn khi các vườn cây ăn quả cho nông sản chất lượng được thị trường đón nhận. Đó cũng là cách để Tam Mỹ Tây phát huy thế mạnh, thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới, thoát nghèo bền vững. Rất có thể trong tương lai không xa, du khách gần xa sẽ đến với Tam Mỹ Tây để thưởng ngoạn, khám phá vẻ đẹp của các vườn cây trĩu quả” - ông Dung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vườn đồi ở Tam Mỹ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO